Ông Nguyễn Văn Tuấn, người trồng rau lâu năm ở xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho hay, gia đình có khoảng 1,5ha diện tích vườn, chủ yếu trồng các loại rau ăn lá và khoai tây. Các sản phẩm của gia đình chủ yếu được tiêu thụ bởi các thương lái và các cơ sở thu mua ở chợ đầu mối TP.HCM.
Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, vì dịch bệnh Covid -19 nên các chợ đầu mối TP.HCM đóng cửa, toàn bộ rau của gia đình không có kênh tiêu thụ.
“Suốt mấy tháng liền, gia đình không thu được đồng nào. Không bán được rau, gia đình chuyển cho các tổ chức từ thiện làm nguồn hàng hỗ trợ vùng dịch”, ông Tuấn thổ lộ.
Bị thua lỗ ở các vụ rau trước nhưng hiện nay, thị trường dần ổn định nên gia đình ông Tuấn đã vào cuộc để tái đầu tư. Ông cho hay, gia đình đang thuê người cày xới ruộng vườn, lên luống để sản xuất cải thảo, súp lơ, cà rốt, khoai tây và một diện tích hoa lay ơn.
Việc sản xuất lần này có phần khó khăn hơn trước đây do các đại lý phân bón, đơn vị cung cấp giống không cho nợ mà yêu cầu chi trả tiền mặt ngay đầu vụ. Do vậy, gia đình ông phải vay mượn hàng chục triệu đồng để làm.
Ông Tuấn cho biết: "Mấy tháng vừa qua thì thua lỗ rồi, giờ tập trung đầu tư và hy vọng vào thị trường cuối năm, đặc biệt là tết".
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, để người dân có điều kiện sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường, tỉnh đã hỗ trợ một phần cây giống, hạt giống rau, củ, quả cho các hợp tác xã, nông dân thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu chuyển đổi tạm thời từ cây hoa sang các loại rau ngắn ngày.
Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức theo dõi, cập nhật diễn biến dịch bệnh, thời tiết để hướng dẫn người dân xuống giống tập trung.
Đồng thời phát triển các chuỗi liên kết sản xuất để kịp thời phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2022. Tỉnh khuyến khích người dân sử dụng các loại giống mới có năng suất cao, tập trung sản xuất các loại cây mà các vùng khác, địa phương khác sản xuất không hiệu quả để phát triển thị trường.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, với mức giá nông sản hiện nay, bà con nông dân đã quay trở lại sản xuất với tinh thần phấn khởi.
Thời điểm này, nhiều hộ dân đã chuẩn bị xuống giống hoa nhằm phục vụ thị trường tết Nhâm Dần năm 2022. Các hộ trồng rau, củ, quả cũng tập trung sản xuất lại theo thời vụ. Vụ đông xuân năm nay của tỉnh Lâm Đồng sẽ sản xuất trên 40.247 ha, trong đó khoảng 24.696 ha rau các loại, 3.724 ha hao, năng suất dự tính đối với rau là 856.152 tấn; năng suất hoa khoảng trên 1,4 triệu cành.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện tại, các tỉnh, thành phố trong nước nới lỏng giãn cách xã hội, các nhà hàng, khách sạn bắt đầu hoạt động trở lại nên thị trường hoạt động trở lại. Giá rau, hoa của địa phương tăng cao.
Theo đó, đậu leo có giá 8.000 đồng/kg, súp lơ xanh 18.000 đồng/kg (đều tăng 3.000 đồng/kg so với đầu tháng 10); ớt sừng 17.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg; xà lách coron 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; bó xôi 35.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg… Mỗi tuần, các vùng rau ở Lâm Đồng có khoảng 1.500 ha rau cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 36.000 tấn, tức khoảng 5.100 tấn rau, củ mỗi ngày.
Các loại như hoa đồng tiền hiện đạt 25.000 đồng/chục, tăng 3.000 đồng/chục; hoa cát tường 50.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; hoa lily Sorbone và Concador 55.000 - 70.000 đồng/bó, tăng 10.000 đồng/bó; hoa hồng 30.000 đồng/chục, tăng 20.000 đồng/chục.