| Hotline: 0983.970.780

Nữ kỹ sư miệt mài nghiên cứu hơn 30 giống cây nuôi cấy mô

Thứ Sáu 15/09/2023 , 08:36 (GMT+7)

TIỀN GIANG Nữ kỹ sư trẻ 4 năm qua miệt mài nghiên cứu quy trình nhân giống cây trồng sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô cho trên 30 loại giống cây trồng, cây cảnh.

Chị Bùi Thị Kim Thanh (ngồi) thực hiện công đoạn cấy chuyền trong nuôi cấy mô. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Bùi Thị Kim Thanh (ngồi) thực hiện công đoạn cấy chuyền trong nuôi cấy mô. Ảnh: Minh Đảm.

Đầu tư tiền tỷ mở phòng thí nghiệm nuôi cấy mô

Nuôi cấy mô đang là xu hướng nhân giống có hiệu quả và phát triển trong những năm gần đây. Phương pháp này áp dụng công nghệ tế bào để nhân giống cây mới trong môi trường nhân tạo, giúp sản xuất nhanh và đồng loạt các giống cây trồng mà vẫn lưu giữ được hoàn toàn đặc tính của cây gốc, đồng thời khắc phục nhược điểm của các phương pháp nhân vô tính khác như chiết, ghép hay giâm cành.

Hơn 4 năm qua, chị Bùi Thị Kim Thanh (sinh năm 1992 ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã dành tâm huyết nghiên cứu quy trình nhân giống nhiều loại cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Hiện tại, trang trại Cây giống – Cây cấy mô 5Q của chị đã nhân giống thành công trên 30 loại cây trồng như khóm (dứa) MD2, hoa cúc, hoa lan (Phi Điệp, Dendro) và nhiều loại cây kiểng lá có giá trị khá cao.

Chị Thanh cùng chồng là anh Ngô Hùng Vũ (sinh năm 1993) cùng là nghiên cứu viên công tác tại Bộ môn Công nghệ sinh học, sinh lý, sinh hóa và sau thu hoạch thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam. Năm 2019, vì hoàn cảnh gia đình nên chị Thanh xin nghỉ công tác. Nhưng vì đam mê nghiên cứu, vợ chồng chị đã gom góp vốn liếng mở trang trại nhân giống cây trồng. Chị Thanh đảm nhận nhiệm vụ chính là tập trung nghiên cứu quy trình nhân giống cây trồng. Còn anh Vũ sau giờ công tác chuyên môn tại Viện sẽ phụ vợ lo trông nom, chăm sóc cây ngoài nhà lưới.

Chuẩn bị cấy ra rễ. Ảnh: Minh Đãm.

Chuẩn bị cấy ra rễ. Ảnh: Minh Đãm.

Chị kể những ngày đầu mở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn áp lực bởi nhiều giống cây chị chưa từng nghiên cứu bao giờ. Chị phải lặp đi lặp lại các thí nghiệm mới ra được quy trình chuẩn, ổn định. Đến nay đã hơn 3 năm, chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất và nghiên cứu quy trình nhân giống nuôi cấy mô của vợ chồng chị Thanh đã hơn 2 tỷ đồng.

Cả năm mới nghiên cứu thành công một quy trình

Để có được sản phẩm cây giống hoàn chỉnh bằng phương pháp nuôi cấy mô cần trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là tìm nguồn cây mẹ sạch bệnh, chất lượng tốt rồi tiến hành nhập mẫu, khử trùng mẫu. Sau đó, sẽ tiến hành tạo chồi, nhân số lượng chồi. Sau giai đoạn nhân số lượng sẽ cấy chuyền, tách từng cây trong giai đoạn nhân chồi ra. Tiếp theo là giai đoạn cấy ra rễ và cuối cùng là tiến hành một số thao tác chuẩn bị đưa cây ra ngoài vườn ươm.

Các bước khử trùng mẫu, tạo chồi, nhân nhanh số lượng, cấy rễ được thực hiện trong phòng cấy mô (môi trường in vitro) được thực hiện trong thời gian dài từ vài tháng đến hơn 1 năm. “Khi nghiên cứu được hóa chất, nồng độ, thời gian thích hợp thì thực hiện sẽ rất nhanh, còn ban đầu chưa biết, chưa từng làm qua giống nào đó sẽ mất hơn 1 năm để thực hiện nhiều thí nghiệm”, chị Thanh nói.

Chị tiếp tục giải thích, để khử trùng mẫu, chị phải thử nhiều loại hóa chất, thử thời gian, cẩn thận ghi nhớ từng thao tác để đảm bảo mẫu sạch bệnh, không bị nhiễm nấm, không bị nhiễm khuẩn đồng thời phải sống khỏe.

Cấy mô sản phẩm kiểng lá. Ảnh: Minh Đảm.

Cấy mô sản phẩm kiểng lá. Ảnh: Minh Đảm.

Sang giai đoạn tạo chồi, nhân số lượng vẫn phải thử môi trường để bổ sung chất điều hòa sinh trưởng với nồng độ thích hợp, không được ít quá (mô lên số chồi thấp), nếu nồng độ quá cao chúng sẽ biến thành mô sẹo hoặc đơ mẫu.

Tới giai đoạn tạo rễ, có những cây đơn giản như cúc thì không cần phải bổ sung chất điều hòa sinh trưởng vẫn ra rễ rất nhiều, nhưng có nhiều loại cây như cây tre, lan, cây thân gỗ rất khó tạo rễ nên cần phải bổ sung chất điều hòa sinh trưởng ở nồng độ thích hợp thì mới ra rễ được.

Bước cuối cùng là đưa cây ra vườn ươm để thích nghi dần với điều kiện tự nhiên. Khi đưa cây ra vườn ươm, tùy theo giống, có những cây chỉ cần chăm sóc khoảng 1,5 tháng là có thể đưa ra trồng, nhưng cũng có những cây phải mất đến 3 tháng (như hoa lan) mới có thể xuất bán cho người dân.

Từ lúc ra rễ trong phòng cấy mô đến khi ra môi trường nhà lưới, tùy từng loại cây mà tỷ lệ sống dao động từ 80% trở lên như cây cúc (95%), sống đời (95%), lan (90%), cúc đồng tiền (80 - 90%)…

Khóm là cây trồng quan trọng ở huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang). Giống khóm nuôi cấy mô của chị Thanh đã cung cấp cây giống chất lượng cho địa phương này. Ảnh: Minh Đảm.

Khóm là cây trồng quan trọng ở huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang). Giống khóm nuôi cấy mô của chị Thanh đã cung cấp cây giống chất lượng cho địa phương này. Ảnh: Minh Đảm.

Giống sạch bệnh với giá cả phải chăng

Theo chị Thanh, cây giống cấy mô có 3 ưu điểm được người dân quan tâm lựa chọn là chuẩn giống, sạch bệnh và tạo ra sản lượng lớn với chất lượng đồng đều. Trước đây, người nông dân địa phương, nhất là nông dân trồng hoa kiểng ở TP Mỹ Tho chưa tiếp cận được với nguồn cây giống cấy mô sạch bệnh, uy tín. Từ đó đã thôi thúc chị khởi nghiệp bằng những kiến thức, kinh nghiệm đã được đào tạo, trau dồi trong thời gian còn làm khoa học với mong muốn mang lại giá trị cho xã hội thông qua giảm chi phí sản xuất, cung cấp sản phẩm uy tín, chất lượng cho nông dân.

Nhờ tận dụng lợi thế mặt bằng sẵn có của giá đình nên giá bán sản phẩm được cơ sở tính gần sát với chi phí sản xuất nhằm tạo điều kiện cho bà con tiếp cận tốt hơn với cây giống đảm bảo chất lượng với giá phải chăng.

Sản phẩm của chị được bà con nông dân địa phương tín nhiệm cao bởi chất lượng tốt và giá bán thấp hơn so với mặt hàng cùng loại trên thị trường. Chẳng hạn như đối với mặt hàng hoa cúc đồng tiền, sản phẩm được cung cấp từ TP Đà Lạt về đến Tiền Giang có giá bán khoảng 5.500 – 6.000 đồng/cây, tại cơ sở của chị giá bán chỉ có 4.000 – 4.500 đồng/cây. Hay như cây sống đời nhiều nơi bán giá khoảng 4.000 đồng/cây thì tại cơ sở này chỉ 3.000 đồng/cây…

Anh Ngô Hùng Vũ (áo trắng) phụ trách chăm sóc giống cây kiểng ngoài nhà lưới. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Ngô Hùng Vũ (áo trắng) phụ trách chăm sóc giống cây kiểng ngoài nhà lưới. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện tại, trang trại của vợ chồng nữ kỹ sư 9X đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là những lao động trẻ có cùng đam mê nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, còn có nhiều việc làm không thường xuyên với mức thu nhập từ 200.000 đồng/lao động nữ, 350.000 đồng/lao động nam.

“Vợ chồng mình hướng các bạn trẻ cùng nhau phát triển, ngoài lương ra mình còn thưởng thêm cho các bạn làm việc ở đây sau mỗi chuyến xuất hàng. Mình cũng hi vọng cơ sở sẽ tạo thêm được nhiều việc làm cho bà con nông dân địa phương”, anh Ngô Hùng Vũ nói.

Qua 4 năm nghiên cứu, năm nay chị Thanh mới chính thức cho ra lò khoảng vài chục nghìn cây giống cấy mô các loại. Mục tiêu của chị sang các năm tới sẽ tăng sản lượng từ 300 – 400 nghìn/cây/năm. Ngoài ra, cơ sở Cây giống – Cây cấy mô 5Q của vợ chồng chị Thanh – anh Vũ định hướng sẽ tích cực hoàn thiện sản phẩm cấy mô các giống lan Phi Điệp, khóm MD2 và một số kiểng lá để tham gia bình chọn, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, cơ sở này định hướng sẽ cùng hợp tác với bà con nông dân địa phương phát triển theo mô hình kinh tế tập thể để nâng cao sản lượng sản xuất.

Nhiều lao động có việc làm nhờ mô hình khởi nghiệm của đôi vợ chồng trẻ. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều lao động có việc làm nhờ mô hình khởi nghiệm của đôi vợ chồng trẻ. Ảnh: Minh Đảm.

"Cơ sở chúng tôi sẽ sản xuất cây giống, bà con thành viên có đất rộng sẽ nhận chăm sóc theo quy trình hướng dẫn của cơ sở, sau đó chúng tôi sẽ thu mua trở lại cây giống cho bà con để xuất bán ra thị trường", anh Vũ cho biết về hướng phát triển sắp tới.

Mô hình sản xuất giống cây giống cấy mô của vợ chồng chị Thanh - anh Vũ không chỉ cung cấp cho bà con cây giống đảm bảo chất lượng với giá phải chăng, góp phần thúc đẩy sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho bà con, mà còn giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao. 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).