| Hotline: 0983.970.780

Nông dân ra đồng phải xét nghiệm Covid-19

Thứ Hai 23/08/2021 , 20:46 (GMT+7)

LONG AN Các địa phương trong tỉnh chỉ cho người dân ra đồng sản xuất, thu hoạch, thu mua nông sản nhưng phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính và còn hiệu lực 72 giờ.

Ngày 23/8, ngày đầu Long An áp dụng tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trên toàn tỉnh theo công văn số 8394/UBND-VHXH ngày 22/8/2021 của tỉnh này.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An), do đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 nên các thương lái thu mua nông sản trên địa bàn huyện khó khăn trong di chuyển hàng ngày, phải test nhanh Covid-19 làm tăng gánh nặng chi phí. Từ đó dẫn đến ít thương lái thu mua và thu mua với giá thấp.

Một số xã, trạm, chốt kiểm soát Covid -19 chưa thống nhất cách quản lý các phương tiện, người thu hoạch, thu gom, vận chuyển nông sản di chuyển từ xã này sang xã khác trong huyện.

Giá lúa hè thu đang giảm do thương lái khó khăn trong vận chuyển, kỳ kèo ép giá nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Giá lúa hè thu đang giảm do thương lái khó khăn trong vận chuyển, kỳ kèo ép giá nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Địa phương yêu cầu thương lái, người thu mua, vận chuyển nông sản ngoài huyện (đặc biệt là ngoại tỉnh) khi đến địa bàn huyện phải đến ngay Trung tâm Y tế huyện thực hiện test nhanh Covid-19. Khi có kết quả âm tính mới được đi lại thu mua, vận chuyển nông sản trong địa bàn huyện (không chấp nhận kết quả xét nghiệm nơi khác trong 72 giờ), gây khó khăn cho cả nông dân, người thu mua, và ít thương lái vào mua.

Hiện toàn huyện Tân Thạnh hiện còn tồn khoảng 23 tấn chanh bông tím không có thương lái đến mua. Giá lúa, giá nếp giảm. Điều kiện đi lại, thủ tục phát sinh do phòng chống dịch, thương lái kỳ kèo ép giá. Lúa hiện chỉ còn 5.000 - 5.500 đ/kg, nếp IR4625 giá 4.200 - 4.400 đ/kg

Huyện Tân Thạnh cũng còn tồn trên 460 tấn thủy sản các loại như ếch, cá tra giống, cá tai tượng, cá rô, đến kỳ thu hoạch. Nhiều ao/vèo nuôi quá lứa nhiều tuần vẫn chưa có thương lái thu mua.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, các trạm, chốt kiểm soát chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, gắt gao hơn và chỉ cho phép lưu thông với các trường hợp đặc biệt, có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Do đó, nhiều địa phương còn vướng mắc trong việc thực hiện chỉ thị. Nhiều nông hộ đến vụ thu hoạch nhưng không ra đồng được. Từ đó, tình trạng thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Hôm nay, toàn tỉnh Long An thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Tất cả người dân không ra khỏi nhà do đó tình trạng thu hoạch, tiêu thụ nông sản càng khó khăn hơn những ngày qua.

Các địa phương chỉ cho người dân trong xã đi thu hoạch nhưng phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính và còn hiệu lực 72 giờ. Vì vậy, đối với các hộ dân có diện tích nằm tại các xã, huyện khác, người dân không được qua các chốt, đang chờ hướng dẫn. Vì vậy tình trạng thu mua lúa rất chậm do không có thương lái nơi khác đến thu mua.

Nông dân khó khăn khi ra đồng chăm sóc, thu hoạch hoa màu, nông sản. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân khó khăn khi ra đồng chăm sóc, thu hoạch hoa màu, nông sản. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện lúa hè thu bán chậm. Các loại trái cây giá rẻ, khó tiêu thụ. Thủy sản tồn nhiều ở ao nuôi… làm cho người dân hoang mang. Nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19 kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nông sản của tỉnh Long An phần lớn tiêu thụ tại thị trường TP. HCM và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hôm nay, TP. HCM cũng không cho người dân ra đường do đó việc cung ứng, tiêu thụ nông sản tại TP. HCM cũng giảm mạnh.

Hiện tại một số nơi, thanh long đã bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên người dân đi lại rất khó khăn. Diện tích thanh long nằm trong xã người dân vẫn được chăm sóc, thu hoạch nhưng người dân phải cung cấp được kết quả xét nghiệm âm tính và có hiệu lực trong vòng 72 giờ. Các diện tích thanh long nằm ngoài xã người dân chưa được giải quyết đi lại.

Các kho thu mua thanh long chỉ thu mua các diện tích nằm trong xã và đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo quy định. Hiện tại giá bán thanh long mua sô tại vườn, thanh long ruột đỏ từ 4.000-7.000đ/kg, thanh long ruột trắng từ 2.000-3.000đ/kg.

Trên cây rau màu, tình hình tiêu thụ hôm nay giảm mạnh. Nguyên nhân do sản lượng cung cấp về TP. HCM giảm kéo theo sản lượng thu mua giảm.

Các loại nông sản trồng rải rác, không tập trung tiêu thụ rất khó khăn. Nhiều mặt hàng nông sản không có thương lái thu mua, người dân không thu hoạch.

Trước đó, ngày 22/8, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An đã ký văn bản số 4252 về việc hướng dẫn lưu thông trên địa bàn tỉnh từ ngày 23/8. Trong đó nêu rõ, các phương tiện vận tải hàng hóa trước khi thực hiện vận chuyển ghi rõ lịch trình, lộ trình cụ thể trong giấy vận tải. Đồng thời, phải ghi chi tiết điểm đi, điểm đến và cung đường để các lực lượng chức năng thực hiện việc theo dõi, kiểm soát.

Các phương tiện vận tải hàng hóa có giấy nhận diện phương tiện hoạt động trên “luồng xanh” cũng phải đảm bảo hoạt động đúng cung đường, phạm vi được cấp phép hoạt động và theo đúng quy định “một cung đường - hai điểm đến”. Tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, thực hiện nghiêm 5K…

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.