Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Phú Yên đạt chỉ tiêu đề ra, với giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 2,4%/năm.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, điểm chú ý lĩnh vực này là 3 năm gần đây, nhờ cơ cấu giống và mật độ gieo sạ phù hợp nên năng suất lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh nằm trong top đầu các tỉnh có năng suất lúa cao của cả nước. Đặc biệt vụ Đông Xuân 2019-2020 năng suất bình quân đạt 76 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Đó là nhờ tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ phát triển lúa giống theo Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND tỉnh Phú Yên, đã giúp nông dân thay đổi rõ nét tập quán canh tác sản xuất lúa, bớt dùng lúa thịt để làm giống.
“Đến năm 2020 ước tính diện tích 2 vụ lúa chính, nông dân sử dụng giống đạt tiêu chuẩn để gieo sạ hơn 73%, tăng 41,7% so với năm 2016. Bên cạnh đó, diện tích giảm lượng giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha ước đạt 50% tăng 44,4% so năm 2016“, ông Tùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, tỉnh thực hiện chuyển đổi hơn 2.731 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng hàng năm và chuyển đổi nhiều diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu... sang trồng cây ăn quả.
Đến nay, diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn khoảng 6.700 ha, tăng hơn 1.300 ha so với năm 2015. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả như: bơ, sầu riêng hạt lép, mãng cầu Hoàng hậu, mít Thái, cam, quýt đường…có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa.
Về chăn nuôi, giá trị sản xuất ước tăng bình quân 6,8%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, số lượng đàn bò trên 180.000 con, đàn lợn 115.000 con; đàn gia cầm các loại 5 triệu con vào năm 2019 (gấp 1,5 lần so năm 2014).
Về khai thác, số tàu thuyền được cơ cấu lại theo hướng tăng và hiện tại hóa tàu khai thác xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên, gắn với chuyển đổi nghề khai thác từ đơn nghề sang kiêm nghề. Bộ NN-PTNT cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho 451 tàu.
Về nuôi trồng có sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu đối tượng nuôi, phương thức nuôi theo hướng thâm canh và 100% vùng nuôi được quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh định kỳ. Đã xây dựng một số mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, ứng dụng chế phẩm sinh học, nuôi tôm 2 giai đoạn…từ đó góp phần giảm tỷ lệ dịch bệnh, nâng cao năng suất nuôi trung bình đạt 10 tấn/ha/năm. Hình thành 1 cơ sở sản xuất giống đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc; 16 cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học…
Nhờ vậy giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản tăng bình quân 5,2%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, năm 2019 đạt 66 triệu USD, ước năm 2020 đạt 79 triệu USD, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 22,5%/năm.
Lĩnh vực lâm nghiệp ước tăng bình quân 13,3%. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên mỗi ha rừng trồng ước đạt 120 triệu gấp hơn 2 lần so với năm 2015. Đến tháng 5/2020, tỉnh có 9 dự án trồng rừng kinh tế của nhà đầu tư, với diện tích 11.618 ha. Bên cạnh đó, 3 doanh nghiệp đạt chứng chỉ rừng FSC với tổng diện tích gần 10.000 ha. Năm 2019, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt hơn 42% và năm 2020 ước đạt 45%.
Về diêm nghiệp đã quy hoạch 184 ha sản xuất muối tại TX Sông Cầu, sản lượng hàng năm đạt từ 18.000 - 20.000 tấn. Cục Sở hữu trí tuệ đã chứng nhận nhãn hiệu “Muối Tuyết Diêm”.