Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết, đến hết năm 2019, diện tích canh tác hữu cơ ở nước ta đã đạt khoảng 237 ngàn ha, tăng mạnh so với 53 ngàn ha năm 2016.
Hiện có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Số nông dân đang tham gia sản xuất hữu cơ trên cả nước là 17.168 người; 97 doanh nghiệp tổ chức sản xuất hữu cơ; 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm hữu cơ với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia..., là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.
Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ đang phát triển khá nhanh, nhất là từ sau khi có Nghị định 109/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất hữu cơ đang ngày càng có được sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, nông dân... Tại kỳ đại hội đảng bộ ở nhiều tỉnh, thành đã đưa vào nghị quyết phương hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong nội dung phát triển kinh tế trên địa bàn. Đó là những dấu hiệu rất đáng mừng, bởi đây là bước tiến về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương về nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, sự phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề, nhất là công tác quản lý, chứng nhận, kiểm tra, giám sát…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng, việc quản lý sản xuất hữu cơ rất quan trọng để đảm bảo các sản phẩm được gắn mác hữu cơ đều thực sự là sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ. Bởi thực tế hiện nay có rất nhiều sản phẩm quảng bá là sản phẩm hữu cơ, nhưng đó có đúng là sản phẩm hữu cơ hay không? Chính vì vậy, cần phải đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, từ cấp bộ đến các địa phương. Bên cạnh đó là đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất hữu cơ, tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhấn mạnh, sản xuất hữu cơ chỉ là một trong những phương thức sản xuất của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp hữu cơ không thể thay thế các phương thức sản xuất khác trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các địa phương cần được thực hiện một cách cẩn trọng hơn.
Các địa phương cần xác định rõ vùng nào có thể sản xuất hữu cơ, vùng nào vẫn duy trì phương thức sản xuất phi hữu cơ. Về sản phẩm, cần phải xác định những sản phẩm nào sẽ là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nào đi theo hướng theo hữu cơ, sản phẩm nào vẫn duy trình canh tác truyền thống.
Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 vừa được Chính phủ phê duyệt bắt nguồn từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những năm qua và ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai chủ trương này.
Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.