| Hotline: 0983.970.780

Nông dân được lợi ích gì từ thị trường tín chỉ carbon?

Thứ Sáu 09/02/2024 , 15:54 (GMT+7)

Gần đây, ông Lê Hoàng Thế được chú ý với tư cách một chuyên gia về tín chỉ carbon và giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tiến sĩ khoa học môi trường Lê Hoàng Thế không phải nhân vật quá xa lạ với đời sống kinh tế Việt Nam qua hai thập niên đầu tiên thế kỷ 21. Ông Lê Hoàng Thế từng lập nghiệp ở Nhật Bản hơn 30 năm, và có cả cái tên Minami Takashi để thuận tiện cho các quan hệ giao dịch tại xứ sở mặt trời mọc.

Ông Lê Hoàng Thế trở về Việt Nam năm 1997, thành lập Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos đặt trụ sở chính đặt trên đất Đồng Tháp chôn nhau cắt rốn và triển khai nhiều dự án trồng rừng tại Đồng Nai, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kiên Giang…

Gần đây, ông Lê Hoàng Thế được chú ý với tư cách một chuyên gia về tín chỉ carbon và giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhân không khí mùa xuân Giáp Thìn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với vị tiến sĩ khoa học môi trường 67 tuổi vẫn tràn trề năng lượng này.

Tiến sĩ khoa học môi trường Lê Hoàng Thế.

Tiến sĩ khoa học môi trường Lê Hoàng Thế.

Thưa ông Lê Hoàng Thế! Chúng tôi nên gọi ông bằng danh xưng gì nhỉ, nhà khoa học, nhà kinh doanh hay nhà hoạt động môi trường?

Danh xưng nào đối với tôi cũng không quan trọng. Vì đơn giản tôi là một đứa con đất sen hồng Đồng Tháp đã nếm đủ mùi vị tha hương và bây giờ tha thiết với sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos của ông nổi tiếng với những dự án trồng rừng kết hợp trồng nấm linh chi dưới tán rừng và có sản phẩm mang thương hiệu rất oách là “Tiên Thảo Dược”. Vì sao ông lại tranh thủ quỹ thời gian vốn luôn chật hẹp của mình để hướng sự quan tâm sang vấn đề phát thải?

Tôi thấy đó là một trách nhiệm. Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có lượng phát thải carbon cao nhất năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2022 đạt 57,3%, Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Vì vậy, tôi rất mừng khi tại COP 26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2040.

Với kiến thức và tâm huyết của bản thân, tôi nghĩ mình có thể đóng góp tích cực vào chiến lược Net Zero 2050. Vì hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu và tăng nhiệt độ toàn cầu. Thời tiết cực đoan thường xuyên và nghiêm trọng, bao gồm bão, hạn hán, lũ lụt và đợt nhiệt đới ảnh hưởng tới các lĩnh vực nông, lâm, công nghiệp. Nếu không quan tâm đến phát thải, thì sự ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng sống của con người, và ảnh hưởng tiêu cực lên hệ sinh thái trên cạn và dưới nước do môi trường khắc nhiệt lên, gây mất da dạng sinh học.

Kết thúc nạn phá rừng và kết thúc sản xuất điện than thì ai cũng mong đợi và cũng hình dung được. Thế nhưng, lộ trình Net Zero 2050 đưa ra khái niệm “tín chỉ carbon” khá mới mẻ, mà phần lớn công chúng vẫn mơ hồ. Xin được nghe một định nghĩa dễ hiểu nhất từ ông.

À, cũng không phức tạp lắm. Thị trường carbon là thị trường chuyển nhượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Còn tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch các quyền thải khí nhà kính giữa các đơn vị kinh doanh, tổ chức hoặc quốc gia.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế ước tính Việt Nam có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế ước tính Việt Nam có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế.

Thị trường carbon chia làm hai loại, thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Thị trường carbon bắt buộc dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hiệp quốc về biển đổi khí hậu (UNFCCC). Thị trường carbon bắt buộc thì dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương, bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch để đáp ứng các chính sách về môi trường xã hội, quản trị doanh nghiệp và giảm dấu chân carbon.

Trong một cuộc gặp gỡ do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì để bàn bạc về giảm phát thải ở lĩnh vực nông nghiệp, ông cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu của thế giới tăng lên. Thậm chí, ông ước tính Việt Nam có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế. Liệu con số ước tính ấy có hơi lạc quan không?

Tôi hoàn toàn không ảo tưởng khi đưa ra con số như vậy. Tín chỉ carbon là một loại hàng hóa đặc biệt. Việt Nam có địa hình rừng vàng biển bạc nên có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon. Bên cạnh tín chỉ carbon phổ thông, tôi còn tin tưởng có thể phát triển ở Việt Nam loại tín chỉ carbon siêu cấp, gọi là organic carbon.

Sự tăng trưởng của thị trường tín chỉ carbon được thúc đẩy bởi các cam kết về khí hậu của doanh nghiệp, sự quan tâm của người tiêu dùng đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, yêu cầu của các nhà đầu tư tài trợ cho các dự án có tín chỉ carbon, và công bố và giảm phát thải bắt buộc.

Vậy thì làm thế nào để thị trường tín chỉ carbon được xây dựng và vận hành một cách có hiệu quả, thưa ông?

Theo tôi, trước hết các bộ ngành và địa phương cần sửa đổi, bổ sung các chiến lược và kế hoạch thực hiện để đưa vào những giải pháp giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, tháo gỡ rào cản để khơi thông dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài và các nguồn lực nước ngoài đầu tư vào các dự án phát thải các bon thấp. Ngoài ra, chúng ta cần phát triển các công cụ định giá carbon, bao gồm thuế carbon và thị trường carbon.

Vừa rồi, có một thông tin đáng phấn khởi là Việt Nam đã thu được tiền từ việc bán tín chỉ carbon. Dựa theo thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính khu vực Bắc Trung bộ, được ký kết vào năm 2020 giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế, thì đến cuối năm 2023 đã có khoảng 49,698 triệu USD chia cho sáu tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trong tương lai, có phải người dân có thể tham gia tích cực hơn và hưởng lợi cụ thể hơn từ thị trường tín chỉ carbon?

Trên thế giới đã có một số quốc gia vận hành thị trường tín chỉ carbon nhiều năm rồi. Vài nước còn đưa ra thuế carbon rất nghiêm khắc, dựa theo tiêu chí phát triển bền vững. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý là tín chỉ carbon có rất nhiều mệnh giá khác nhau. Các tổ chức quốc tế đã đưa ra thông số quy chuẩn để tính toán giá trị carbon. Hiện nay tín chỉ carbon có 11 loại mệnh giá. Mô hình sản xuất càng đi về hướng hữu cơ thì mệnh giá của tín chỉ carbon càng cao.

Cách tính giá cụ thể cho mỗi loại tín chỉ carbon có lẽ còn lâu mới phổ cập đại chúng. Ở đây chỉ xin lấy đơn giá 5 USD/tấn mà ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon trong năm 2023, thì rõ ràng mức độ che phủ của rừng sẽ mang lại khoản thu nhập không nhỏ. Nếu trước đây người dân được giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng với thù lao 400-600 ngàn đồng/ha mỗi năm, thì với số tiền bán tín chỉ carbon có thể nâng thù lao lên mức 1 triệu đồng/ha mỗi năm chứ nhỉ?

Tôi tin điều ấy hoàn toàn khả thi. Nếu người dân vùng cao có thể hưởng lợi từ thị trường tín chỉ carbon nhờ vào giá trị rừng, thì người dân đồng bằng cũng có thể hưởng lợi từ thị trường tín chỉ carbon nhờ vào đồng ruộng. Ví dụ, người dân miền Tây Nam bộ sẽ có thu nhập vượt trội phương pháp canh tác bình thường, khi tham gia đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bởi lẽ, đề án này không chỉ mang đến sản phẩm lúa chất lượng cao mà còn đem lại một số lượng tín chỉ carbon rất đáng kể.

Theo mường tượng của nhiều người, thì một đồng cỏ chắc chắn sản sinh nhiều tín chỉ carbon hơn một bãi đất hoang. Nhìn ở góc độ sinh học, liệu có thể định dạng loại cây trồng nào mang lại tín chỉ carbon nhiều hơn loại cây trồng nào không?

Trước mắt thì chưa có nghiên cứu nào cho đáp án tỉ mỉ về thắc mắc này. Thế nhưng, carbon không phải kẻ thù mà là một thành phần của đất đai. Người trồng trọt hay người chăn nuôi đều có cách đóng góp cho thị trường tín chỉ carbon. Nếu người trồng trọt phải ý thức cày xới có trách nhiệm, theo khuyến cáo của các chuyên gia chỉ nên cày xới dưới 15cm, để tránh carbon bị phát thải. Còn người chăn nuôi cũng phải có quy trình chăn thả phù hợp, làm sao để nguồn thức ăn của gia súc và chất thải của gia súc góp phần tăng độ màu mỡ cho đất đai. Tôi cho rằng, nông nghiệp xanh và nông nghiệp tuần hoàn là cơ sở tuyệt vời để phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon là một loại hàng hóa đặc biệt. Việt Nam có địa hình rừng vàng biển bạc nên có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon là một loại hàng hóa đặc biệt. Việt Nam có địa hình rừng vàng biển bạc nên có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon

Khi các doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia thị trường tín chỉ carbon, thì họ có quyền chọn lựa giải pháp khác với giải pháp thông thường là đi mua tín chỉ carbon không? Chẳng hạn, một doanh nghiệp đóng trên địa bàn nào đó có thể thuê người dân xung quanh trồng cây để cân bằng môi trường và không phải chịu thuế carbon?

Giải pháp đó theo tôi rất khó thực hiện. Bởi lẽ, với diện tích cây trồng dưới 1,2 ha thì gần như không thể tính toán tín chỉ carbon. Mặt khác, thuê đất trồng cây trên 1,2 ha còn liên quan đến việc sử dụng nguồn nước và sử dụng phân bón thật hợp lý để đạt được tiêu chí cho ra tín chỉ carbon. Mua tín chỉ carbon trực tiếp tương đối rắc rối, mà doanh nghiệp khôn ngoan sẽ chọn con đường nhanh hơn là mua qua sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu.

Lộ trình Net Zero không thể tính đến tác nhân từ các đô thị ngột ngạt và chen chúc. Cho nên, công sức của người dân ở vùng ngoại ô hoặc vùng nông thôn vệ tinh của đô thị phải được lưu ý nhiều hơn. Ví dụ, người dân có một vườn dừa trên 10 năm tuổi thì nguồn thu từ thị trường tín chỉ carbon cũng nên trả tiền cho họ chứ nhỉ?

Đúng, nhưng cần đưa họ vào một mắt xích để tính toán được tín chỉ carbon. Mô hình hợp tác xã chẳng hạn, với hàng trăm hộ dân có vườn tược thì sẽ ra con số tín chỉ carbon, sau đó quy thành tiền cho công sức gìn giữ từng cây dừa hàng năm.

Sự hào hứng về thị trường tín chỉ carbon đang hé lộ tại Việt Nam. Ông có tin rằng sẽ xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp chuyên kinh doanh tín chỉ carbon, như những nhà môi giới chứng khoán không?

Có chứ. Sự hình thành sàn giao dịch chứng khoán tín chỉ carbon ở Việt Nam không có gì phải nghi ngờ. Doanh nghiệp đã cam kết giảm phát thải không thể không mua tín chỉ carbon. Ở một vài quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có nhiều chuyên gia môi giới tín chỉ carbon. Việt Nam cũng nên tạo điều kiện thông thoáng nhất cho các tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể mua, bán hoặc sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải tạo ra.

Để có sàn giao dịch chứng khoán tín chỉ carbon, không thể trông cậy vào những lời rao giảng “tín chỉ carbon” như một thuật ngữ thời thượng, mà phải bắt đầu từ đội ngũ chuyên gia. Nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon hiện nay vẫn còn là ẩn số. Đây là một bài toán phải giải quyết thế nào, theo ông?

Chúng ta cần tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển để chia sẻ kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. Đặc biệt là cần sớm ban hành cơ chế tài chính mới và sáng tạo, trong đó có thể cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động giảm phát thải của khu vực doanh nghiệp

Việt Nam cần có một lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp để thực hiện giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Lực lượng lao động này cần có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Theo tôi, thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành được thị trường carbon. Tuy nhiên môi trường trong nước vẫn chưa có chương trình hỗ trợ đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề.

Nghe nói Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos đang chuẩn bị mở khóa đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon?

Trong năm 2024, chúng tôi phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội để cung cấp những chương trình đào tạo online với chi phí rất thấp cho những ai quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon. Đây là những khóa đào tạo cung cấp chứng nhận cá nhân và đảm bảo chất lượng thông qua đội ngũ chuyên gia hàng đầu tại INTERTEK có lịch sử 135 năm ở Anh và 25 năm tại Việt Nam. Tôi dám chắc nhân sự chuyên nghiệp sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của ông.

(thực hiện)

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.