| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Tam Nông làm giàu: [Bài 1] Chuyện về Hội quán của ông Rô Bi

Thứ Tư 16/11/2022 , 17:15 (GMT+7)

Nhiều hộ có vài sào đất trồng lúa mãi không khá, đã quyết định theo ông Rô Bi chủ nhiệm HTX Đồng Tiến chuyển đổi mô hình, tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Đó là câu chuyện chuyển đất lúa sang xây bể nuôi lươn của hàng chục người dân ở xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Trên đường dẫn tôi đến Hội quán nuôi trồng thuỷ sản Đồng Tiến, anh Đinh Công Tánh, Chủ tịch Hội nông dân xã An Long, huyện Tam Nông tâm sự: “Vùng đất Tam Nông xưa vốn trũng, thấp, nhiễm phèn nặng. Mỗi năm vào mùa nước nổi, 3/4 đất nông nghiệp chìm dưới nước. Vì thế, sản xuất nông nghiệp không chỉ vất vả, mà còn rất kém hiệu quả. Những hộ có ruộng cò bay thẳng cánh thì không nói làm gì, nhưng nếu chỉ có vài công hoặc 1ha ruộng lúa thì quanh năm bán lưng cho trời cũng chỉ đủ ăn, khó mà có dư được. Cho đến khoảng chục năm trở lại đây, đời sống người dân nâng cao hơn hẳn, đó là nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong nuôi trồng thuỷ sản. Và nuôi lươn là một trong những thành công lớn của bà con. Nhiều hộ nuôi lươn vài năm đã đủ tiền cất nhà bạc tỷ. Đó là sự đổi thay kỳ diệu”.

Người nuôi lươn đầu tiên ở xã An Long ông Bùi Rô Bi (Ruby), 58 tuổi, ở ấp An Bình, xã An Long, chủ nhiệm hội quán nuôi trồng thuỷ sản (lươn, cá) Đồng Tiến. “Ở An Long, tôi là người đầu tiên nuôi lươn, từ năm 2009. Thời đó làm cái gì cũng thất, lúa thì chỉ đủ ăn, nuôi cá, nuôi heo cũng không thành. Rồi may mắn tôi tình cờ gặp ông anh nuôi lươn ở An Giang, thấy hay nên học hỏi, ổng nhiệt tình chỉ hết. Về nuôi thử. Cứ vậy, ban đầu nuôi ít, mua lươn đồng nhỏ nhỏ của bà con về thả, dần dần phát triển lên. Bây giờ chủ yếu mua lươn giống ở trại dưới Vĩnh Long”, ông Rô Bi nói.

Trước sự thành công của ông Rô Bi, dần dà nhiều người học hỏi làm theo. Đến nay, toàn xã có 32 hộ nuôi lươn với 499 bồn (mỗi bồn trung bình 10-12m2). Để các thành viên có điều kiện chia sẻ, hỗ trợ nhau, xã An Long đã hỗ trợ thành lập hội quán nuôi trồng thuỷ sản với 32 thành viên, do ông Rô Bi làm chủ nhiệm. Ông Rô Bi cho biết, sở dĩ không đặt tên là hội quán nuôi lươn vì ngoài lươn, còn có các thành viên nuôi cá như chạch lấu, nàng hai, heo đuôi đỏ, diêu hồng, cá tra.

Ông Bùi Rô Bi, chủ nhiệm hội quán nuôi trồng thuỷ sản Đồng Tiến đang cho lươn ăn. Thức ăn cho lươn gồm các loại cá tạp xay nhuyễn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Bùi Rô Bi, chủ nhiệm hội quán nuôi trồng thuỷ sản Đồng Tiến đang cho lươn ăn. Thức ăn cho lươn gồm các loại cá tạp xay nhuyễn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Nuôi lươn bùn mật độ thả 500 con 1 bồn, trong khi nuôi lươn sạch (không bùn), cùng 1 diện tích có thể thả tới 1.200 con. Sao mình không làm mô hình lươn sạch?”, tôi hỏi. Ông Rô Bi đáp: “Nuôi lươn bùn quen rồi. Ưu điểm nuôi lươn sạch là sản lượng cao hơn, nhưng chi phí đầu tư xây dựng bồn cao hơn nhiều lần so với bồn lươn bùn. Ngoài ra, còn phải áp dụng quy trình kỹ thuật rất kỹ. Lươn sạch chậm lớn hơn, giá thấp hơn, đầu ra khó hơn. Trong khi nuôi lươn bùn ngoài thua lươn sạch về sản lượng ra thì có nhiều ưu điểm hơn: Chi phí đầu tư thấp, nếu làm một loạt bồn liền kề như ở đây thì chỉ khoảng 5 triệu 1 bồn, thấp hơn bồn lươn sạch nhiều lần. Quy trình chăm sóc lươn bùn cũng đơn giản, lươn ít bệnh. Còn tiêu thụ thì thị trường chuộng lươn bùn hơn vì có màu sắc giống lươn thiên nhiên nên giá cao hơn. Có thời điểm, giá mỗi ký lươn bùn cao hơn lươn sạch 20 ngàn đồng”.

Cũng theo ông Rô Bi, cùng một khoảng thời gian nuôi, nhưng trọng lượng lươn bùn bao giờ cũng nhỉnh hơn lươn sạch, đó là do môi trường sống phù hợp hơn. “Bồn nuôi lươn bùn thiết kế trên mặt nước là cây bắp, hoặc lục bình, bên dưới là bùn và bóng tối, con lươn lúc ăn mới ra ngoài, và chỉ lên ăn qua một lỗ nhỏ bằng nắm tay, phần lớn thời gian còn lại sống trong bóng tối, trong bùn, nên đây là môi trường tự nhiên”, ông nói tiếp.

Những con lươn theo thói quen, đúng 4 rưỡi chiều là lên ăn qua một lỗ nhỏ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Những con lươn theo thói quen, đúng 4 rưỡi chiều là lên ăn qua một lỗ nhỏ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

So sánh thu nhập giữa lươn và lúa, ông Dương Tiến Bộ một thành viên nuôi lươn tại đây, nói: “100m2 nuôi lươn bằng 10 công lúa (1ha). Đó là thời điểm lươn có giá cao, từ 220 – 250 ngàn đồng/kg. Lúc đó tôi đầu tư 1 vụ lươn hết 600 triệu, lúc thu hoạch bán được 1,4 tỷ, trừ chi phí còn lời 800 trăm triệu”.

Chỗ chúng tôi ngồi nói chuyện, một bên là con kênh Đồng Tiến khá lớn, thường xuyên có ghe lớn chạy qua, còn một bên, đối diện bên kia con đường bê tông ven kênh, là căn nhà kiểu Thái của gia đình ông Bộ, xây cách đây 3 năm, hết gần 1 tỷ đồng chưa tính nội thất. Ông Bộ cho biết, toàn bộ đều nhờ con lươn.

Nhưng sau khi dịch covid-19 đến nay, lươn tụt giá, hiện chỉ còn khoảng 140 ngàn đồng/kg. “Tôi tính chi phí cho 1 con lươn nuôi 9-10 tháng gồm giống, thức ăn, điện nước, cây bắp, hết gần 3 chục ngàn, nếu lươn đạt 250gam, giá 140 ngàn đồng/kg, thì được 42 ngàn đồng, trừ 27 ngàn đồng chi phí con giống, thức ăn, thuốc, chỉ còn hơn chục ngàn đồng, đó là chưa tính công”, ông Bộ nói.

Căn nhà xây hết gần 1 tỷ đồng từ tiền bán lươn của gia đình ông Dương Tiến Bộ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Căn nhà xây hết gần 1 tỷ đồng từ tiền bán lươn của gia đình ông Dương Tiến Bộ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nói về kinh nghiệm nuôi lươn, ông Rô Bi cho biết: “Nuôi lươn bùn cần chú ý lượng thức ăn vừa đủ hoặc thiếu 1 chút so với trọng lượng lươn (tính thời gian nuôi), chẳng thà thiếu chứ không được dư. Vì lươn ăn no quá là bữa sau sẽ bỏ ăn, dư thức ăn và sinh bệnh. Ngoài ra, cho ăn đúng giờ, Đây chủ yếu là kinh nghiệm nuôi lâu năm thôi chứ không có công thức nào để tính chính xác được cả. Nếu có kinh nghiệm rồi thì đảm bảo bồn lươn 500 con, nuôi 10 tháng có thể đạt trọng lượng từ 3 - 4 lạng/con, tức 150-200kg/bồn”.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.