Đa dạng hóa tiêu thụ
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade) nhận định, thương mại trong nước là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt cho sản xuất trong nước phát triển theo tín hiệu thị trường và quan trọng là góp phần thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Do đó, cần quan tâm chính sách phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh tế cá thể và tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết tham gia thị trường. Ngoài ra, cần khuyến khích các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa thương mại.
Mục tiêu phát triển thị trường trong nước với nông sản mà ông Nguyễn Quốc Toản đưa ra là đa dạng hóa vấn đề tiêu thụ nông sản qua các kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử và thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Toản cho rằng cần đổi mới, đa dạng hóa phương thức kinh doanh nông sản trong nước, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản trong nước, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại nông sản đồng bộ, hiện đại.
Ngoài ra, cũng phải đổi mới công tác xúc tiến thương mại nông sản trong nước, cũng như đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về thương mại nông sản trong ngành nông nghiệp.
Đánh giá về hiện trạng nông sản Việt với thị trường trong nước hiện nay, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hiện nay các HTX đã làm tốt khâu sản xuất nhưng công đoạn đưa sản phẩm ra thị trường, đến tay người tiêu dùng còn nhiều khó khăn.
“Chúng tôi vẫn mở rộng, đón nhận sản phẩm của các HTX, đặc biệt là các sản phẩm mang tính vùng miền, đặc sản. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn sự phàn nàn về việc khó tiếp cận, khó đưa nông sản vào siêu thị”, bà Hậu chia sẻ.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nói: “Chúng tôi phải chọn lọc các sản phẩm trước khi đưa lên kệ, do đó, các HTX cần nâng cao về chất lượng và cải thiện về nghiệp vụ kinh doanh tiếp cận với hệ thống bán lẻ, ngoài các siêu thị còn các nhà hàng, điểm bán lẻ khác”.
Củng cố hợp tác xã, kinh tế tập thể
Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khẳng định, HTX nông nghiệp là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp và chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.
Tuy nhiên, quá trình phát triển HTX nông nghiệp ở Việt Nam đang gặp phải không ít khó khăn, điển hình như quy mô nhỏ, ít thành viên, trình độ quản trị thấp, thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường và tiếp cận công nghệ còn hạn chế.
Trong thời gian tới, các HTX sẽ phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền.
Bên cạnh đó, gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải dựa trên nội lực của tổ chức là chính, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Cùng với đó, cần tiếp thu kinh nghiệm, ứng dụng linh hoạt, hiệu quả mô hình thành công trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Toản cũng đề xuất các HTX cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản, góp phần tác động xu hướng tiêu dùng nông sản nội địa thay thế các nông sản ngoại nhập.
Thêm vào đó là cung cấp các thông tin về kế hoạch các chương trình kích cầu tiêu thụ nông sản của mỗi đơn vị để Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch tham gia, phối hợp, thông tin cho các Sở NN-PTNT các địa phương.
Giữa các HTX và các đơn vị tiêu thụ, phân phối cũng cần tăng cường phối hợp phổ biến các tiêu chuẩn đưa hàng vào hệ thống, kênh phân phối. Ngoài ra, phối hợp thông tin về nhu cầu của từng chuỗi siêu thị về chủng loại, bao gói, quy cách… giúp Bộ NN-PTNT trao đổi với các địa phương trong các khâu chỉ đạo sản xuất.
Cải thiện chính sách
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và bước đầu đã khẳng định được hiệu quả. Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã dần đáp ứng được yêu cầu của thị trường cao cấp và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hiện còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tiếp cận các nguồn lực xã hội, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin…
Liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn của còn yếu kém. Theo báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á, hiện nay mới chỉ có 21% các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia.
Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Nhóm giải pháp này nhằm mục đích cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường và đưa ra một số giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết trong các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Với bản thân các doanh nghiệp, cần xác định đươc những lợi thế riêng về điều kiện sản xuất kinh doanh, phạm vi thị trường, khách hàng… để tập trung đầu tư phát triển, tránh đầu tư dàn trải, theo phong trào để nâng cao được khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là các thị trường cao cấp.
Đối với nông sản, việc xác định được những lợi thế này lại càng quan trọng hơn nhằm tổi đa hóa được khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong khi vẫn tối thiểu hóa được chi phí sản xuất.
Một giải pháp nữa cũng được các đại biểu đưa ra là sự liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề là một giải pháp tốt nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của từng doanh nghiệp và cả nhóm ngành hàng khi tham gia thị trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để liên kết với nhau, không chỉ là chính sách, không chỉ là nguồn lực mà phải là sự tự nguyện, cả từ phía người nông dân, cả từ phía nhà bán lẻ. Do đó, cần những chương trình cụ thể, đồng hành giữa các nhà bán lẻ với các HTX, từ đó tạo ra sự hấp dẫn từ cả 2 phía.
Riêng về mặt hàng gạo trong các siêu thị của Việt Nam, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh bày tỏ mong muốn các HTX xây dựng được cấu trúc giá bán buôn cho từng khu vực, sau đó mới đến bán lẻ, rồi mới có giải pháp cạnh tranh để có thể đưa được hàng vào hệ thống siêu thị.
Về vấn đề chính sách, bà Hiếu kiến nghị nên chia các nhóm ngành hàng, chia các nhóm thị trường để các doanh nghiệp ngồi lại với nhau, đưa ra giải pháp ổn định giá, từ đó mới cùng người nông dân, các HTX tăng cường được giá trị.