| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn bất tận

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:25 (GMT+7)

Ông Võ Văn Chung, nông dân sản xuất giỏi xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo, Tiền Giang): CẦN NHIỀU NGƯỜI “ÍCH KỶ”

Tôi nhớ mãi kỷ niệm của tôi với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông còn là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Khi xuống thăm nhà, tôi có tặng anh Sáu một giạ lúa giống IR 36 mà tôi đã nhân được, để anh chia ra cho các nông trường ở TP Hồ Chí Minh và tặng cậu tài xế một giạ gạo. Khi xe về qua UBND xã, du kích đã chặn lại đòi xem giấy tờ về số lúa gạo trên và khi không đủ giấy tờ nhưng do họ nể tôi nên không tịch thu mà đã trộn chung lúa và gạo. Cũng trưa hôm đó, tôi và anh Sáu xuống thăm huyện, khi xuống tới thì đã hết giờ làm việc, Văn phòng Uỷ ban huyện không ai biết anh Sáu mà chỉ biết tôi nên vào báo cáo với ông Phó Chủ tịch huyện là có ông Hai Chung và một người lạ đòi gặp. Tôi nghe rất rõ tiếng ông Phó Chủ tịch nói vọng ra: "Biểu họ hết giờ rồi, về đi hôm khác đến". Cán bộ cơ sở, cán bộ nông thôn trong không thể có kiểu như thế.

Các chương trình dự án cho nông nghiệp, nông thôn khi nghe nói thì to như cái bàn, nhưng khi về đến dân thì chỉ còn như cái chén, nên khâu đầu tiên để xây dựng NTM phải bắt đầu từ cán bộ, từ bộ máy.

Những năm 1977 - 1979, tôi biếu không cho nông dân các tỉnh ĐBSCL 60 tấn lúa giống IR 36, giống lúa rất tốt tại thời điểm đấy mà chỉ có tôi nhân được với quy mô hàng hóa. Ngoài thị trường, giá lúa giống IR 36 lúc đấy là 1 chỉ vàng/1 giạ (20 kg), tính ra giá trị lúa giống tôi tặng lên đến 300 cây vàng, 300 cây vàng ở thời điểm đấy là cực lớn. Hiện nay, ngoài trang trại trồng trọt, chăn nuôi, tôi còn làm đại lý thức ăn gia súc. Tôi mới làm 5 năm thôi nhưng doanh số của tôi đã lên rất cao, mỗi ngày bán ra không dưới 10 tấn cám các loại.

Xã Lương Hòa Lạc nói riêng và huyện Chợ Gạo cũng như tỉnh Tiền Giang nói chung đều phát triển mạnh nghề nuôi heo, đã có rất nhiều đại lý nên bước đầu cũng có e ngại thế nhưng tôi vẫn quyết làm và làm được vì tôi tin và theo đuổi triết lý kinh doanh riêng của tôi - Chỉ lấy lợi nhuận từ Cty mà không lấy lợi nhuận từ nông dân, mà trong đó rất nhiều gia đình thì cặp heo là tài sản đáng giá nhất của họ. Từ triết lý kinh doanh đó, tất cả đều được bán theo giá gốc cộng thêm phí vận chuyển. Mục tiêu của tôi rất khiêm tốn là làm sao để ngày nào xe cũng lăn bánh. Nhờ bán giá thấp hơn các đại lý khác 5 – 6.000 đ/bao cám, phục vụ lại tận tình, chu đáo nên doanh số của tôi tăng rất nhanh, đã có 2 chiếc xe tải loại 6 tấn rồi nhưng vẫn không đủ nên đang sắm chiếc 10 tấn nữa.

Nhiều người thắc mắc, thế thì Hai Chung làm từ thiện hả? Không. Vẫn có lời, tuy lời không nhiều bằng các đại lý khác nhờ vào khoản tiền thưởng doanh số từ các Cty. Tuy nhiên, cũng như việc tôi biếu 60 tấn giống lúa IR 36 trước đây, tôi lại được cái lợi vô giá khác, đấy là bản thân tôi không những được các nhà lãnh đạo cao cấp biết đến, lãnh đạo địa phương nể trọng, các tổ chức khoa học quốc tế vinh danh mà còn rất nhiều, rất nhiều bà con nông dân ĐBSCL đều biết đến Hai Chung và tri ân. Danh dự, uy tín, tiếng thơm của tôi không có bạc vàng nào mua nổi. Nghìn năm bia miệng vẫn còn. Tôi là người ích kỷ, người đại ích kỷ và tôi muốn ngày càng có thêm nhiều người ích kỷ như tôi. 

Ông Đặng Thái Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông: CẦN THỬ NGHIỆM SIÊU THỊ NÔNG THÔN

Đọc Bộ tiêu chí xây dựng NTM của Chính phủ tôi thấy thiếu hẳn một điều hết sức quan trọng đấy là chưa thấy nông dân và nông thôn được bảo vệ như thế nào? Ai cũng biết muốn xây dựng NTM trước hết là phải tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa, thị trường, thế nhưng tôi thấy cần phải nhấn mạnh thêm sản xuất nhỏ là một đặc trưng của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Đặc trưng này có thể vẫn là đặc trưng xuyên suốt thời kỳ quá độ, có khi phải mất nhiều thế hệ. Với Nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì không thể “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Thực trạng về các nguồn lực, từ lao động đến vốn liếng đến tri thức của nông thôn hiện nay rất nhỏ, rất yếu, nhỏ như những con tép nên không thể để họ tự bơi “ra biển lớn” vì nếu để họ tự bơi thì chắc chắn chỉ làm mồi cho cá dữ.

Ai cũng biết tiềm lực kinh tế quốc gia của mình còn bé nên không thể bảo trợ cho nông thôn như các nước phát triển, thế nhưng điều nhà nước mình có thể làm được nhưng lại chưa làm đấy là bảo vệ họ. Nông dân hiện nay bị chèn ép, bị bóc lột bởi rất nhiều hình thức ma quái khác nhau, mà rõ ràng nhất là việc thường xuyên phải vay nợ nóng, phải mua vật tư nông nghiệp theo giá cao, thậm chí cao nhất thế giới, trong lúc lại phải bán nông sản với giá rất thấp, có khi thuộc loại thấp nhất thế giới, thế thì họ lấy đâu ra tích lũy để xây dựng NTM.

Trong khi nông sản của ta đang phải trầy trật cạnh tranh với nông sản nước ngoài về giá là chính thì Nhà nước phải tìm cách giảm giá thành, làm sao để nông dân mua vật tư nông nghiệp theo giá phải chăng, ổn định và không bị các nấc tầng trung gian ép giá khi bán nông sản. Ở Tiền Giang, có ông Hai Chung, nông dân sản xuất giỏi bán cám heo cho nông dân không tính lời. Làm sao mỗi xã có được một ông như Hai Chung. Một nông dân bình thường làm được tại sao Nhà nước vì dân lại chưa làm được. Chợ nông thôn như trong bộ tiêu chí là cần thiết nhưng chưa đủ mà cần có một siêu thị mà ở đây người nông dân không bị “siết cổ” khi mua vật tư và không bị “ép dầu” khi bán nông sản. Nhà nước cần có nghiên cứu, làm thử. 

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng: KHÔNG XEM NHẸ ĐỘNG CƠ "KIẾM ĂN”

Không chỉ có tiểu thuyết “Nước mắt một thời” viết về cải cách ruộng đất mà các tác phẩm của tôi hầu hết đều viết về nông thôn, nông dân. Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, một vùng truyền thống về nông nghiệp, phiêu bạt đến tận vựa lúa, vựa tôm Kiên Giang… tôi có diễm phúc được đằm thắm cùng nông thôn, nông dân và nhận ra rằng hầu hết các nông dân thành đạt, các làng xã vươn lên được trong kinh tế thị trường đều bắt đầu từ… kiếm ăn.

Kiếm ăn ở xây dựng NTM là tăng thu nhập, tăng mức sống cho các thành viên. Muốn kiếm ăn được thì sản xuất phải phát triển, thành ra trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì cái đầu tiên cần được nhấn mạnh là nông nghiệp, nếu nông nghiệp phát triển được, người nông dân kiếm ăn được khấm khá hơn thì nông thôn cũng sẽ dần được khang trang, đời sống văn hóa sẽ có bước cải thiện.

Trong tiêu chí NTM của Chính phủ, tôi thấy đã có những tiền đề cho sự kiếm ăn đấy là hạ tầng điện đường trường trạm chợ. Thế nhưng đấy chỉ mới là tiền đề, còn việc tăng được thu nhập của dân lên 30-40% cao hơn vùng khác không thì đấy còn là chuyện khác.

Thường nói “Phi thương bất phú”, nguyên tắc của thương mại là mua hàng giá rẻ chỗ này và bán lại với giá cao hơn ở chỗ khác, mặc cho chỗ mua, chỗ bán nhiều lúc chỉ là “đầu chợ và cuối chợ”. Thế nhưng, cái kiểu buôn bán thuần túy chạy theo lợi nhuận, thậm chí cả kiểu buôn bán không chuyên nghiệp như hàng xáo cũng thực sự chỉ là bòn rút từ nông dân sản xuất nhỏ. Làm sao có được những doanh nghiệp phi lợi nhuận cho nông dân?

LỜI BÀN THÊM 

Tất cả những trăn trở như “Siêu thị nông nghiệp”, “Bảo vệ nông dân và nông thôn” của ông Đặng Thái Thuận, “Cần nhiều người ích kỷ” của ông Hai Chung, “Doanh nghiệp phi lợi nhuận” của ông Nguyễn Khoa Đăng đều xoay quanh việc thương mại bất bình đẳng, thiếu vắng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ở nông thôn. Ở các nước phát triển, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho nông dân là HTX, thế nhưng đã hơn 50 năm rồi mà HTX của ta vẫn rất thưa thớt, không thực chất.

Năm 2006, Muhammad Yunus, người sáng lập ra Ngân hàng Grameen ở Bangladesh chuyên giành cho phụ nữ nghèo được trao Giải Nobel Hòa bình. Từ mẫu hình đấy, khái niệm doanh nghiệp xã hội được đề cập, chú ý nhiều hơn. Doanh nghiệp xã hội được thành lập cũng để kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ nhưng lợi ích của các doanh nghiệp này mang lại chủ yếu là lợi ích xã hội. Doanh nghiệp có thể thành lập bởi doanh nhân, tổ chức từ thiện, quỹ phát triển của một địa phương, của một dòng họ trong cộng đồng, hay từ một Mạnh Thường Quân…

Doanh nghiệp xã hội cũng có thể có lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận nhưng có điều chung nhất đấy là hầu hết đều được Nhà nước bảo trợ. Bảo trợ ở đây không có nghĩa là bao cấp mà là phần lớn các sản phẩm, dịch vụ của họ đều được Nhà nước đặt hàng và mua lại.

Doanh nghiệp xã hội không phải là vấn đề mới mẻ, ở Vương quốc Anh, doanh số năm 2009 của doanh nghiệp xã hội lên đến 40 tỷ USD. Thật khó tưởng tượng, một xã NTM lại không có doanh nghiệp của họ. Thiếu họ là thiếu đi một mắt xích trong chuỗi giá trị và liên kết 4 nhà (thực chất chỉ là 3 nhà)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm