| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới kiểu mẫu thay đổi diện mạo vùng đất anh hùng

Thứ Sáu 08/04/2022 , 08:30 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Từ một xã thuộc vùng sâu vùng xa, khó khăn đủ bề nhưng được đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, xã Liên Khê, đã thực sự “lột xác”.

Từ vùng trũng đất cảng

Xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, vừa mới phát lộ bãi cọc Cao Quỳ, là một trong những dấu tích còn trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Nguyên Mông gần 1 nghìn năm trước.

Ngoài di tích này, trên địa bàn xã còn hàng loạt di tích lịch sử cấp Quốc gia như: Chùa Thiểm Khê, chùa mai động, đền Thụ Khê,… tất cả đều gắn với những dấu tích lịch sử chói lọi của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Người dân xã Liên Khê gia cố lại tường rào sau khi hiến đất làm đường. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân xã Liên Khê gia cố lại tường rào sau khi hiến đất làm đường. Ảnh: Đinh Mười.

Dù vậy, do nằm xa trung tâm, giao thông khó khăn, đất canh tác chủ yếu là đồi núi, nên nhiều năm liền, Liên Khê được xem là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Thuỷ Nguyên, người dân gắn bó với nghề trồng trọt nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đời sống người dân bấp bênh.

Thậm chí, nhiều năm trước đây, khi Liên Khê còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều người còn đánh giá đây là một vùng trũng về phát triển kinh tế của đất cảng Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Liên Khê đã không ngần ngại “Dù là vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa nhưng nhiều năm trước đây, do điều kiện địa lý, xa trung tâm nên kinh tế xã hội người dân còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác tại Hải Phòng”.

Trên thực tế, câu chuyện xã Liên Khê là vùng đất “khó”, là vùng trũng phát triển kinh tế - xã hội có lẽ sẽ còn kéo dài nếu không có chương trình xây dựng NTM và phát lộ bãi cọc Cao Quỳ.

Với chương trình xây dựng NTM, ngay từ thời điểm ban đầu, địa phương đã chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng trồng lúa kém hiệu quả theo hướng hàng hoá.

Mặt khác, tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố, huyện, địa phương kiên cố hoá các tuyến đường thôn xóm, nội đồng, xây dựng vùng sản xuất tập trung… hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.

Do đó, xã Liên Khê thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trở thành một trong các vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả kinh tế cao của huyện Thủy Nguyên với 334 ha trồng cây ăn quả các loại với giá trị bình quân đạt từ 200-270 triệu đồng/ha.

Na Liên Khê đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đinh Mười.

Na Liên Khê đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đinh Mười.

Liên Khê đã hoàn thành xây dựng NTM sớm 2 năm so với chỉ tiêu của huyện Thủy Nguyên với 100% tuyến đường được xây dựng kiên cố, khang trang, thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, Liên Kê thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá gắn liền với di tích lịch sử trên địa bàn. Cuối năm 2019, khi bãi cọc Cao Quỳ phát lộ, nhân dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để thi công dự án tuyến đường vào khu bảo tồn bãi cọc.

Kéo theo đó, TP Hải Phòng đã đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng cho Liên Khê khiến bộ mặt nông thôn vùng đất trũng bỗng dưng bừng sáng.

Dấu ấn NTM kiểu mẫu

Theo ông Hùng, trước khi bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, các tuyến đường trên địa bàn xã đã được chỉnh trang, xây dựng mới, tuy nhiên chưa đảm bảo về chiều rộng mặt đường, lề đường, trồng hoa, cây cảnh, biển báo chỉ số nhà, một số tuyến chưa có hệ thống rãnh thoát nước và hệ thống điện đèn chiếu sáng.

Cơ sở vật chất về trường học đã xuống cấp, còn thiếu, diện tích không đảm bảo theo chuẩn quốc gia cấp độ 2, 3, cùng với đó các nhà văn hóa xây dựng từ những năm 2005 cũng đã xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Mặt khác, với 5 công trình thủy lợi trên địa  bàn cũng chỉ có 80% đảm bảo hoạt động và năng lực thiết kế, đảm bảo phục vụ tưới tiêu trên 85% diện tích sản xuất nông nghiệp, cần tiếp tục thực hiện việc cứng hóa kênh mương, nâng cấp, xây mới trạm bơm đảm bảo 100 diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động.

Bãi cọc Cao Qùy. Ảnh: Đinh Mười.

Bãi cọc Cao Qùy. Ảnh: Đinh Mười.

Về sản xuất, trên địa bàn xã có vùng sản xuất hàng hoá tập trung đối với các sản phẩm chủ lực địa phương như Na, chuối VietGAP nhưng mới có 1 HTX hoạt động theo luật HTX năm 2012, cần Xây dựng thêm 01 HTX bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận.

Các năm 2019, 2020, 2021, đo điều kiện dịch bệnh Covid-19, dịch tả châu Phi dẫn tới nguồn thu nhập của người dân làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ,các ngành dịch vụ, công nghiệp, sản xuất kinh doanh, thương mại bị ảnh hưởng, cần hỗ trợ các nguồn vốn vay để đầu tư tái sản xuất, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, những vấn đề bất cập này đã được giải quyết từ khi Liên Khê được lựa chọn xây dựng NTM kiểu mẫu với mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Một số hộ dân còn 'thoáng tính' hiến đất nhiều hơn yêu cầu để làm đường giao thông. Ảnh: Đinh Mười.

Một số hộ dân còn 'thoáng tính' hiến đất nhiều hơn yêu cầu để làm đường giao thông. Ảnh: Đinh Mười.

Cũng theo ông Hùng, xã Liên Khê có 285/11.000 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng và vật kiến trúc để mở rộng đường giao thông, xây dựng NTM kiểu mẫu với tổng cộng 2.000m2 đất thổ cư, 2.100m2 đất nông nghiệp.

Thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, địa phương được đầu từ 120 tỷ đồng, với tiêu chí giao thông, toàn xã có 2,4km đường rộng 9m, đường rộng 7m là 1,2km, đường rộng 5m là 5km.

Vấn đề lo ngại nhất khi thực hiện nhiệm vụ là giải phóng mặt bằng do giá đất tại huyện Thủy Nguyên nói chung trong thời gian qua rất đắt đỏ, tuy nhiên điều bất ngờ là khi vận động, nhân dân rất đồng thuận giúp công việc diễn ra thuận lợi.

Được biết, theo thiết kế chung, các tuyến đường NTM kiểu mẫu có vỉa hè thì tối thiểu là 1,5m nhưng tại xã Liên Khê, có chỗ người dân đã hiến sâu vào đến tận 2,5m để phục vụ thi công làm đường. Thậm chí, khi nhà thầu thi công chỉ lát gạch trên vỉa hè được hơn 2m thì người dân còn muốn được mở rộng thêm.

“Giá đất ở xã Liên Khê hiện tại trung bình khoảng 10 triệu đồng/1m2, rất đắt đỏ nhưng khi được vận động, các hộ dân đều vui vẻ hiến đất để làm đường. Nói chung chúng tôi rất phấn khởi”, anh Ngô Văn Giang, một người dân xã Liên Khê phấn khởi chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Thủy Nguyên là địa phương có nhiều xã được lựa chọn xây dựng NTM kiểu mẫu nhất của TP Hải Phòng với tổng số chiều dài làm đường lên đến 90km.

Theo Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Thủy Nguyên, tổng số hộ thuộc diện hiến đất để làm đường là 8 nghìn hộ dân, tổng kinh phí xây dựng NTM kiểu mẫu mỗi xã là 125 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 7 xã được phân bổ ngân sách đầy đủ, còn 8 xã sẽ phân bổ trong 2 năm, dự kiến đến hết năm 2025, huyện Thủy Nguyê sẽ có 100% xã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.