| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp hữu cơ, kế hoạch và hành động

Thứ Ba 03/11/2020 , 13:34 (GMT+7)

Ngày 2/11, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030. Thứ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì.

Hội nghị triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Ảnh: HA.

Hội nghị triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Ảnh: HA.

9 nhiệm vụ trọng tâm

Tham dự hội nghị có các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT, đại diện các hiệp hội ngành hàng và đại diện của 18 tỉnh thành khu vực phía Bắc.

Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu của hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung chính của Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 để giúp các đơn vị quản lý của Bộ NN-PTNT, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất và doanh nghiệp nắm được quan điểm phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ, qua đó triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Đề án phù hợp với chức năng của các đơn vị và điều kiện thực tế của các địa phương.

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 do Bộ NN-PTNT trình Chính phủ và đã được Chính phủ phê duyệt bắt nguồn từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những năm qua và ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai chủ trương này. Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Thống kê của các cơ quan chuyên môn thể hiện, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam đã tăng từ 53,35 ngàn ha vào năm 2016 lên khoảng 237.693 ha vào năm 2019. Đến thời điểm hiện tại đã có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ với số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là khoảng 17.168 người. Ngoài ra cũng đã có 97 doanh nghiệp tham gia sản xuất hữu cơ, trong đó 60 doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.

Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT về việc triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 đã đặt ra 9 nhiệm vụ để thực hiện, kèm theo đó là các giải pháp trọng tâm.

Trong đó, nội dung trọng tâm, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp xác định, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực. Chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án của các bộ, ngành và địa phương khác có liên quan.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ NN-PTNT giao các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ rõ ràng trong từng nhóm ngành hàng. Cụ thể, đối với trồng trọt, mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ, đạt mục tiêu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực vào năm 2025 và khoảng trên 2% vào năm 2030. Chăn nuôi đạt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước vào năm 2025 và khoảng 2-3% vào năm 2030. Thủy sản tập trung nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ, đạt mục tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản vào năm 2025 và 1,5-3% vào năm 2030.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, mục tiêu đặt ra là sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90 - 95% vào năm 2025 và 95-98% vào năm 2030, đối với hình thức thâm canh, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 75 - 80% vào năm 2025 và 80-85% vào năm 2030.

Bộ NN-PTNT cũng giao Cục BVTV tăng tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2025, tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 20% vào năm 2025. Đạt mục tiêu diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp vào năm 2025 và 2,5-3,0% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp vào năm 2030...

8 nhiệm vụ tiếp theo bao gồm: Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; Phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật; Tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ; Phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ; Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai thực hiện Đề án...

Để thực hiện những nhiệm vụ này, giải pháp mà Bộ NN-PTNT đưa ra là nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về nông nghiệp hữu cơ bằng việc quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ. Song song với đó là quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bằng việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ tại từng công đoạn sản xuất, chế biến và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền...

Rà soát lại các tổ chức chứng nhận nông nghiệp hữu cơ

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã đánh giá cao và đồng thuận với chương trình hành động của Bộ NN-PTNT.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Ảnh: HA.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Ảnh: HA.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho hay, vấn đề hoạt động của các đơn vị chứng nhận sản phẩm hữu cơ cần được xây dựng, hình thành theo các quy định hiện hành và đòi hỏi sự công tâm, minh bạch là rất cần thiết để cộng đồng giám sát ngoài dự giám sát của cơ quan Nhà nước. Đến nay chúng ta đã có chứng nhận theo tiêu chuẩn TCVN 1104, nhưng công khai danh sách các đơn vị đã được phép hoạt động chứng nhận là cần thiết. Bởi thực tế đã xuất hiện tình trạng một số chứng nhận sản phẩm hữu cơ không rõ ràng được bán trên thị trường, không ghi rõ trên bao bì các thông tin. Ngoài ra lĩnh vực chứng nhận rất nhạy cảm nếu quản lý, giám sát không tốt sẽ phản tác dụng, như bài học chứng nhận VietGAP trước đây.

“Việc triển khai đưa chính sách vào thực thi ở các tỉnh, thành phố hiện cũng đang còn rất chậm, chưa được quan tâm chỉ đạo là một trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Có tình trạng “dân mong”, “doanh nghiệp cần” nhưng các cấp đang nghiên cứu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, nhưng điều đầu tiên có lẽ là nhận thức, chính vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ các cấp, cán bộ chuyên ngành, người lao động và người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ là vấn đề cần tập trung, giải quyết trước hơn tất cả việc cần phải làm”, ông Hà Phúc Mịch nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Minh Phúc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Làm nông nghiệp hữu cơ suy cho cùng vẫn là câu chuyện của những người làm nông nghiệp tử tế, làm những câu chuyện tử tế. Đã từng có một ông chuyên gia phát biểu trước một diễn đàn rằng nếu ghét ai hãy kêu người đó đi làm nông nghiệp hữu cơ, điều đó cho thấy sự rủi ro và khả năng thất bại trong nông nghiệp hữu cơ rất lớn, nhiều cơ chế ràng buộc.

“Nhưng chúng ta sẽ làm được. Phải xây dựng được một hệ sinh thái hữu cơ, trong đó bao gồm người nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông đều nằm trong hệ sinh thái đó, gắn kết, mang tính chất cộng sinh với nhau. Hệ sinh thái đó phải rộng hơn chuỗi giá trị, như thế sẽ thành công”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng cho biết, Bộ NN-PTNT tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu và sẽ tiếp tục làm rõ, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý các địa phương cần xây dựng đề án nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở xác định rõ quy hoạch tiềm năng, thế mạnh, diện tích, quy mô, cây, con chủ lực và khả năng làm nông nghiệp hữu cơ của từng vùng để trình Bộ NN-PTNT xem xét triển khai.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: HA.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: HA.

Về phía Bộ NN-PTNT, các cơ quan chuyên môn sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về nông nghiệp hữu cơ, phối hợp các cơ quan chuyên môn ở các bộ, ngành khác rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đề xuất lãnh đạo Bộ NN-PTNT bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.  

“Có một vấn đề quan trọng cần làm ngay là tổ chức rà soát lại các đơn vị có chức năng chứng nhận nông nghiệp hữu cơ để yêu cầu đăng ký, kể cả những tổ chức chứng nhận nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức phối hợp với các cơ quan quản lý, để làm sao khi các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khi ra thị trường phải có quản lý về nhãn mác, chất lượng bởi thực tế thời gian vừa qua, qua rà soát đã có hiện tượng đăng nhãn mác nông nghiệp hữu cơ nhưng chưa có chứng nhận. Bộ NN-PTNT cũng sẽ hỗ trợ cơ sở pháp lý, tạo điều kiện để các tổ chức chứng nhận trong nước nhằm đảm bảo chứng nhận hữu cơ, đồng thời hướng dẫn cho họ liên kết với các tổ chức chứng nhận quốc tế để từng bước nâng cao vị thế, trình độ năng lực của các tổ chức chứng nhận ngang bằng với khu vực và trên thế giới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.