| Hotline: 0983.970.780

Noong Quài - những mùa ngô no ấm

Thứ Ba 26/12/2023 , 06:32 (GMT+7)

LAI CHÂU Vụ ngô thu đông 2023, ngô được mùa, đặc biệt giá ngô tăng cao (ngô tươi nguyên bắp thương lái mua tại dân giá 3.500 - 4.000đ/kg) nên bà con vùng cao rất phấn khởi.

Sự chuyển mình từ các giống ngô lai mới

Noong Quài là bản có 100% người Mông thuộc xã Ta Gia (huyện Than Uyên, Lai Châu), giáp với địa bàn huyện Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La. Điều kiện sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng bà con đang vươn lên giảm nghèo từ giống ngô lai năng suất cao.

Những nương ngô ở Noong Quài. Ảnh: Hồng Nhung.

Những nương ngô ở Noong Quài. Ảnh: Hồng Nhung.

Là bản người Mông ở xa nhất xã Ta Gia, đường đến bản phải qua sông, vượt đèo dốc quanh co, diện tích đất nông nghiệp hạn chế nên trước đây bà con ở Noong Quài gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Từ xa xưa, những hộ người Mông ở đây sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt, chăn nuôi tự cung tự cấp. Cây trồng chủ yếu trên diện tích nương nhỏ hẹp là sắn và lúa nương, ngô, diện tích lúa 2 vụ rất ít, cả bản có chưa đến 1ha lúa nước. Bà con trồng cây sắn, ngô là lương thực chính để ăn và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ năm 2017, bản Noong Quài được kéo điện lưới quốc gia. Việc có tivi, tiếp cận với khoa học kĩ thuật, giống mới giúp bà con rất tích cực trong sản xuất. Bà con nơi đây đã từng bước học tập kỹ thuật, đưa vào sản xuất nhiều giống ngô mới có năng suất cao, chống chịu tốt, cho giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng địa hình núi cao...

Bên cạnh giống ngô truyền thống, ngô lai đã trở thành cây lương thực chủ lực đem lại thu nhập chính cho người dân. Hiện các giống mới có năng suất, chất lượng cao được trồng chủ yếu tại đây là NK6253, CP 519, V-118… Cây ngô lai ở bản Noong Quài hiện đã trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa, cho hiệu quả cao.

Mùa này về Ta Gia, qua sông Nậm Mu đi lên núi, bạn sẽ thấy cả Ta Gia ngát xanh. Màu xanh của núi rừng, của những dải nương trồng cỏ voi, trồng sắn; màu xanh của lòng hồ thủy điện Huổi Quảng dưới chân núi; màu xanh của cỏ ở ven đồi và trải dài là màu đất nâu của nương ngô đã thu hoạch từ Noong Quài đến bản Kéo Ca (thuộc xã Mường Giôn của Quỳnh Nhai, Sơn La).

Vụ thu đông năm nay ngô được mùa, giá bán lại cao bà con ai cũng rất phấn khởi. Ảnh: Hồng Nhung.

Vụ thu đông năm nay ngô được mùa, giá bán lại cao bà con ai cũng rất phấn khởi. Ảnh: Hồng Nhung.

Chớm đông, mùa thu hoạch ngô đã về. Ngô vào mùa chín, bắp mẩy hạt, vàng ươm, hạt đềuu tăm tắp,

Tổng diện tích gieo trồng trong vụ thu đông năm 2023 ở Noong Quài theo kế hoạch chỉ đạo của UBND xã Ta Gia là 25ha, nhưng bà con đã tự mở rộng diện tích lên đến 30ha. Ở những nương được chăm sóc tốt, rất nhiều cây ngô cho 2 bắp/cây.

người dân tước vỏ bắp để bắp khô dần trên cây. Khi thân cây khô dần, bắp tròn căng, hạt khô 2/3 là lúc bà con chuẩn bị lu cở (gùi), bao tải và xe máy lên nương sẵn sàng bẻ ngô chở về nhà. Họ bẻ ngô đổ trên các tấm bạt lớn rồi đóng bao tải chở sang bản Kéo Ca.

Con đường gần 3km từ Noong Quài sang Kéo Ca nườm nượp xe máy chở ngô đi bán. Mùa này, cả bản đã vàng ngô trên nương, vàng ngô trên bạt. Ngô để dành cho gia súc, gia cầm được buộc lại thành những túm lớn, treo trên mái hiên nhà, chỉ ngẩng đầu lên là thấy cả một mùa no ấm...

Trước đây, bà con nông dân Noong Quài sử dụng giống ngô truyền thống địa phương, chủ yếu là ngô nếp để ăn, năng suất thấp, ngô tẻ trồng giống cũ cũng chỉ đạt năng suất trên dưới 20 tạ/ha, chỉ đủ phục vụ chăn nuôi trong hộ gia đình.

Ban đầu khi triển khai trồng các giống ngô lai giống mới như NK6253, CP 519, V-118..., cả bản chỉ có vài hộ trồng do bà con chưa tin tưởng vào hiệu quả kinh tế của giống mới. Nhưng đến nay, sau 2 vụ ngô năm 2022 và 2023, thấy rõ sự phù hợp của các giống ngô mới nên bà con đã tích cực gieo trồng, tự mở rộng diện tích canh tác. Họ giảm nhiều diện tích trồng sắn, chuyển toàn bộ sang trồng ngô.

Cơ hội cho cây ngô

Đầu vụ ngô thu đông năm 2023, bà con ở Noong Quài đã sẵn sàng chuẩn bị giống, phân bón, làm đất cho mùa vụ mới. Cán bộ xã và cán bộ thôn bản tích cực vận động bà con trồng ngô trên toàn bộ diện tích nương. Bà con nhân dân tích cực làm nương, vỡ đất, bón lót..., đến lúc xuống giống xong cả bản có tổng diện tích 30ha ngô (đạt gần 110% kế hoạch). Những hộ xuống giống ít nhất là 3kg ngô, cá biệt một số hộ gieo tới 40kg ngô giống. Tổng số giống đã gieo vụ này của bản là 630kg.

Có lẽ chưa khi nào, bà con người Mông ở Noong Quài lại có số tiền lớn như năm nay nhờ bán ngô. Ảnh: Hồng Nhung.

Có lẽ chưa khi nào, bà con người Mông ở Noong Quài lại có số tiền lớn như năm nay nhờ bán ngô. Ảnh: Hồng Nhung.

Thời tiết khá thuận lợi nên ngô vụ thu đông năm nay ở Noong Quài sinh trưởng phát triển rất tốt, năng suất trung bình (ngô tươi nguyên bắp) đạt hơn 8 tấn/ha, cao hơn so với năm trước khoảng 3 tạ/ha. Sản lượng chung toàn bản ước tính đạt trên 265 tấn. Năm nay do thị trường có nhu cầu rất cao nên thương lái từ Sơn La sang tận nơi đặt hàng, bà con chở xe máy sang bản Kéo Ca bán cho họ, giá ngô tươi nguyên bắp 3500 - 4000đ/kg, giúp bà con lãi khá và có thu nhập đáng kể. 

Dẫn chúng tôi đi thăm gia đình một số hộ sản xuất giỏi ở bản Noong Quài, anh Sùng A Khua, cán bộ xã Ta Gia vui mừng giới thiệu rất nhiều hộ có vụ ngô bội thu như anh Thào A Mang, Sùng A Chầu... thu hoạch được trên 20 tấn bắp, thu nhập đạt trên 65 triệu đồng. Gia đình anh Khua cũng có thu nhập trên 20 triệu đồng nhờ vụ ngô vừa qua.

Anh Sùng A Của, Trưởng bản Noong Quài cho biết: Bản có 44 hộ, dân thưa, là bản xa nhất xã Ta Gia, cũng là bản có diện tích đất trồng ngô nhiều nhất xã. Vụ ngô này, bản Noong Quài có 35 hộ trồng ngô thương phẩm để bán ra thị trường, còn lại các hộ neo người chỉ trồng đủ cho gia súc ăn. Bản thân gia đình anh Của cũng trồng hơn 3ha ngô, thu nhập trên 30 triệu đồng.

Năm nay giá ngô rất cao, thương lái từ Sơn La sang tận Noong Quài mua ngô. Ảnh: Hồng Nhung.

Năm nay giá ngô rất cao, thương lái từ Sơn La sang tận Noong Quài mua ngô. Ảnh: Hồng Nhung.

Hiện bà con trong bản đang thu hoạch nốt những nương ngô còn lại. Anh Của chia sẻ, nếu bỏ ra 5 - 6kg giống, với giá ngô giống 120.000đ/kg thì tổng số tiền giống trên dưới 700.000đ nhưng thu hoạch đạt 12 đến 13 triệu đồng. Sau 4 tháng gieo trồng, trừ tiền phân NPK bón lót và phân đạm bón khi cây cao khoảng 40cm thì bà con vẫn có lãi chừng 10 triệu/ha.

"Giờ bà con Noong Quài ăn gạo tẻ thôi, không phải ăn ngô nữa, ngô hạt bây giờ bán ra ngoài là chủ yếu, chỉ để lại một ít chăn nuôi thôi. Năm nay ngô được mùa, năng suất tăng hơn mọi năm, trồng ngô không quá tốn công chăm sóc mà có lãi rất cao nên bà con ai cũng phấn khởi. Nếu cây ngô cứ phát triển tốt như thế này thì các vụ tới, bà con sẽ lại tiếp tục lựa chọn các giống ngô lai năng suất cao để mở rộng thêm diện tích, sẽ trồng 2 vụ ở những nương có điều kiện phù hợp”, Trưởng bản Sùng A Của phấn khởi.

Ông Lò Văn Chài, Chủ tịch UBND xã Ta Gia cho biết, trước khi chỉ đạo xuống giống vụ ngô thu đông 2023, xã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị (xuống giống xong trước 15/7). Vụ này, bà con gieo trồng chủ yếu là giống ngô lai NK6253 vì khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với địa hình nương dốc như ở Noong Quài. Giống ngô này có bắp vừa phải, hạt đều, bắp đẹp và nặng hơn so với các giống ngô khác.

Mùa ngô ấm no bên những mái nhà Noong Quài Ảnh: Hồng Nhung.

Mùa ngô ấm no bên những mái nhà Noong Quài Ảnh: Hồng Nhung.

Với năng suất trung bình trên 8 tấn ngô bắp tươi/ha, cây ngô lai đang trở thành sản phẩm nông nghiệp đem lại thu nhập cao cho nông dân vùng cao Noong Quài. Những mùa ngô bội thu đã góp phần nâng cao sản lượng lương thực có hạt, đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm tại địa phương. Với tổng thu nhập ước tính gần 930 triệu đồng trong vụ ngô thu đông 2023, cây ngô đang góp phần không nhỏ đem lại sự ấm no, trù phú cho bản vùng cao Noong Quài của xã Ta Gia.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.