Vĩnh Yên phát triển hài hòa cả đô thị và nông thôn. |
Hiện nay, TP Vĩnh Yên chỉ còn có 2 xã là Định Trung và Thanh Trù đăng ký xây dựng nông thôn mới. Trong tiến trình đô thị hóa, tiến trình công nghiệp hóa, Vĩnh Yên vẫn đề ra chương trình phát triển nông nghiệp khá toàn diện và bài bản. Mục tiêu ấy, chính là xây dựng một nông thôn hiện đại, trong một thành phố hiện đại.
Một thành phố từ… làng
Ngược dòng thời gian, thấy rằng Vĩnh Yên được hình thành rất sớm. Và cũng trải qua sự tách nhập phức tạp. Thời thực dân Pháp đô hộ, tách phủ Vĩnh Tường và 5 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc, Yên Lãng của tỉnh Sơn Tây, huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên sáp nhập với nhau, thành đạo Vĩnh Yên. Đạo Vĩnh Yên có thủ phủ ở Hương Canh, do đó tỉnh Vĩnh Yên còn có tên nôm, là tỉnh Canh. Sau đó, đạo Vĩnh Yên giải thể, chuyển vùng đất này sang Sơn Tây. Năm 1889, toàn quyền Đông Dương thành lập tỉnh Vĩnh Yên…
Ban đầu, Vĩnh Yên chưa phải là đô thị, mà thực tế, hình thành từ các làng. Đó là làng Tích Sơn, từ đồi An Sơn ra đến đầm Láp. Sau này, hình thành 2 phố Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thành và 9 làng Cố Đô, Bảo Sơn, Đạo Hằng, Hán Lữ, Định Trung, Đôn Hậu, Khai Quang, Nhân Mỹ và Xuân Trường. Cho đến sau hòa bình lập lại 1954, một số đơn vị nhập vào Vĩnh Yên, còn giữ những cái tên rất cổ, tên nôm, như xã Tích Sơn có xóm Khâu, Tích, Hạ, Gạch, Mới, Sậu, Gầu… Xã Định Trung có 3 làng Láp Trên, Láp Dưới, Láp Trại. Xã Khai Quang có xóm Bầu…
Thời kỳ đầu, thực chất Vĩnh Yên chỉ thuần nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu là chính. Hầu hết đất Vĩnh Yên là làng, xóm. Từ xa xưa, nghề chính của cư dân Vĩnh Yên, là SX nông nghiệp như trồng lúa, rau quả, chăn nuôi, đánh bắt cá, chế biến nông sản…SX nông nghiệp thì chủ yếu trồng lúa trên các chân ruộng ven đồi, ven lạch, ven đầm hồ. Nhiều cánh đồng được người dân khai khẩn, bồi đắp màu mỡ, như khu vực đồng đất Cầu Oai (Tích Sơn) khu Đồng Tâm, Hội Hợp, khu Liên Bảo…
Đi lên bằng “hai chân”
Đến nay Vĩnh Yên đang vững bước trên đà vươn tới đỉnh cao của đô thị công nghiệp hiện đại, là cửa ngõ giao thương của Thủ đô Hà Nội với nhiều tỉnh, thành phố. Vĩnh Yên có nhiều tiềm năng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc bộ, trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh… hính lợi thế ấy đã tạo điều kiện cho Vĩnh Yên phát triển về công nghiệp, thương mại, giao thương hàng hóa và tiếp cận nhanh với tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên Vĩnh Yên vẫn chú trọng và duy trì SX nông nghiệp. Không những vậy, còn có kế hoạch chiến lược để phát triển và đưa SX nông nghiệp thành một “mũi nhọn” trong kế hoạch lâu dài của thành phố. Về trồng trọt, Vĩnh Yên đưa các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật nuôi trồng vào SX, đã phát huy hiệu quả. Các phòng ban chức năng, các xã, phường tập trung chỉ đạo, định hướng SX, phù hợp với thực tế. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân sử dụng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có cơ cấu hợp lý để giảm thiểu sâu bệnh.
Trong chăn nuôi, duy trì chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Việc nuôi trồng thủy sản khá ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 375ha, sản lượng ước đạt 579 tấn. Phối hợp với thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc và UBND các xã, phường triển khai mô hình nuôi cá giống mới, với 4 hộ tham gia, diện tích triển khai 2,8ha. Thành phố triển khai có hiệu quả 2ha mô hình nuôi cá đặc sản tại phường Đồng Tâm, bước đầu đem lại hiệu quả cao.
Phát triển SX nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. |
Sự cố gắng, nỗ lực của thành phố, chính là đẩy mạnh SX nông nghiệp, đưa Vĩnh Yên từng bước trên đôi chân: Công nghiệp và nông nghiệp cùng phát triển.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) theo cách riêng
Hiện nay Vĩnh Yên chỉ có 2 xã Định Trung và Thanh Trù. Bởi vậy, việc xây dựng NTM tập trung vào 2 xã này. Trước khi có chủ trương xây dựng NTM, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân với nhiều chính sách hỗ trợ đầy đủ, đồng bộ. Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho Vĩnh Yên triển khai, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Vĩnh Yên là trung tâm kinh tế, xã hội của tỉnh, nên điều kiện kinh tế của thành phố phát triển hơn các huyện khác. Thành phố tiếp tục xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nâng cao chất lượng tiêu chí NTM bao gồm nâng mức đạt chuẩn và phát triển nông thôn bền vững theo hướng: Đối với tiêu chí “động” thì tiếp tục giữ vững và duy trì. Đối với các tiêu chí còn lại thì nâng chuẩn cao hơn mức quy định của giai đoạn 2016 - 2020, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu theo định hướng của Trung ương.
Để xây dựng NTM trong điều kiện, tình hình mới, thành phố tiếp tục chỉ đạo 2 xã lựa chọn các thôn (mỗi xã chọn từ 1 đến 2 thôn) để thực hiện thôn dân cư NTM kiểu mẫu. Sau đó tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn.
Mặc dù việc triển khai xây dựng NTM của thành phố làm khá bài bản, có phong cách riêng. Tuy nhiên vẫn có sự trục trặc, chưa đồng bộ. Chương trình NTM của TP Vĩnh Yên đã được UBND tỉnh công nhận từ 2015 nhưng đến ngày 8/4/2019, Thủ tướng Chính phủ mới ra Quyết định số 376/QĐ-TTg công nhận TP Vĩnh Yên, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018, trong đó có 2/2 xã, đạt 100% số xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM theo quy định.