| Hotline: 0983.970.780

Nông dân trồng mía đang mắc kẹt trong ‘cuộc chiến giá cả’

Thứ Ba 31/05/2022 , 10:21 (GMT+7)

Nông dân trồng mía khắp các nước, từ Thái Lan, Ấn Độ cho tới Pakistan đang kêu trời rằng những xung đột về giá dẫn đến mùa vụ bị trì hoãn gây mất lợi nhuận.

Đặc biệt là động thái này ngày một căng thẳng sau khi Ấn Độ- nhà sản xuất đường lớn nhất và xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, sau Brazil quyết định hạn chế xuất khẩu đường.

Tại vùng trồng mía lớn nhất nhì Pakistan, mấy ngày qua trên 300 xe đầu kéo chở đầy mía vẫn đứng xếp hàng dài bên ngoài nhà máy đường Mirpur Khas, tỉnh Sindh để chờ dỡ hàng. Năm nay cũng giống như mọi năm, mâu thuẫn giữa các chủ nhà máy và nông dân trồng mía vẫn tái diễn gây chậm trễ, khiến nông dân chán nản.

Tài xế Abdul Wahid, 35 tuổi, đã đợi bên ngoài nhà máy hơn một tuần cho biết,  nhiều năm qua anh không còn lạ gì với việc cây mía bị “chính trị hóa”, đến mức mọi người đều coi sự chậm trễ là điều không thể tránh khỏi. Theo anh Wahid, những người nông dân trồng mía thì cho rằng chủ nhà máy sử dụng chiến thuật trì hoãn để tăng tỷ suất lợi nhuận của họ, trong khi nông dân thì chịu thiệt hại gấp ba lần. Họ nói rằng các nhà máy ép mía có ảnh hưởng đã kiểm soát việc tiếp cận hành lang quyền lực để lập ra các mốc thời gian của riêng họ.

Theo luật năm 1950, các nhà máy chế biến phải bắt đầu mùa ép vào ngày 1 tháng 10. Luật sau đó đã được sửa đổi vào năm 2009 bởi hội đồng địa phương để bắt đầu mùa ép từ ngày 1 tháng 10 đến 30 tháng 11, điều mà các chuyên gia nói rằng chỉ có lợi cho các nhà máy.

Mureed Ali Shah, một luật sư và nông dân trồng mía ở Nowshehro Feroz cho biết, những người trồng mía đang bị bóc lột vì sự chậm trễ này. Họ phải thu hoạch mía trước tháng 10 để có thể bắt đầu trồng vụ khác, nếu không mía sẽ bị giảm năng suất. Và điều đó đòi hỏi các nhà máy đường phải bắt đầu vụ ép ngay trong ngày đầu tiên của tháng 10 để tránh gây thiệt hại cho người trồng mía.

Do sản xuất mía đường là vấn đề của các địa phương, nên theo luật sư Shah việc viện các lý do gây trễ thời vụ một cách “có hệ thống này” là có chủ ý và dẫn đến thiệt hại nặng nề cho người trồng mía.

Để tránh bị thiệt hại thêm do phơi nắng, ông Shah cho biết những người trồng mía đành phải bán vội với giá thấp hơn. Trong khi đó, cánh thương lái trung gian, những người mà ông Shah cáo buộc đã “đi đêm” với các nhà máy tranh thủ cơ hội này để thu mua mía. Theo vị luật sư, tất cả những hoạt động kinh doanh này được thực hiện dưới sự giám sát của chính phủ, bởi 30% quyền sở hữu các nhà máy ở địa phương là của chính phủ.

Ở phía bên kia, các chủ sở hữu nhà máy thì viện ra những lý do khác. Tara Chand, cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy đường Pakistan (PSMA) cho biết, những cáo buộc của người trồng mía là vô căn cứ và xuyên tạc hệ thống.

Ông Chand nói rằng, trước đây mùa đông thường bắt đầu từ tháng 9, nhưng do biến đổi khí hậu, bây giờ cho đến tận tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau thì trời mới bắt đầu lạnh nên không thể thu hoạch cây mía trước tháng 10 vì thời điểm đó chữ đường thấp.

Abdul Qayum Rajput, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Pakistan cho biết, những người trồng mía đang phải đối mặt với vấn đề chậm trễ trong vụ ép, đây cũng là vấn đề mà các chủ nhà máy phải đối mặt.

Sindh là tỉnh sản xuất mía đường lớn thứ hai của Pakistan, với gần một triệu nông dân trồng mía. Theo báo cáo thường niên của Hiệp hội các nhà máy đường Pakistan (PSMA), trong số 38 nhà máy đường ở Sindh, có 34 nhà máy đang hoạt động.

Pakistan là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về sản xuất mía đường. Tuy nhiên theo nghiên cứu của Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học Sinh học Quốc tế (CABI), Pakistan hiện có năng suất mía đường thấp hơn 17% so với mức trung bình của thế giới, vấn đề ảnh hưởng mạnh đến sinh kế của người trồng mía, nhưng họ “không biết phải kêu ai”.

Talpur- một thành viên của liên minh những người trồng mía ở Sindh cho biết, nông dân đã chán ngấy với những vấn đề tồn tại dai dẳng trong ngành. Bản thân cũng là một người trồng mía, ông cho biết nhiều nông dân đã bỏ cuộc vì thấy bất công, thua thiệt.

Trong diễn biến liên quan, ngày 31/5, chính phủ Thái Lan cho biết đang cố gắng để đảm bảo đủ nguồn cung đường trong nước trong bối cảnh lo ngại về lượng xuất khẩu dự kiến ​​khổng lồ khi giá đường toàn cầu tăng cao.

Ông Ekapat Wangsuwan, Tổng thư ký Ủy ban Mía đường Thái Lan (OCSB) cho biết, giá đường thế giới vẫn đang được theo dõi gắt gao sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường lần đầu tiên trong sáu năm (giới hạn số lượng ở mức 10 triệu tấn để ngăn giá đường trong nước tăng đột biến).

Theo ông Ekapat: “Giá đường thế giới hiện ở mức khoảng 19 đến 20 cent/pound (1 pound = 0,45 kg) và có xu hướng tiếp tục tăng. Giá đường thế giới tăng sau khi Brazil, nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới đã chuyển hướng sử dụng nhiều mía hơn làm nguyên liệu cho sản xuất ethanol do ethanol có tỷ suất lợi nhuận cao hơn đường, bất chấp giá dầu thế giới tăng mạnh. Dự báo sản lượng mía trong niên vụ 2021-22 của Thái Lan ở mức cao, khoảng 92 triệu tấn, so với mức 66,7 triệu tấn của niên vụ trước.

Ông Narathip Anantasuk, người đứng đầu Liên đoàn Quốc gia về Mía đường cho biết, giá xuất xưởng của đường trắng tại Thái Lan là 17,25 baht/kg (0,5 USD) và giá đường tinh luyện là 18,25 baht/kg. Hiện nông dân trồng mía Thái Lan đang theo dõi chi phí phân bón và nhân công, vốn đã tăng lên và có nguy cơ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp mía đường.

Hôm qua, nội các Thái Lan cũng đã thông qua các biện pháp mới nhằm thuyết phục nông dân trồng mía tăng năng suất, bao gồm hỗ trợ lãi suất 3%, tổng trị giá 6 tỷ baht trong thời gian 3 năm, từ 2022-2024.

(Tribune; BKP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.