| Hotline: 0983.970.780

Nông dân đút túi 250 triệu đồng sau 6 tháng nuôi cua biển

Thứ Tư 08/11/2023 , 11:16 (GMT+7)

Thay vì nuôi quảng canh phó mặc thời tiết, môi trường, nông dân Hà Tĩnh vừa áp dụng thành công kỹ thuật nuôi cua 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu theo chiều hướng cực đoan là thực trạng đã được các chuyên gia cảnh báo trong mấy năm trở lại đây. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung, người nuôi cua biển nói riêng.

Tại Hà Tĩnh, bao đời nay bà con vẫn có thói quen thả giống nuôi quảng canh, phó mặc thời tiết nên đến mùa nắng thường xảy ra dịch bệnh, còn mùa mưa lũ sốc nước, gây thiệt hại nặng nề.

Lần đầu tiên người dân xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà áp dụng kỹ thuật nuôi cua biển 2 giai đoạn. Ảnh: Hưng Phúc.

Lần đầu tiên người dân xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà áp dụng kỹ thuật nuôi cua biển 2 giai đoạn. Ảnh: Hưng Phúc.

Trước thực trạng đó, năm 2023, Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh chuyển giao kỹ thuật nuôi cua biển 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu cho người dân xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, làm tiền đề cho việc chỉ đạo, tuyên truyền ứng dụng khoa học vào sản xuất; tạo điểm tham quan, học tập và giúp bà con nuôi trồng thủy sản có thêm sự lựa chọn.

Mô hình được triển khai với quy mô ao ở giai đoạn ương 700m2, ao nuôi thương phẩm 10.000m2. Hộ dân tham gia được hỗ trợ về con giống, thức ăn, các loại vật tư khác theo quy định của nhà nước.

Ông Trương Văn Hoàng, hộ thực hiện mô hình cho biết, trước đây, toàn bộ hơn 3ha ao nuôi của gia đình đều nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi, môi trường suy thoái, ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh trên tôm xảy ra liên miên, không mang lại hiệu quả như mong muốn nên năm 2020 gia đình ông cải tạo lại ao hồ và thu gom giống cá hồng đỏ, cá nâu, cua xanh ngoài tự nhiên về thả nuôi quảng canh, xen canh kết hợp.

Với hình thức nuôi này, tuy tốn ít chi phí, không cầu kỳ về kỹ thuật nhưng lợi nhuận mang lại không cao, chủ yếu lấy công làm lãi. Vì thế, khi được Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh giới thiệu về mô hình nuôi cua 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu ông đã đăng ký tham gia.

“Các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn tôi quy trình từ ương giống giai đoạn đầu đến nuôi thương phẩm. Số lượng giống lúc thả ương giai đoạn đầu 21.000 con, kích cỡ 0,5 cm/con. Sau thời gian ương hơn 1 tháng, nhờ chăm sóc đúng quy trình, cua được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, cua phát triển tốt, đồng đều và đạt kích cỡ từ 1,5 - 2 cm/con", ông Hoàng vừa nhìn vào cuốn nhật ký nuôi trồng vừa chia sẻ.

Không chỉ nâng cao được tỷ lệ sống, phương pháp này còn kiểm soát được dịch bệnh, tốc độ phát triển của cua nhanh hơn so với nuôi quảng canh thông thường. Ảnh: Hưng Phúc.

Không chỉ nâng cao được tỷ lệ sống, phương pháp này còn kiểm soát được dịch bệnh, tốc độ phát triển của cua nhanh hơn so với nuôi quảng canh thông thường. Ảnh: Hưng Phúc.

Theo ông, nhờ được ương dưỡng trước khi thả ra ao nuôi thương phẩm nên ngoài đảm bảo được kích cỡ đồng đều, tỷ lệ sống thì cua cũng thích nghi nhanh với môi trường, chống chịu tốt trước điều kiện bất lợi của thời tiết. Đây cũng là giải pháp mới mà ông Hoàng lần đầu tiên được áp dụng.

“Trước kia thu gom con giống tự nhiên, kích cỡ không đồng đều, phải thả nhiều đợt, quá trình nuôi con lớn ăn con bé nên cũng bị hao hụt nhiều. Tuy nhiên khi đưa phương pháp nuôi cua bằng giống nhân tạo và ương dưỡng trước khi nuôi thương phẩm tôi thấy tỷ lệ sống cũng như tốc độ phát triển cua hơn hẳn cách nuôi quảng canh trước kia”, ông Hoàng phấn khởi nói thêm.

Theo ông Trương Huy Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh, mục tiêu chuyển giao mô hình nuôi cua 2 giai đoạn cho người nuôi trồng là để nâng cao tỉ lệ sống, kiểm soát được lượng con giống trước khi thả ra ngoài ao nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất.

Sau thời gian nuôi gần 6 tháng, cua đạt kích cỡ thương phẩm từ 0,3 - 0,35 kg/con. Hiện người nuôi đang thu tỉa những con cua đã đầy thịt và chắc để xuất bán dần, còn những con dù đạt kích cỡ thương phẩm nhưng còn ốp thì tiếp tục nuôi nhằm thu hiệu quả kinh tế tối đa.

“Sau khi kiểm tra, nghiệm thu đánh giá kết quả, dự kiến, tỷ lệ sống cua nuôi thương phẩm đạt khoảng 65%, sản lượng thu hoạch khoảng 2 tấn. Sau khi trừ chi phí, hộ dân thu lãi gần 250 triệu đồng”, ông Dũng nhẩm tính.

Sau hơn 6 tháng nuôi trồng, sau khi trừ chi phí ước tính người nuôi thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Ảnh: Hưng Phúc.

Sau hơn 6 tháng nuôi trồng, sau khi trừ chi phí ước tính người nuôi thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Ảnh: Hưng Phúc.

Xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 130ha. Trước kia, diện tích này chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng gia tăng, môi trường nước ô nhiễm nên nghề nuôi tôm suy thoái. Nhiều hộ dân chuyển đổi sang nuôi các đối tượng khác nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao do bà con thiếu kinh nghiệm và kiến thức về nuôi trồng thủy sản.

“Việc triển khai mô hình nuôi cua biển 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn sẽ là cơ hội để người dân tiếp cận thêm khoa học kỹ thuật mới, từ đó áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cũng như góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương”, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã  Đỉnh Bàn nói thêm.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm