Cuộc sống của nông dân cũng như phương thức canh tác, sản xuất của nền nông nghiệp Triều Tiên vẫn còn nhiều điều bí mật mà không phải ai cũng có cơ hội được tìm hiểu. Nó khác hoàn toàn so với cuộc sống ở vùng nông thôn Hàn Quốc.
>> Điều chưa biết về quan hệ kinh tế Trung - Triều
>> Bí ẩn nền kinh tế Triều Tiên
Nông dân kiếm sống bằng gì?
Khác biệt rõ rệt nhất đó là nông dân Triều Tiên không được sử dụng các loại máy móc hiện đại cũng như phân bón tốt. Ở nông thôn Triều Tiên, người nông dân làm việc quanh năm nhưng sự vất vả thì phụ thuộc vào từng vụ mùa. Những đứa trẻ giúp đỡ cha mẹ việc đồng áng từ khi còn nhỏ và nhiều khi học bài ngay trên cánh đồng.
Điều này là hoàn toàn bình thường với những trẻ em Triều Tiên, thậm chí trường học còn cho các em nghỉ 1 tháng trong mùa xuân và mùa thu để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, bọn trẻ không thích điều này cho lắm và thường cáo ốm để không phải ra đồng.
Loại lương thực chính của Triều Tiên là khoai tây và ngô, bên cạnh đó là kê, lúa mạch hay ngũ cốc và nhiều loại rau trồng ở vườn nhà. Dù canh tác quanh năm nhưng việc trồng trọt không đủ để duy trì cuộc sống, nông dân ở đây còn đẩy mạnh chăn nuôi với các loại động vật như lợn, dê, chó và có cả thỏ.
Công việc đồng áng ở đây rất nặng nhọc, phần vì không có phương tiện, phần vì thiếu thốn nhiên liệu để máy móc hoạt động. Những phần việc nặng như cày, bừa đều do trâu bò đảm nhiệm. Ở đây, trâu bò có giá trị rất lớn, không phải cung cấp thịt như phương Tây mà đó là sức kéo chính trong sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, vì thiếu thuốc trừ cỏ nên đa số nông dân phải làm cỏ bằng tay, mỗi khi thời tiết dễ chịu cũng là lúc người dân kéo nhau ra đồng diệt cỏ. Để tiết kiệm tiền bạc, số cỏ nhổ được từ ruộng sẽ được đem ủ phân hữu cơ để bón cho mùa sang năm.
Nông dân Triều Tiên làm việc trên các cánh đồng ở tỉnh Nam Hwanghae
Công việc lặp đi lặp lại hằng năm, gieo hạt vào mùa xuân, làm cỏ vào mùa hè và thu hoạch vào mùa thu. Nó gần như đã trở thành một thói quen của nông dân Triều Tiên, đến nỗi lũ trẻ sau khi tan trường cũng tạt qua đồng trước khi về nhà.
Đến mùa thu hoạch tất cả sản phẩm được tập hợp sau đó phân chia cho từng gia đình theo ngày công và thái độ làm việc trong cả mùa. Bên cạnh đó, việc canh tác khó khăn, thiếu thốn công cụ, phân bón khiến năng suất nông nghiệp Triều Tiên không hề cao.
Hơn nữa số sản phẩm họ nhận được không phải tất cả những gì họ làm ra, nếu muốn mua sắm các hàng gia dụng khác người dân phải bán nông sản cho nhà nước với giá thấp hơn giá thị trường, vì thế cuộc sống của nông dân Triều Tiên vô cùng vất vả.
Những quy định khác thường
Nhiều người dân đồng ý rằng, nếu họ có đất riêng và các sản phẩm được tự do trao đổi, buôn bán thì mọi chuyện đã khác. Tuy nhiên, chính phủ Triều Tiên không cho phép tư nhân sở hữu đất đai, kể cả đất nông nghiệp. Nơi duy nhất người dân có thể tự do canh tác đó là những mảnh vườn nhỏ xung quanh nhà.
Ở các mảnh vườn này, người dân có thể trồng rau và kiếm tiền từ đó. Nhưng mọi chuyện chẳng hề đơn giản, thuốc trừ sâu và phân bón được nhà nước cấp phát, muốn mua thêm chỉ có cách tìm đến thị trường chợ đen.
Thậm chí có mua được phân bón và thuốc trừ sâu thì đa số nông dân không có nhiều thời gian để chăm sóc cho vườn rau của mình. Họ phải đến làm việc trên các cánh đồng, nơi mà muốn nghỉ phải có giấy khám bệnh của các cơ quan y tế.
Ngược lại, ở miền Nam, cuộc sống của nông dân Hàn Quốc dễ dàng hơn rất nhiều. Trồng trọt và chăn nuôi ở đó được chuyên môn và cơ giới hóa. Điều này khiến cho người nông dân đỡ vất vả hơn, thêm vào đó là chính sách buôn bán mở cửa cũng giúp họ dễ dàng cải thiện được cuộc sống sau những khoảng thời gian chăm chỉ làm ăn trên đất đai của mình.
Những thay đổi trong chính sách nông nghiệp
Cuối năm 2012, chính quyền Triều Tiên lên kế hoạch cho phép người nông dẫn giữ một nửa số nông sản họ làm ra và có thể trao đổi, buôn bán trên thị trường. Đây được xem như một động thái thể hiện bước cải cách kinh tế lớn nhất của Bình Nhưỡng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.
Theo thông tin của Reuters, có thể đây là cách mà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un dùng để thúc đẩy nền kinh tế còn nghèo nàn của đất nước. Nguồn tin của Reuters cho hay, nông dân sẽ được khuyến khích canh tác nhiều hơn đồng thời họ có thể bán ra thị trường từ 30 - 50% số nông sản mình làm ra, tùy theo từng khu vực.
Tuy nhiên, sau những động thái của Kim Jong-un nhiều nhà phân tích độc lập đã đặt ra câu hỏi, liệu nhà lãnh đạo trẻ này sẽ tiến được đến đâu để tự do hóa nền kinh tế, đưa đất nước đi lên mà không bị mất đi quyền lực của gia đình mình. |
Trong khi trước đó hầu hết nông sản của người dân đều được bán cho chính phủ với mức giá thấp hơn nhiều giá thị trường.
Không những thay đổi về cơ chế, các chuyên gia Hàn Quốc còn cho rằng để khôi phục nền kinh tế của mình, Triều Tiên cần phải mở cửa nhập khẩu thêm nhiều phân bón, cải tạo đất đai đã trở nên cằn cỗi sau nhiều năm canh tác với kỹ thuật kém.
Bên cạnh đó, nhiều nguồn tin còn cho biết Triều Tiên đang nghiên cứu khả năng triển khai chính sách quân đội cùng sản xuất. Theo đó, 1,2 triệu binh sĩ, một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới sẽ cùng tham gia sản xuất, ban đầu là để phục vụ nhu cầu của chính quân đội, sau đó là cung cấp sản phẩm cho thị trường dân sự.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang cố gắng cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc để đối phó với những lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc sau các vụ thử hạt nhân của họ. Chủ tịch Kim đang cố gắng để gây dựng hình ảnh Triều Tiên "thịnh vượng", xóa bỏ đi ký ức về 17 năm sống với chính sách khắc khổ dưới thời cha mình. (Còn nữa)