| Hotline: 0983.970.780

Một số vấn đề sản xuất vụ đông hiện nay ở Nghệ An

Thứ Năm 14/09/2023 , 06:00 (GMT+7)

Từ năm 2010 lại đây, sản xuất vụ đông của Nghệ An đã giảm mạnh. Đến nay, diện tích vụ đông chỉ còn hơn một nửa so với trước đây.

Thời kỳ vàng son nhất về sản xuất vụ đông ở Nghệ An là từ những năm 2010 trở về trước. Hồi bấy giờ, trung bình mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng từ 60.000 - 62.000ha cây trồng vụ đông các loại. Tuy nhiên từ năm 2010 lại đây, sản xuất vụ đông của Nghệ An nói riêng, nhiều tỉnh phía Bắc nói chung đã giảm dần. Ở Nghệ An, đến nay diện tích vụ đông chỉ còn hơn một nửa so với trước đây.

Diện tích liên tục giảm

Vụ đông năm nay ở Nghệ An được UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT tổ chức triển khai đề án sản xuất sớm hơn các năm trước. Theo đề án này, vụ đông năm nay toàn tỉnh gieo trồng 35.185ha cây trồng các loại, trong đó cây ngô 19.500ha (ngô lấy hạt 14.500ha, ngô lấy thân lá làm thức ăn chăn nuôi 5.000ha), cây lạc 1.400ha, rau củ quả các loại 12.600ha, khoai lang 1.390ha, khoai tây 295ha.

Ngô là cây trồng vụ đông có diện tích giảm mạnh ở Nghệ An. 

Ngô là cây trồng vụ đông có diện tích giảm mạnh ở Nghệ An. 

Sản xuất vụ đông năm nay có đạt được mục tiêu đề ra hay không đang là một dấu hỏi lớn. Bởi trong thực tế sản xuất những năm gần đây diện tích gieo trồng cây vụ đông ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, thời kỳ những năm 2010 về trước, mỗi vụ đông toàn tỉnh gieo trồng từ 60.000 - 62.000ha cây trồng các loại, trong đó cây ngô 30.000 - 33.000ha (riêng ngô trên đất 2 lúa 13.000 - 14.000ha), khoai lang 16.000 - 18.000ha, rau đậu các loại 8.600 - 9.000ha… Những năm ấy, ngô và khoai lang là 2 cây trồng chủ lực trong vụ đông.

Có lẽ khó mà quên được những cánh đồng ngô vụ đông bạt ngàn trên đất 2 vụ lúa ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương… Từ năm 2010 đến 2015, diện tích sản xuất vụ đông của Nghệ An giảm xuống còn 43.000 - 46.000ha mỗi vụ, trong đó riêng cây ngô gieo trồng từ 27.000 - 28.000ha mỗi vụ, rau củ quả các loại 9.000 - 10.000ha, cây khoai lang giảm xuống còn 7.000 - 7.500ha. Từ sau năm 2015 trở lại đây, diện tích sản xuất vụ đông càng giảm mạnh, chỉ còn lại từ 33.200 - 33.700ha mỗi vụ. Trong đó cây ngô gieo trồng từ 18.000 - 18.400ha, cây khoai lang 1.300 - 1.330ha, rau đậu các loại 12.300 - 12.400ha, khoai tây 260 - 280ha.

So với thời kỳ trước năm 2010, diện gieo trồng vụ đông hiện nay giảm từ 28.000 - 29.000ha, chỉ bằng 45 - 46%. Trong đó cây ngô giảm 12.000 - 14.000ha, bằng 58 - 60% (riêng cây ngô trên đất 2 vụ lúa từ 13.000 - 14.000ha nay chỉ còn lại gần 2.000ha, giảm 84 - 85%). Cây khoai lang giảm 15.000 - 16.000ha, bằng 75 - 77%; cây lạc tăng giảm không đáng kể. Chỉ có cây rau, củ quả các loại từ 8.000 - 9.000ha mỗi vụ đông trước đây nay tăng lên 12.300 - 12.600ha.

Vì sao diện tích sản xuất vụ đông ngày càng giảm? Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo tôi có mấy nguyên nhân chủ yếu sau:

Lạc là cây trồng có giá trị cao, dễ tiêu thụ, có thể mở rộng sản xuất trong vụ đông ở Nghệ An.

Lạc là cây trồng có giá trị cao, dễ tiêu thụ, có thể mở rộng sản xuất trong vụ đông ở Nghệ An.

Thứ nhất: Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp (SXNN) nói chung, vụ đông nói riêng không hoàn toàn do ngành nông nghiệp đảm nhiệm. Ngành nông nghiệp là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh về chủ trương, biện pháp tổ chức chỉ đạo, cơ chế chính sách, xây dựng các đề án sản xuất cây, con, mùa vụ sản xuất và các mô hình về sản xuất...

Trách nhiệm chỉ đạo SXNN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị xã hội phải vào cuộc. Nhớ lại thời kỳ sản xuất vụ đông mới ra đời, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đã đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính với quy mô lên đến 60 - 62 ngàn ha mỗi vụ.

Thứ hai: Hiệu quả sản xuất vụ đông quá thấp do chạy theo mở rộng diện tích mà quên rằng thà làm ít, trồng cây gì đầu tư thâm canh tốt cây đó để có năng suất cao, hiệu quả lớn. Chính vì chạy theo mở rộng diện tích, lại gặp phải năm thời tiết không mấy thuận lợi như mưa to, gió lớn, một số diện tích bị ngập úng… làm thiệt hại nên hiệu quả sản xuất không đáng kể, vì vậy nông dân không mặn mà với sản xuất vụ đông.

Thứ ba: Quỹ đất để trồng các cây vụ đông an toàn, ăn chắc rất nhiều, bao gồm 36.000 - 38.000ha đất 2 vụ lúa và đất màu ở các vùng có địa hình cao, ít bị ngập lụt; gần 9.000ha đất bãi ven sông Lam, sông Con, sông Hiếu và trên 11.000ha đất cát pha ven biển từ Vinh, Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu đến Quỳnh Lưu, ra thị xã Hoàng Mai. Song việc chỉ đạo gieo trồng không hợp lý, chưa xác định rõ vùng đất nào nên trồng cây gì, trồng vào lúc nào là tốt nhất, nhất là trên đất 2 vụ lúa. Vì vậy, gặp năm mưa to gây ngập úng, cây trồng bị hư hỏng hoặc kém phát triển, từ đó nông dân chán vụ đông.

Rau màu là nhóm cây trồng rất có lợi thế trong vụ đông những năm gần đây ở Nghệ An.

Rau màu là nhóm cây trồng rất có lợi thế trong vụ đông những năm gần đây ở Nghệ An.

Thứ tư: Chưa có sự hợp tác liên kết thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và HTX. Vì vậy, nhiều sản phẩm trong vụ đông, nhất là những vụ đông được mùa không thể tránh khỏi tình trạng ế thừa, khó tiêu thụ, thậm chí kêu gọi "giải cứu"… Về vấn đề này, hiện chỉ có một số cơ sở sản xuất ở Diễn Châu, Anh Sơn, Tân Kỳ… có sự liên kết thành chuỗi khép kín với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm các cây trồng như ngô sinh khối, khoai tây, cải bắp, lạc… cho nông dân.

Thứ năm: Lực lượng lao động trong nông nghiệp hiện tại không thiếu. Nhưng lao động trẻ, khoẻ phần lớn đi làm ăn xa, lực lượng lao động còn lại đa số là người nhiều tuổi, phụ nữ… nên việc sản xuất vụ đông với yêu cầu khẩn trương để đảm bảo thời vụ gieo trồng bị ảnh hưởng, khó thực hiện.

Giải pháp cho sản xuất vụ đông hiện nay

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa đông năm nay ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ rét đậm, rét hại có khả năng đến muộn và số ngày rét ít hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tháng 9 vẫn còn nắng nóng ở vùng Bắc Trung Bộ, nhiệt độ từ tháng 8 đến tháng 10 cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ C, tháng 11 cao hơn từ 0,5 - 1 độ C và từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 cao hơn TBNN từ 0,5 - 1,5 độ C. Bão và áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện từ 5 - 7 cơn, trong đó có 2 - 3 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, chủ yếu ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía Nam. Lượng mưa ở các tháng trong mùa đông không nhiều nên ít có khả năng xẩy ra lũ lụt lớn.

Từ dự báo trên, có thể nói sản xuất vụ đông năm nay rất thuận lợi. Để sản xuất vụ đông năm nay đạt được kết quả mong muốn, thiết nghĩ cần tập trung mạnh một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Năm nay, dự báo thời tiết sẽ rất thuận lợi cho sản xuất vụ đông.

Năm nay, dự báo thời tiết sẽ rất thuận lợi cho sản xuất vụ đông.

Một: Tuyên truyền và phát động mạnh trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp lớn từ tỉnh xuống các địa phương về tầm quan trọng và lợi ích của việc đẩy mạnh sản xuất vụ đông hiện nay để người dân hiểu và thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh về sản xuất vụ đông năm nay.

Hai: Để sản xuất vụ đông có sự chuyển động mới, sôi động hơn, quyết tâm cao hơn, cả hệ thống chính trị xã hội từ tỉnh đến huyện, thành, thị, phường, xã… đều phải cùng với cơ sở sản xuất tuyên truyền, vận động và chỉ đạo bà con nông dân triển khai sản xuất vụ đông thật tốt tại tất cả các địa phương.

Ba: Trên cơ sở đất đai, địa hình cao hay thấp trũng và kinh nghiệm sản xuất của bà con nông dân tại từng địa phương… nên xác định rõ gieo trồng cây gì, trên loại đất nào và gieo trồng vào thời điểm nào là an toàn nhất để ít bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi, nhất là mưa và ngập úng.

Có một điều cần lưu ý, gieo trồng cây gì, nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường để quyết định, tránh tình trạng ế thừa mất giá, khó tiêu thụ. Tốt nhất các cơ sở sản xuất và bà con nông dân cần liên kết với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bốn: Vụ đông năm nay, các cơ sở sản xuất và bà con nông dân nên mở rộng diện tích 4 cây trồng sau đây:

Cây ngô sinh khối (ngô làm thức ăn gia súc) đang có nhu cầu tiêu thụ mạnh cho đàn bò sữa, bò thịt, các gia súc ăn cỏ hiện có của tỉnh.

Nhu cầu về ngô sinh khối hiện rất lớn.

Nhu cầu về ngô sinh khối hiện rất lớn.

Cây khoai lang, dây lá cho chăn nuôi, củ cho người và cả gia súc. Khoai lang dễ trồng, ít mất mùa, năng suất cao, đầu tư không nhiều, đất nào cũng trồng được. Thu hoạch về có thể ăn tươi, cắt lát phơi khô bảo quản dễ dàng. Giá khoai lang tươi hiện nay cao, khoai lang cắt lát phơi khô giá càng cao và thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn nếu có sản phẩm nhiều.

Cây khoai tây ngắn ngày, dễ trồng, năng suất rất cao, dễ tiêu thụ. Vụ đông năm 2022, nhiều HTX ở Diễn Châu như HTX Diễn Phong, Diễn Thành… đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất và bao tiêu hết sản phẩm khoai tây cho bà con nông dân, đem lại hiệu quả cao.

Cây lạc là cây truyền thống của Nghệ An, dễ trồng, đầu tư thâm canh không nhiều vẫn cho năng suất từ 25 - 28 tạ/ha, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ với giá không dưới 3.500 đồng/kg lạc vỏ. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ lạc rất lớn, cả thị trường trong nước và quốc tế.

Đã gieo trồng cây gì thì phải ăn chắc cây đó, trừ trường hợp thiên tai bất khả kháng. Vì vậy, từ chọn đất trồng, thời vụ gieo trồng, đầu tư thâm canh, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh… phải thực hiện đảm bảo đúng quy trình sản xuất do ngành nông nghiệp hướng dẫn.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.