| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp cất cánh từ 'siêu công trình thủy lợi' Tây sông Vàm Cỏ

Thứ Năm 23/06/2022 , 07:15 (GMT+7)

TÂY NINH Dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ (đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ) sẽ thổi làn gió mới, sinh khí mới cho nông nghiệp Tây Ninh.

Mãn nhãn công trình thủy lợi nghìn tỷ

Sau nhiều năm chờ đợi, dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ (dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ) chuẩn bị đưa vào vận hành, kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân khu vực phía tây tỉnh Tây Ninh và các vùng phụ cận.

Điểm nhấn của dự án là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ hiện đại bậc nhất khu vực. Ảnh: Trần Trung.

Điểm nhấn của dự án là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ hiện đại bậc nhất khu vực. Ảnh: Trần Trung.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ là dự án công trình thủy lợi cấp II, với tổng mức đầu tư 1.147 tỷ đồng, được UBND tỉnh phê duyệt và chính thức khởi công ngày 27/4/2018. Ngày 6/1/2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm gần 98 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 1.246 tỉ đồng.

Dự án bao gồm các hạng mục: Hệ thống kênh chuyển nước dài 16,67km, trong đó, hơn 2,3km là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ với kết cấu bằng ống thép đường kính 2D-2,4m, hai bên bố trí đường giao thông cho xe thô sơ phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân và công tác quản lý vận hành; tuyến kênh tưới chính dài 29,41km và hệ thống 17 tuyến kênh cấp I có tổng chiều dài trên 71km.

Hệ thống máng dẫn nước được xây dựng hiện đại, kiên cố hóa bằng bê tông. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống máng dẫn nước được xây dựng hiện đại, kiên cố hóa bằng bê tông. Ảnh: Trần Trung.

Ðến nay, dự án đã thực hiện trên 95% khối lượng. Trong đó, hệ thống kênh chuyển nước và tuyến kênh tưới chính đã hoàn thành đúng thiết kế. Đặc biệt, điểm nhấn của dự án là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ hiện đại bậc nhất khu vực, hệ thống đường ống máng trên trụ có quy mô lớn nhất Việt Nam cũng đã hoàn tất đúng tiến độ.

“Công trình hiện đã bước đầu đưa vào khai thác vận hành tuyến kênh chuyển nước đoạn từ K0 đến K10+027, thông nước thử tải kênh và phục vụ nước tưới của người dân trên địa bàn các xã An Cơ, Hảo Đước và Trí Bình của huyện Châu Thành. 

Công trình không chỉ phục vụ nông nghiệp khu vục phía tây sông Vàm Cỏ mà còn phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các cụm, khu công nghiệp và người dân. Ảnh: Trần Trung.

Công trình không chỉ phục vụ nông nghiệp khu vục phía tây sông Vàm Cỏ mà còn phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các cụm, khu công nghiệp và người dân. Ảnh: Trần Trung.

"Ban đang triển khai giai đoạn 2 của dự án, trong đó, sẽ thực hiện bê tông hóa tuyến kênh chính qua địa bàn các xã Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền (huyện Châu Thành) và Long Phước (huyện Bến Cầu), dự kiến đến năm 2024 mới hoàn thành và tiến hành mở nước thông tuyến toàn bộ dự án”, ông Nguyễn Quốc Cường, Trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh thông tin.

Kỳ vọng công trình nghìn tỷ

Mặc dù Tây Ninh có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn thiện, tuy nhiên, do đặc thù nền đất tương đối cao, loại đất chủ yếu pha cát, lại nằm gần biên giới, tương đối xa sông Vàm Cỏ khiến việc sản xuất nông nghiệp tại 2 huyện thuần nông Châu Thành và Bến Cầu rất khó khăn, thường xuyên xảy ra thiếu nước sản xuất, thậm chí thiếu nước sinh hoạt.

Hệ thống đường ống máng trên trụ với quy mô lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống đường ống máng trên trụ với quy mô lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.

Nhất là vào mùa khô, tình cảnh vừa làm vừa trông nguồn nước đã trở thành chuyện thường nhật của người dân nơi đây. Dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ được chính quyền và người dân địa phương mong đợi, đem lại làn gió mới, sinh khí mới giúp nền nông nghiệp địa phương cất cánh.

Là một trong những hộ đầu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống kênh, anh Nguyễn Văn Thanh, xã Trí Bình, huyện Châu Thành cho biết, đoạn kênh qua địa bàn xã được tích nước, tạo điều kiện cho nông dân ở đây canh tác thuận lợi hơn. Để tưới cho hơn 1,2ha mì (sắn) mới xuống giống, anh Thanh đấu nối đường ống với hệ thống kênh máng phía trên dẫn nước tự chảy xuống ruộng.

Anh Nguyễn Văn Thanh lắp đường ống dẫn nước từ máng tự chảy xuống ruộng gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Thanh lắp đường ống dẫn nước từ máng tự chảy xuống ruộng gia đình. Ảnh: Trần Trung.

“Trước đây, để có đủ nước tưới cho cây trồng, tôi và các hộ dân xung quanh phải khoan giếng bơm nước ngầm, đặt máy bơm liên tục từ 7 - 10 ngày/đợt tưới, đến cuối vụ, riêng tiền điện đã gần 4 triệu đồng, chưa kể trong quá trình bơm tưới nhiều lần máy móc hư hỏng do hoạt động liên tục. Việc dự án đi vào hoạt động thực sự giải được cơn khát cho ruộng đồng nơi đây, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng”, anh Nguyễn Văn Thanh phấn khởi nói.

Nhìn thấy tuyến kênh tưới của Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ được hình thành, ông Võ Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Khánh, huyện Bến Cầu phấn khởi chia sẻ, HTX có 15 thành viên chính thức và gần 100 liên kết sản xuất trên 150ha ngô sinh khối cung ứng cho trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh.

Việc tưới tiêu tự vận hành giúp nông dân cạnh công trình tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Việc tưới tiêu tự vận hành giúp nông dân cạnh công trình tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Trước đây, hầu hết các thành viên đều canh tác lúa, tuy nhiên mỗi năm chỉ làm được một vụ, một số hộ đã chuyển sang canh tác ngô sinh khối. Mặc dù tình trạng thiếu nước sản xuất thường xuyên xảy ra nhưng nhờ ứng dụng cơ giới hóa và các biện pháp kỹ thuật tiên tiến từ trang trại, việc trồng ngô vẫn đem lại lợi nhuận cao gấp 2 lần lúa dù chỉ làm được 2 vụ/năm.

“Hiện nay, bộ sản phẩm từ cây ngô của HTX đang được Công ty Vinamilk bao tiêu với giá 1.350 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang lại hơn 50 triệu đồng/năm/ha. Khi có nước tưới từ hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ, người dân sẽ không còn cảnh vừa làm nông vừa trông chờ vào trời mưa hay chắt mót từng chút nước đọng của mương nước ven đường vất vả như hiện nay nữa. Từ đó, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích lên 1.000ha và thâm canh 3 vụ/năm”, ông Võ Văn Đông chia sẻ.

Ông Võ Văn Đông bên ruộng ngô sinh khối của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Võ Văn Đông bên ruộng ngô sinh khối của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Còn theo anh Nguyễn Văn Hùng, xã Hảo Đước (huyện Châu Thành), hàng chục năm qua, người dân canh tác lúa nơi đây chủ yếu nhờ vào nước kênh sông Vàm Cỏ Đông dẫn vào cánh đồng. Sau đó, bà con phải bơm nước từ kênh vào ruộng nhưng phải phụ thuộc vào thủy triều nên rất tốn chi phí bơm nước. Vì vậy khi dự án được vận hành, không chỉ anh Hùng mà nhiều nông dân tại các xã ở Châu Thành rất phấn khởi chờ tới ngày được sử dụng nguồn nước thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng. 

 “Tôi hi vọng dự án sớm đi vào hoạt động, để việc canh tác nông nghiệp của bà con sẽ không còn trông chờ vào nước mưa. Khi có nguồn nước ổn định, người dân có thể mạnh dạn chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Dũng chia sẻ thêm.

Những thửa ruộng hưởng lợi từ dự án. Ảnh: Trần Trung.

Những thửa ruộng hưởng lợi từ dự án. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Văn Nấu, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bến Cầu, Bến Cầu là huyện thuần nông, diện tích đất canh tác khoảng 27.000ha. Hiện trên địa bàn huyện đã xây dựng được 5 trạm bơm cùng với hệ thống kênh mương thuỷ lợi đưa nước đến ruộng đồng phục vụ tưới 1 vụ màu và 2 vụ lúa với tổng diện tích 3.205ha, bảo đảm nước phòng cháy, chữa cháy cho gần 740ha rừng thuộc xã Long Phước và Ninh Điền.

Hầu hết các trạm bơm đều hoạt động hiệu quả, bảo đảm trên 80% công suất thiết kế. Tuy nhiên, diện tích đất cần nước tưới của huyện còn rất lớn, tập trung tại các xã Long Giang, Long Chữ, Long Khánh. Ðời sống kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng phần lớn diện tích canh tác phụ thuộc vào “nước trời”.

Trong khi đó, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, khi dự án vận hành sẽ phục vụ nước tưới cho gần 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất và cải thiện đời sống người dân vùng biên giới. 

Khu vực giao thoa giữa huyện Châu Thành và huyện Bến Cầu nơi có dự án đi qua. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực giao thoa giữa huyện Châu Thành và huyện Bến Cầu nơi có dự án đi qua. Ảnh: Trần Trung.

“UBND huyện đã có kế hoạch vận động người dân chuyển một số diện tích sản xuất cơ cấu luân canh 2 lúa 1 màu sang cơ cấu luân canh 1 lúa 2 màu, trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, ngô sinh khối theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ðồng thời, xây dựng chuỗi sản xuất rau trồng nhà lưới, nhà màng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, rau hữu cơ cung ứng cho hệ thống siêu thị, cửa hàng, các chợ và nhà máy chế biến.

Bên cạnh đó, huyện sẽ rà soát lại những vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp các loại cây ăn trái để mở rộng và tăng diện tích phát triển theo vùng quy mô cánh đồng lớn, trên cơ sở giảm diện tích những cây trồng không phù hợp và kém hiệu quả…”, ông Nguyễn Văn Nấu nhấn mạnh.

 Dự án sẽ thổi làn gió mới, sinh khí mới giúp nền nông nghiệp Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

 Dự án sẽ thổi làn gió mới, sinh khí mới giúp nền nông nghiệp Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có hơn 1.740 tuyến kênh tưới các cấp và 365 tuyến kênh tiêu, với tổng diện tích thiết kế tưới tiêu khoảng 66.974ha. Tại các địa phương trong tỉnh, hệ thống thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng được quan tâm đầu tư, bảo đảm cho công tác cấp nước tưới, tiêu, chống ngập úng, chống hạn.

Đáng chú ý, dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ là công trình lớn hết sức có ý nghĩa, không chỉ phục vụ hàng ngàn ha đất nông nghiệp khu vục phía tây sông Vàm Cỏ mà còn phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các cụm, khu công nghiệp và người dân trong vùng dự án. Đồng thời, thu hút nhiều doanh nghiệp tầm cỡ chọn địa phương là điểm đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Một đoạn kênh thủy lợi tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Một đoạn kênh thủy lợi tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định 2214/QÐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến 2035 với tổng mức đầu tư khoảng 3.589 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 715 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 2.874 tỷ đồng.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm cấp nước tưới ổn định từ các công trình thủy lợi cho khoảng 81.600 ha cây trồng, đạt tỷ lệ 39,5% so với tổng diện tích 206.650 ha cây trồng cần tưới; cung cấp nước phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp, sinh hoạt với tổng công suất 244.850m3/ngày đêm cho các khu công nghiệp và khu dân cư đô thị.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất