| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Quảng Trị hồ hởi trồng hồ tiêu hữu cơ

Thứ Hai 18/07/2022 , 21:42 (GMT+7)

Giá hồ tiêu hữu cơ cao hơn sản xuất truyền thống, đầu ra ổn định, môi trường sản xuất an toàn… khiến nông dân Quảng Trị rất phấn khởi.

Từ vài năm lại đây, một số nông dân các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đã chuyển sang trồng hồ tiêu hữu cơ. Tiêu hữu cơ sản xuất ra đến đâu được các doanh nghiệp thu mua đến đó. Lợi ích kinh tế nhờ trồng tiêu hữu cơ cao hơn so với cách trồng truyền thống.

Nhiều nông dân tại Quảng Trị đã chuyển sang trồng hồ tiêu hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều nông dân tại Quảng Trị đã chuyển sang trồng hồ tiêu hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hoàng Hồng Sơn tại thôn An Cổ, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh là người đã trồng hồ tiêu từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, ông cũng chỉ mới chuyển sang trồng hồ tiêu hữu cơ từ vài năm nay.

Bài liên quan

Theo ôn Sơn, ban đầu chuyển sang trồng hồ tiêu hữu cơ, bản thân ông và rất nhiều hộ dân bỡ ngỡ. Tuy nhiên, tất cả đều nhận thức được lợi ích lớn nhất từ việc trồng hồ tiêu hữu cơ là bản thân chủ vườn và người làm công không chịu ảnh hưởng bởi các loại hóa chất độc hại. Giá hồ tiêu hữu cơ cơ bản ổn định, được các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm. Những vùng đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đất đai giữ được độ màu mỡ, không bị thoái hóa.

Nhờ việc không sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, ông Sơn nuôi hàng chục tổ ong ruồi trong vườn tiêu để lấy mật. Đây là điều mà những hộ trồng tiêu theo phương thức truyền thống sử dụng thuốc BVTV sẽ không thể áp dụng được.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, trồng tiêu hữu cơ vất vả hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Tiêu hữu cơ phải mất 3 năm mới có thu hoạch lứa đầu trong khi trồng theo phương thức truyền thống chỉ cần 2 năm. Trồng hồ tiêu hữu cơ đầu tư nhiều công sức hơn, năng suất thấp hơn. Đổi lại, hồ tiêu hữu cơ được giá, các doanh nghiệp đặt hàng thu mua để xuất khẩu; thời gian lưu gốc của hồ tiêu hữu cơ thường dài gấp 2 so với cây hồ tiêu được trồng theo phương thức truyền thống. Trồng hồ tiêu truyền thống rủi ro cao hơn, cây dễ bị chết…

Hiện nay, ông Sơn có 1,2 ha hồ tiêu hữu cơ, mỗi năm cho thu hoạch gần 1,5 tấn tiêu. Nguồn thu từ mật ong ruồi đủ chi phí để ông thuê nhân công phát cỏ, trả lại đất sản xuất độ mùn và giữ ẩm cho cây…

Để trồng tiêu hữu cơ, theo hướng dẫn, ông Sơn chỉ bón phân chuồng hoai mục được ủ bằng các chế phẩm sinh học. Năm đầu tiên, mỗi ha tiêu được bón 30 m3 phân chuồng hoai mục, năm thứ 2 là 40m3 và năm thứ 3 (sau khi thu hoạch) bón thêm 40m3. Bình quân, mỗi năm ông Sơn thuê người phát cỏ 3 lần, bón vôi bột... Toàn bộ cỏ được vun vào gốc để giữ ẩm và tạo độ mùn cho đất.

Toàn bộ sản phẩm tiêu hữu cơ của gia đình ông Sơn được HTX sản xuất và kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh thu mua toàn bộ với giá cao hơn ngoài thị trường 10% -15.

Trồng tiêu hữu cơ đem lại nhiều lợi ích thiết thực nên vài năm lại đây, các hộ dân tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đang đi theo hướng sản xuất này. Nhiều đơn vị cũng đã đứng ra làm đầu mối tổ chức sản xuất và thu mua sản phẩm cho nông dân.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha hồ tiêu. Trong đó có trên 92 ha cây hồ tiêu của 3 đơn vị trên địa bàn được chứng nhận tiêu hữu cơ với sản lượng gần 100 tấn/năm. Toàn bộ sản phẩm này được các đơn vị tổ chức sản xuất thu mua với giá cao hơn thị trường 10-15%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng một số thương lái vào thu mua với giá cao hơn cam kết của các đơn vị tổ chức sản xuất. Vì vậy, việc hồ tiêu hữu cơ bán ra ngoài cũng không phải là hiếm.

Hồ tiêu hữu cơ của Quảng Trị đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Ảnh: Võ Dũng.

Hồ tiêu hữu cơ của Quảng Trị đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho hay, tiêu hữu cơ tại Quảng Trị hiện đã được xuất khẩu sang một số thị trường khó tính tại châu Âu, Mỹ. Tại thị trường nội địa, tiêu hữu cơ Quảng Trị cũng rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Với mục tiêu tăng diện tích cây tiêu hữu cơ trên địa bàn, năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh giai đoạn 2022-2026. Theo đó, các tổ chức, cá nhân trồng hồ tiêu hữu cơ sẽ được hỗ trợ 1 lần chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, định mức 20 triệu đồng/dự án (đối với chứng nhận hữu cơ Việt Nam) và 30 triệu đồng/dự án (đối với chứng nhận hữu cơ quốc tế); quy mô tối thiểu 2 ha/dự án. Ngoài ra, trồng tiêu hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu…

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.