| Hotline: 0983.970.780

Nông dân hăng hái làm vụ đông, 'sáng lúa, chiều ngô'

Thứ Hai 13/11/2023 , 07:50 (GMT+7)

YÊN BÁI Thực hiện chủ trương 'sáng lúa, chiều ngô', khi lúa mùa còn chưa thu hoạch, nông dân đã làm bầu ươm ngô, chuẩn bị giống, phân bón... để để trồng cây màu vụ đông.

Thu nhập cây vụ đông gấp 3 - 4 lần trồng lúa

Nhiều năm nay, gia đình bà Hoàng Thị Viên ở xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đã đưa một số loại cây rau màu vào gieo trồng trong vụ đông trên diện tích đất ruộng 2 vụ lúa để nâng cao thu nhập.

Theo bà Viên, sau khi thu hoạch lúa, gia đình đã trồng hơn 6 sào cây màu với các giống cà chua, bí đao, rau, đậu. Để sản phẩm đảm bảo an toàn cung cấp ra thị trường, gia đình bà đã áp dụng các phương pháp thủ công trong làm cỏ, bón phân chuồng đã ủ hoại mục. Sản phẩm rau màu làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nếu thời tiết thuận lợi thì thu nhập từ cây vụ đông cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.

Sản xuất vụ đông có thể cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần lúa nếu thời tiết thuận lợi. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản xuất vụ đông có thể cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần lúa nếu thời tiết thuận lợi. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình ông Nguyễn Đức Đoàn ở xã Sơn A  (thị xã Nghĩa Lộ) đang tất bật vun gốc cho diện tích ngô nếp trồng đã hơn 1 tháng. Ông đoàn chia sẻ, gia đình có hơn 9 sào ruộng gieo cấy lúa 2 vụ. Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, cả nhà đã khẩn trương phát rạ, làm đất trồng cây vụ đông. Khoảng 5 sào được ông Đoàn trồng cây ngô nếp để cung cấp bắp tươi cho các điểm bán ngô nướng cho thực khách, diện tích còn lại ông trồng các loại rau như cà chua, bắp cải, xu hào và rau gia vị để bán cho các nhà hàng. Để tăng thu nhập, các loại rau được ông Đoàn trồng gối vụ, rải vụ.

Theo ông Đoàn, rau vụ đông, trong đó có các loại rau gia vị được người tiêu dùng sử dụng ăn lẩu, ăn sống nên vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được đạt lên hàng đầu. Vì vậy, gia đình ông sử dụng nguồn nước sạch để tưới rau và sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn để phòng trừ sâu bệnh.

Các diện tích cây màu được người dân thị xã Nghĩa Lộ sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Thanh Tiến.

Các diện tích cây màu được người dân thị xã Nghĩa Lộ sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Thanh Tiến.

"Sáng lúa, chiều ngô"

Những ngày này, sản xuất vụ đông đang diễn ra rộn ràng trên khắp cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ). Vụ đông năm nay, xã Sơn A gieo trồng hơn 150ha cây màu, trong đó có 130ha cây ngô trên đất 2 vụ lúa, chủ yếu là ngô nếp để bán bắp tươi cho thương lái, còn lại là rau màu các loại. Hiện nay vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính, vì vậy không cần phải vận động tuyên truyền, sau khi thu hoạch lúa mùa, bà con đều tập trung làm đất gieo trồng vụ đông trong khung lịch thời vụ tốt nhất.

Với phương châm “sạch, chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”, hầu hết nông dân ở các địa phương ở thị xã Nghĩa Lộ đều quan tâm đến việc sản xuất rau màu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều hộ đã hình thành các nhóm nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng nguồn nước sạch để tưới, bón phân hữu cơ hoai mục cho cây trồng. Khi sử dụng phân hoá học bón thúc, phải đảm bảo vừa đủ theo yêu cầu của từng loại rau và dừng trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày.

Nhiều nơi ở thị xã Nghĩa Lộ đã hình thành các nhóm nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều nơi ở thị xã Nghĩa Lộ đã hình thành các nhóm nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Thanh Tiến.

Thị xã Nghĩa Lộ đặt mục tiêu trồng trên 1.300ha cây màu các loại trong vụ đông năm nay, trong đó gồm hơn 1.000ha ngô trồng trên đất 2 vụ lúa và hơn 200ha cây rau, màu các loại. 

Thực hiện chủ trương “sáng lúa, chiều ngô”, ngay khi lúa mùa còn chưa thu hoạch, bà con nông dân đã làm bầu ươm ngô, chuẩn bị giống, phân bón và các điều kiện cần thiết để trồng cây màu. Sau khi gặt lúa, bà con khẩn trương phát rạ, đẩy nhanh tiến độ làm đất, áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu, không cần cày đất vun luống mà chỉ cần tạo rãnh thoát nước xung quanh ruộng, sau đó phủ rơm rạ lên. Nhờ đó, bà con giảm được thời gian xuống giống, thuận lợi cho việc chăm sóc, tưới nước, bón phân.

Ngoài ra, cán bộ khuyến nông cũng bám sát đồng ruộng, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu hạn, chịu rét và tuân thủ lịch gieo trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Thị xã Nghĩa Lộ khuyến khích các hộ dân thực hiện tốt quy trình trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo sản phẩm an toàn. Ảnh: Thanh Tiến.

Thị xã Nghĩa Lộ khuyến khích các hộ dân thực hiện tốt quy trình trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo sản phẩm an toàn. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Quản Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ cho biết, vụ đông năm nay, ngoài ngô là cây trồng chủ lực, đơn vị cũng phối hợp với các địa phương vận động nông dân đưa các loại rau màu có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, bố trí thành nhiều đợt, trồng rải vụ để giảm áp lực khi thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế. Khuyến khích các hộ dân thực hiện tốt quy trình trồng rau theo hướng tạo sản phẩm an toàn, nhất là đối với những loại rau ngắn ngày, rau ăn lá, rau gia vị. Trong sản xuất, chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học...

Để nhân rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo hướng bền vững, ngành nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục khuyến khích các hộ dân, HTX liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm để có phương án, kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường. Vận động bà con ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, trồng rau trên giá thể, rau thủy canh.

Các địa phương hỗ trợ nông dân xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi để hình thành các vùng chuyên sản xuất rau màu tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.