Điều bất ngờ thú vị phía bên kia biên giới
Thời điểm này, hoa quả Việt Nam sang Trung Quốc nhiều nhất qua biên giới Lạng Sơn chủ yếu tập trung ở cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh. Không có cảnh ùn tắc kéo dài như giai đoạn cao điểm, chỉ ở một vài bãi đỗ tập trung xe container có tình trạng ùn ứ.
Chính quyền Bằng Tường treo hệ thống đèn đường hình quả măng cụt nhằm thể hiện sự yêu quý đối với loại quả đến từ Việt Nam. |
Một phần vì công tác thông quan mặt hàng nông sản được các cơ quan ở cửa khẩu tạo điều kiện thông thoáng hơn, mặt khác là nhiều mặt hàng nông sản bị phía Trung Quốc thắt chặt từ 1/6/2019, thời điểm Điều lệ an toàn thực phẩm Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây – Trung Quốc có hiệu lực.
Thống kê của Lạng Sơn thể hiện, 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản qua biên giới trên địa bàn đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Tất cả đều xuất sang trung tâm hoa quả, nông sản ở Thành phố Bằng Tường (Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc).
Bên kia biên giới, từ lâu, Bằng Tường là thủ phủ hoa quả, nông sản lớn bậc nhất Trung Quốc. Cuối năm ngoái trước tình hình một số nơi tại Việt Nam thanh long rớt giá, cũng như thông tin cho rằng Trung Quốc ngừng mua thanh long của Việt Nam, nhóm PV NNVN đã sang thành phố Bằng Tường để tìm hiểu thực tế và phát hiện, nhu cầu thực tế tiêu thụ hoa quả ở đây chưa bao giờ đủ nên hoàn toàn không có chuyện phía Trung Quốc ngừng mua hoa quả Việt Nam.
Lần trở lại này, chúng tôi vừa bất ngờ vừa thấy thú vị vì hầu hết hệ thống đèn đường trang trí và chiếu sáng ở Bằng Tường được tạo hình quả măng cụt và sầu riêng, những loại quả mà Lăng Tinh Cương, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á khu vực Bằng Tường nói rằng “người Trung Quốc đặc biệt yêu thích” và “đây là chủ trương của chính quyền thành phố nhằm bày tỏ sự trân trọng đặc biệt đối với các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó, nhất là các loại hoa quả như măng cụt, sầu riêng mà người Trung Quốc không có”.
Sự trân trọng đặc biệt còn được thể hiện trong câu chuyện mở đầu của Lăng Tinh Cương. Ông ta kể rằng, trong những chuyến đi Châu Âu của mình, khi kể với nhiều bạn hàng về hoa quả Việt Nam, người ta đã phải thốt lên đầy ghen tị rằng: Tại sao lại có một đất nước được thiên nhiêu ưu đãi tuyệt vời đến như vậy? và vì sao họ lại chưa trở nên giàu có với những ưu đãi đó?
Chợ hoa quả Bằng Tường rộng hơn 25 ha là đầu mối các mặt hàng nông sản, nhiều nhất là hoa quả của các nước ASEAN nhập vào Trung Quốc. Thống kê của bà Hứa Tiểu Xuyên, Thư ký Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á khu vực Bằng Tường cho biết, tỷ lệ hoa quả ở khu vực này có khoảng 60% đến từ Việt Nam, 40% từ những nước còn lại trong khu vực.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 9 loại đi theo đường chính ngạch bao gồm: Xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long và măng cụt. Sầu riêng cũng đang hoàn thiện những thủ tục cần thiết để đến Bằng Tường. Hoa quả ASEAN được tập trung tại đây sau đó đi sâu vào thị trường nội địa và những sản phẩm đến từ Việt Nam thường được lựa chọn đầu tiên.
Khảo sát giá cả các mặt hàng trái cây Việt Nam tại chợ hoa quả Bằng Tường cho thấy, hoa quả đến từ Việt Nam được bán với giá khá cao và chạy hàng. Từ những mặt hàng chính ngạch cho đến tiểu ngạch. Ví dụ na được bán với giá 85.000đ/kg; Chanh leo (tiếng Trung Quốc là loại quả màu vàng, rất thơm – Hoàng kim bách hương quả) bán 46.000đ/kg; Bưởi da xanh 130.000đ/quả; Bơ 66.000đ/kg…
Hoa quả Việt Nam được yêu thích nhất tại chờ nông sản lớn bậc nhất Trung Quốc. |
“Hàng hoa quả Việt Nam sang đây thì nói thật là bao nhiêu cũng hết”, Trần Mỹ Linh, một chủ ki ốt hoa quả, người gốc Việt, kinh doanh tại Chợ hoa quả Bằng Tường, cho biết.
Giống như Trần Mỹ Linh, các chủ sạp hàng tại Chợ hoa quả Bằng Tường, cho biết họ bán lẻ, bán sỉ, hoặc thậm chí bán cả container hoa quả Việt Nam. Những container này đưa hoa quả Việt Nam từ bằng Tường đến tận cả những nơi xa xôi như Khu tự trị Tân Cương, thông thường mất khoảng 3 ngày.
“Hoa quả Việt Nam rất được ưa chuộng tại đây, dù giá cả đắt hơn hẳn khi mua ở Bằng Tường bởi đường vận chuyển xa, phải dùng xe lạnh chuyên dụng”, bà Hằng, một doanh nhân Việt Nam buôn bán hoa quả tại Bằng Tường gần 20 năm nay tiết lộ.
Các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á cho rằng, theo khảo sát của họ, gần như tất cả các loại hoa quả mà Việt Nam đang có đều có thể đi vào thị trường có tới hơn 1,4 tỷ dân.
“Vấn đề là Chính phủ hai bên cần phải có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp thuế quan thuận lợi và nhận thức của người nông dân phải thay đổi để hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình”, khuyến nghị từ tổ chức Thương mại hoa quả lớn nhất Trung Quốc.
Để chúng ta làm ăn được lâu dài
Những doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc phân tích với chúng tôi rằng, hoa quả Việt Nam chỉ cần giữ được chất lượng quả đúng thời điểm thu hoạch và cải thiện khả năng đóng gói thì cả thế giới phải nhìn vào chứ không riêng gì người Trung Quốc. Nghe thật mát ruột, nhưng ai cũng biết còn khán hiều những vấn đề bất cập.
Từ những ông bà chủ buôn bán ở chợ Bằng Tường đến các doanh nhân trong hiệp hội đều có những phân tích rất rõ về một số hạn chế cần phải thay đổi của hoa quả Việt Nam. Họ nói, vấn đề lớn nhất của hoa quả Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung trong hành trình đi sang Trung Quốc hiện nay là chi phí trung gian quá cao đã khiến mức giá đến tay người tiêu dùng cao hơn rất nhiều so với giá thành tại nơi sản xuất.
Nguyên nhân là do cả phía Chính phủ Việt Nam lẫn Trung Quốc đều chưa có chính sách cụ thể về cước phí vận chuyển. Thứ hai là ở trên phần đất Việt Nam, hành trình từ vườn đến cửa khẩu có quá nhiều thương nhân ăn chênh lệch trung gian. Vì vậy, từ Bằng Tường, những người rất yêu chuộng hoa quả Việt Nam đề xuất, cần phải có chính sách khống chế chi phí vận chuyển trên đường, loại bỏ được càng nhiều tầng lớp trung gian càng tốt.
Một thông điệp nữa từ Bằng Tường, thương nhân Trung Quốc mong muốn nông dân Việt Nam hoàn thiện hơn nữa về trình độ sản xuất và đóng gói.
“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp, một số mặt hàng hoa quả đến từ Việt Nam chưa đảm bảo về tiêu chuẩn hình thức cũng như chất lượng. Nguyên nhân không phải vì loại quả đó không ngon mà là vì nông dân thu hoạch không đúng thời điểm mà chúng tôi cần. Ví dụ quả thanh long chẳng hạn, người Trung Quốc thích thanh long Việt Nam vô cùng. Nhưng có thời điểm họ chê thanh long các bạn mới chín độ khoảng 50%, ăn không ngọt. Hay như quả sầu riêng, có lúc người ta khen hết mực, người ta gọi đó là loại quả lưu lại nhớ thương, nhưng cũng có lúc chê là ăn chẳng khác gì bánh bao.
Chúng tôi biết rằng hoa quả là thứ rất sợ bị thương tổn. Có thể vì vậy mà một số quả mới chín 50% các bạn đã thu hoạch rồi. Đó là thời điểm dễ bảo quản và quả khá nặng nhưng thực tế là hàm lượng dinh dưỡng chưa đảm bảo, độ ngon cũng bị giảm đi rất nhiều. Chúng tôi mong muốn các bạn hãy thu hoạch thật đúng thời điểm để đảm bảo danh tiếng của hoa quả Việt Nam”, ông Lăng Tinh Cương phân tích.
Ông Lăng Tinh Cương - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc - Đông Nam Á khu vực Bằng Tường (phải) trao đổi với PV NNVN về hoa quả Việt Nam. |
Thứ nữa là đóng gói. Nhiều doanh nhân trong hiệp hội tiết lộ, người Trung Quốc trọng hình thức nên việc đóng gói đối với họ cũng rất quan trọng, thậm chí có thể kiếm lợi từ đó. Nhưng có vẻ như các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam chưa thực sự quan tâm điều này.
Các doanh nghiệp và tiểu thương chợ Bằng Tường dẫn chúng tôi đi xem tất cả các mặt hàng hoa quả đến từ Việt Nam và dừng lại trước một sạp mít. “Người Trung Quốc thích mít Việt Nam bởi vì nó có nhiều cách ăn, tươi hoặc sấy khô đều được ưa chuộng. Nhưng có một điều tôi thấy buồn cười là ở Việt Nam tại sao họ cứ gói giấy báo với bìa các tông chuyển sang đây. Sao không nghĩ đến việc, hãy tạo ra các kiểu đóng gói hoa quả riêng, làm cho mẫu mã đẹp hơn để có thể đẩy giá lên cao nữa?”, anh bạn đồng nghiệp vừa phiên dịch vừa gật xem chừng khá là tiếc nuối.
Mong muốn Báo NNVN truyền những thông điệp từ Bằng Tường đến người nông dân và thương lái Việt Nam, doanh nghiệp, tiểu thương Trung Quốc cũng đề nghị Chính phủ 2 nước có những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho hoa quả Việt Nam có thể sang Trung Quốc nhiều hơn nữa. Bởi “với người dân Trung Quốc chúng tôi, hoa quả đến từ Việt Nam luôn là số 1”.
Và cả những cảnh báo Hết mực ca ngợi hoa quả Việt Nam, nhưng ở Bằng Tường, người Trung Quốc đề xuất thành lập những tổ chức, hiệp hội nhằm hỗ trợ người nông dân tiếp cận được thông tin về thị trường và cả những quy định về thời điểm thu hoạch. Bởi nếu thu hoạch không đúng thời điểm, làm giảm chất lượng của hoa quả thì chuyện người ta không mua có thể xẩy ra, đấy là mất mát lớn. Thời gian gần đây, người Trung Quốc có xu hướng thích ăn thanh long Trung Quốc hơn vì người ta tính rằng, ăn 5 quả thanh long Trung Quốc mới lãng phí khối lượng khoảng 1 quả là phần vỏ, trong khi đó chỉ cần ăn 3 quả thanh long Việt Nam đã mất 1 quả rồi. Thanh long Việt Nam vỏ dày và tai dài, công thêm một số chủ vườn thu hoạch không đúng thời điểm nên hàm lượng dinh dưỡng dồn sang tai và vỏ mất nhiều. “Bằng Tường chuẩn bị xây dựng khu Trung tâm thương mại tự do, nên thời gian tới việc hoa quả Việt Nam sang đây sẽ rất thuận lợi. Chúng tôi kêu gọi các bạn hãy thành lập những hiệp hội tương tự như chúng tôi nhằm hỗ trợ người nông dân có đủ tự tin đi thẳng vào thị trường Trung Quốc. Nếu các bạn hoàn thiện được sản phẩm của mình thì không ai có thể cạnh tranh nổi”, Thông diệp từ những doanh nghiệp trong Hiệp hội Thương mại hoa quả Bằng Tường. |