Gia đình anh Nguyễn Thành Hiệp, trú tại thôn Nam Bình, xã An Hưng, huyện An Dương trồng hoa lay ơn đã nhiều năm, bình thường do chưa hiểu rõ các quy trình kỹ thuật cũng như dùng phân bón vô cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan hoa thường có màu sắc không đẹp và không đều, hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2021, được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng lựa chọn để triển khai mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa lay ơn gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
Qúa trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã phân công 2 cán phụ trách mô hình là 1 khuyến nông viên phụ trách xã và 1 cán bộ kỹ thuật phòng Tư vấn Khởi nghiệp, thường xuyên bám sát, kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn người sản xuất ghi chép, tưới nước, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong suốt quá trình sinh trưởng của cây hoa đến lúc thu hoạch.
Bên cạnh đó, đã hỗ trợ cho hộ tham gia mô hình với số lượng vật tư của mô hình 50% giá trị bao gồm củ giống hoa lay ơn và phân bón hữu cơ vi sinh, đồng thời hướng dẫn gia đình anh Hiệp chọn giống hoa lay ơn Đà Lạt, loại hoa có màu hoa đỏ thẫm, thời gian sinh trưởng ngắn, ít cháy lá.
Dù chưa đến thời kỳ thu hoạch nhưng theo đánh giá sơ bộ của cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương cũng như chủ mô hình, cây hoa đẹp hơn, lá xanh hơn, năm nay hứa hẹn sẽ có một vụ hoa bội thu.
Anh Hiệp cho biết, được khuyến cáo của cơ quan chức năng, ngoài sử dụng phân hữu cơ, gia đình anh còn thay đổi cơ cấu cây trồng, sau vụ hoa thì tôi trồng dưa và 1 vụ trồng lúa để hạn chế sâu bệnh hại và hạn chế dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động.
Mặt khác, do được hướng dẫn kỹ thuật từ đầu của cán bộ khuyến nông và sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ nên thời gian trồng đến thu hoạch được rút ngắn xuống còn từ 85-90 ngày, dự kết cho khoảng 300.000 bông, tổng lãi thuần dự kiến cho diện tích 1,5 ha là hơn 1 tỷ đồng triệu đồng.
“Gia đình tôi trồng hoa đã lâu năm nhưng chưa bao giờ thấy cây hoa xanh và đẹp như năm, việc dùng phân hóa học như trước đây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoa không giống như dùng phân bón hữu cơ. Việc dùng phân hữu cơ, cây hoa sinh trưởng và phát triển đều hơn, lá xanh hơn và giúp tôi phục tráng được nguyên trạng ban đầu như giống bố mẹ”, anh Hiệp bộc bạch.
Cũng trên địa bàn huyện An Dương, một số mô hình trồng hoa lay ơn sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ tại xã Đại Bản do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hỗ trợ liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất cũng cho kết quả khả quan hơn nhiều so với cách canh tác truyền thống.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, các mô hình ứng dụng giống mới, phân bón hữu cơ vi sinh giúp cây hoa lay ơn có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sâu bệnh hại, cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh giúp nâng cao năng chất lượng hoa thương phẩm nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người sản xuất hoa.
Trong quá trình sản xuất, Trung tâm đã hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh VN3 cung cấp đầy đủ các chủng vi sinh vật có ích, hỗ trợ phân giải chất hữu cơ tạo dinh dưỡng cho cây hoa cũng như tăng hiệu lực hấp thụ các khoáng chất trong đất, giảm tổn thất do bay hơi, rửa trôi, giúp đất tơi xốp, không bị chai cứng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cao.
Việc sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh VN3, đã được Cục Bảo vệ Thực vật công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Qua đó, đã cung cấp đầy đủ các chủng vi sinh vật có ích, hỗ trợ phân giải chất hữu cơ tạo dinh dưỡng cho cây trồng, bổ sung tập đoàn vi sinh vật có lợi vào đất và cân bằng sinh thái môi trường.
Đồng thời tăng hàm lượng mùn hữu cơ, bổ sung dinh dưỡng cho đất bị thoái hoá, bạc màu, tăng hiệu lực hấp thu các khoáng chất trong đất, giảm tổn thất do bay hơi, rửa trôi.
Ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, việc triển khai mô hình thành công góp phần xây dựng được quy trình sản xuất hoa lay ơn phù hợp cho các vùng sản xuất sản xuất hoa trên địa bàn TP Hải Phòng.
Qua đó, từng bước áp dụng công nghệ giống mới, phân bón hữu cơ vi sinh vào sản xuất hoa theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái cho các vùng ven đô cũng như xây dựng vùng trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, mô hình cũng được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp hộ không lo về đầu ra của hoa lay ơn, hoa thành phẩm được đưa vào các cửa hàng kinh doanh hoa tươi, các chợ đầu mối tiêu thụ trong Hải Phòng để người dân địa phương không phải nhập hoa mà còn đưa hoa lay ơn ra các tỉnh thành lân cận.
“Việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất hoa lay ơn còn góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe hộ sản xuất cũng như người mua. Mô hình sẽ là điểm học tập thăm quan cho các vùng sản xuất hoa lân cận và là mô hình điểm của TP Hải Phòng hoàn toàn có thể nhân rộng”, ông Đam chia sẻ.
Ông Bùi Thanh Tùng, PGĐ Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi cho tương lai, không phải tương lai xa mà tương lai gần, Hải Phòng đã có bước đi để phát triển hữu cơ trong thời gian tới.
Năm 2019, TP Hải Phòng đã ban hành quy định về canh tác hữu cơ, năm 2020, TP Hải Phòng đã giao cho ngành NN-PTNT thực hiện đề án xác định vùng canh tác hữu cơ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Hải Phòng đang triển khai các bước để lập đề án xác định vùng sản xuất hữu cơ, trên cơ sở đó, ngành nông nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND TP Hải Phòng xây dựng những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất hữu cơ trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.