Người khơi lại đam mê vũ điệu Arya huyền thoại cho đồng bào Chu Ru là nữ nghệ nhân Touneh Ma Bio, ở làng Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Không chỉ thế, bà Ma Bio còn giỏi nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Chu Ru.
Cháy mãi ngọn lửa đam mê
Năm nay bước sang tuổi 63, nghệ nhân Ma Bio sinh ra và lớn lên trong gia đình 6 anh chị em ở buôn Diom A, bên dòng Đạ Nhim huyền thoại. Chủ nhân bao đời của vùng đất này là đồng bào Chu Ru, một trong những tộc người có kho tàng đồ sộ về văn hoá, âm nhạc truyền thống. Đó là những bộ cồng, chiêng, trống, rơkel (kèn bầu, hay còn gọi kèn đing năm), những vũ điệu Tamya (múa) huyền thoại như Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Damtơra... Tuổi thơ của Touneh Ma Bio gắn liền với không gian văn hóa lễ hội buôn làng.
Ngay từ khi còn chênh chao trên lưng mẹ, cô gái miền sơn cước đã được thụ hưởng sinh khí buôn làng và lớn lên giữa không gian văn hóa mê đắm hồn người, đã “thấm” dần vào huyết quản những lời ru, câu hát, những nhịp chiêng, âm điệu rơkel du dương, trầm bổng. Có lẽ vì thế, lên tám tuổi, đôi tay nhỏ xíu của Ma Bio đã gõ đúng nhịp chiêng, đôi chân đã bước theo đúng nhịp trống hòa cùng điệu tamya của trai gái trong làng một cách rất tự nhiên, khiến ai nấy vô cùng ngạc nhiên. Đến khi trở thành một thiếu nữ, Ma Bio đã nổi tiếng khắp vùng bởi nhịp chiêng quyến rũ và điệu múa mê hoặc lòng người.
Sau khi đất nước giải phóng, đời sống kinh tế khó khăn, hầu hết người dân không còn thời gian dành cho giải trí. Ai nấy chật vật với việc mưu sinh. Hầu hết các loại nhạc cụ xếp vào kho, bán rẻ lấy tiền trang trải sinh hoạt… Khi cái nghèo, cái đói lùi dần thì cồng chiêng “chảy máu”, những vũ điệu truyền thống cùng chung số phận với kho nhạc cụ cổ, bị lãng quên dần.
Mặc dù vậy, niềm đam mê âm nhạc truyền thống Chu Ru chưa bao giờ nguôi ngoai trong con người Ma Bio! Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, ở nhà hay trên nương, ngoài bờ suối, chỉ cần rảnh tay là bà lại nhớ đến tamya, những vũ điệu, và âm thanh của chiêng, trống, rơkel…
Sau hơn 20 mùa rẫy miệt mài luyện tập, Ma Bio trở thành người phụ nữ Chu Ru duy nhất sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống, từ chiêng, trống, tấu lơkel, thuần thục vũ điệu Arya. Đặc biệt, bà còn biết chỉnh chiêng, một công việc rất ít người làm được. Bà cũng là người am hiểu sâu tất cả các loại nhạc cụ, về nền văn hoá truyền thống Chu Ru.
“Tamya là múa. Còn Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Damtơra... là các vũ điệu. Đối với người Chu Ru, trong các dịp lễ hội dù lớn hay nhỏ, khi âm thanh của chiêng ba, tiếng sơgơr gơnang và rơkel vang lên thì mọi người cùng hòa nhịp tamya. Đó là sự giao hòa âm dương, biểu hiện của sự tương giao bền chặt”, nghệ nhân Ma Bio nói.
Trong các vũ điệu của người Chu Ru, T’rumpô là vũ điệu thiêng (múa tín ngưỡng), một nghi thức mời gọi thần linh về chứng giám và nhận lễ vật mà buôn làng hay dòng tộc đã dâng cúng trong các lễ cúng thần: thần Mương nước (Rơ Bông), thần Lúa (Mơ Nhum), thần Đập nước (Bơ Mung), thần cây cổ thụ (YangWer) hoặc lễ cúng tổ tiên (Pơ khi mô cay) và lễ bỏ mả (Pơthiatơu)… Còn Arya là một vũ điệu dân gian cổ của người Chu Ru. Arya dành cho các cuộc vui của hầu hết các lễ hội và những sự kiện trọng đại của đời người từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh cho đến lễ bỏ mả.
“Muốn “thẩm” được cái hồn của các vũ điệu Chu Ru, phải lên núi thiêng K’Lơl, ra bờ suối khóc Đa Nhim hoặc đến thác nước kêu ở bản K’Băm. Ở đó, con người hoà mình với thiên nhiên, những giai điệu rơkel, cồng chiêng, hay những vũ điệu tamya mới lay động núi rừng, thần linh”, bà Ma Bio nói.
Ma Bio bảo, nghe nghệ nhân tấu chiêng, nhìn các vũ điệu Chu Ru, thấy đơn giản vậy, nhưng kỳ thực, phải khổ luyện nhiều năm, nhiều mùa rẫy lắm. Tamya được sinh ra trên nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình diễn “ngôn ngữ hình thể” không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng ngân dài mà vắng điệu vũ dân gian thì sẽ “lạc phách”, giống như một người không thể tự sinh con.
Truyền lửa đam mê
Khi mặt trời khuất sau đỉnh Iamơnhi, màn đêm buông xuống, ngọn lửa thiêng được thắp lên, đêm hội Chu Ru ở làng Diom A bắt đầu.
Sau khi những ché rượu cần vơi dần, gương mặt các sơn nữ bắt đầu ửng hồng, ánh mắt long lanh dưới ánh lửa bập bùng, soi sáng một góc đại ngàn. Âm ba của sár, sơgơr quyện hòa cùng điệu rơkel xuyên qua màn đêm, vang xa tận đỉnh núi. Những thiếu nữ bắt đầu đứng lên, vòng quanh đống lửa, trình diễn vũ điệu Arya. Ban đầu, động tác múa của các sơn nữ chậm, dịu dàng, thanh thoát, duyên dáng. Càng về sau, âm nhạc nhanh hơn, động tác của họ cũng nhanh hơn, toàn thân họ lắc uyển chuyển, mềm mại, và cả nét hoang dại. Nhìn các sơn nữ biểu diễn Arya, tôi chợt liên tưởng đến vũ điệu Apsara các nàng tiên Apsara múa phục vụ các vị thần linh trong truyền thuyết Hindu.
“Arya là vũ điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển gồm những bước di chuyển ngắn, nhịp nhàng, phối hợp giữa co và duỗi chân tay, nhún nhảy đung đưa thân mình. Là vũ điệu có tính cộng đồng cao, động tác có vẻ đơn giản nên mọi người, kể cả người chưa từng tập luyện, đều có thể hòa nhịp. Nhưng, đó chỉ là tham gia cộng đồng, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó. Còn để múa đẹp thật sự, lột tả hết nét quyến rũ của Arya, phải kỳ công tập luyện nhiều mùa rẫy. Khi đó, đôi tay của người múa phải đưa lên đúng nhịp chiêng, đôi chân bước theo đúng nhịp trống. Toàn thân uyển chuyển, từ ánh mắt, miệng, đặc biệt là đôi bàn tay, ngón tay… tất cả đều có ngôn ngữ riêng trong từng nhịp múa”, bà Ma Bio nói.
Bà Ma Bio nói, mỗi vũ điệu của người Chu Ru có một sắc thái riêng, mang đậm bản sắc dân tộc. Trong mỗi bước đi, điệu nhảy đều thể hiện tính nghệ thuật, khát vọng sống mãnh liệt, tinh thần lạc quan yêu đời của con người. Đó còn là sự giao thoa giữa 2 thế giới, hiện tại và siêu nhiên, giữa con người và thần linh.
Trải qua bao năm tháng, những vũ điệu Tamya đã trở thành nét văn hóa cổ độc đáo, là niềm kiêu hãnh, tự hào của của người Chu Ru. Tuy nhiên, đã có một khoảng thời gian dài, vũ điệu Arya đã có lúc bị lãng quên. “Một thời gian dài, buôn làng vắng điệu vũ, tiếng chiêng, mọi người ai cũng phải bươn chải lo miếng cơm, manh áo, chẳng có thời gian quan tâm đến múa hát, âm nhạc truyền thống nữa. Còn lớp trẻ thì chỉ thích âm nhạc hiện đại. Mình buồn lắm, lo văn hoá truyền thống dân tộc Chu Ru mình sẽ mất”.
Năm 2007, bà Ma Bio đã thắp lên ngọn lửa đam mê âm nhạc truyền thống trong cộng đồng người Chu Ru ở Lâm Đồng, mở lớp dạy vũ điệu Arya, chiêng, rơkel cho con cháu trong dòng họ. Sau đó, bà kêu gọi thêm những đứa trẻ khác đến học.
Cũng giống như những năm tháng luyện tập múa, hát, sử dụng nhạc cụ, bà Ma Bio cứ âm thầm, nhưng kiên trì truyền dạy mọi thứ cho lớp trẻ. Đến nay, tất cả con cháu trong thôn ở thôn Diom A đều thành thạo những bài hát, điệu múa và biết đánh chiêng, thổi rơkel.
“Ban đầu tụi nhỏ chê nhạc truyền thống lạc hậu, khó hiểu, nên lười học, đến khi nhóm trẻ đầu tiên biết tấu chiêng, nhảy múa thuần thục, đi biểu diễn và đoạt giải thì những trẻ khác mới hào hứng học. Bây giờ thì nhiều đứa học giỏi, đam mê nữa. Mình hạnh phúc lắm”, nghệ nhân Ma Bio nói.
“Arya là nhịp chiêng đồng thời là vũ điệu cơ bản và đặc sắc nhất của người Chu Ru, được cộng đồng lưu giữ, phát triển đến chuẩn mực. Arya vốn không thể thiếu trong lễ hội và những sự kiện trọng đại trong suốt cuộc đời mỗi con người.
Các điệu múa Tamya được biểu diễn trên nền những bài chiêng cổ của người Chu Ru. Mỗi điệu múa gắn với một bài chiêng, hoặc hợp tấu của sar (chiêng), sơgơr, lơkel. Vũ điệu và bài chiêng là hai mảnh ghép không thể tách rời”, ông Tou Prong Dzung - nhà nghiên cứu văn hóa Chu Ru.