| Hotline: 0983.970.780

‘Cây đại thụ’ miền biên viễn

Những nghệ nhân Nông Kerr’pu cuối cùng

Chủ Nhật 04/07/2021 , 08:27 (GMT+7)

Nông Kerr’pu là cây kèn được chế tác từ sừng trâu. Khi biểu diễn, phải kết hợp với cồng, chiêng.

Không chỉ hiểu biết rộng, được dân làng kính trọng, họ còn là những “từ điển sống” về phong tục tập quán, văn hoá truyền thống, đặc biệt là các loại nhạc cụ dân tộc.

Đó là những già làng, những nghệ nhân của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Phước, Tây Nguyên.

Nông Kerr’pu là một trong những nhạc cụ vô cùng độc đáo của người S’tiêng.

Tiếng lòng của người S’tiêng

Chúng tôi tìm về thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, gặp nghệ nhân Điểu Hoi giữa lúc ông đang ngồi, mân mê trên tay 1 trong 6 cây Nông Kerr’pu. Ông là một trong 2 nghệ nhân còn lại của cả tỉnh Bình Phước hiện nay biết chế tác, sử dụng Nông Kerr’pu.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Điểu Hoi cho biết, không ai biết Nông Kerr’pu có từ khi nào. Chỉ biết tổ tiên người S’tiêng đã gắn liền với nó. Như hạt lúa, hạt ngô mọi người ăn hàng ngày, như bếp lửa nhà sàn, như tiếng cồng tiếng chiêng ngày lễ hội vậy. Nông Kerr’pu ban đầu là dùng để bẫy và xua đuổi thú dữ, là phương tiện kết nối tâm linh giữa người với thần linh.

Và cũng không ai biết từ khi nào, nó trở thành thứ để diễn tả những cung bậc cảm xúc của con người trong lao động sản xuất, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và trong tình yêu đôi lứa, trở thành một thành viên không thể thiếu trong dàn diễn tấu của cồng chiêng, kèn bầu hay đàn đinh jút ở những lễ hội Mừng lúa mới, mừng nhà mới, đâm trâu... của cộng đồng S’tiêng.

Nông Kerr’pu là loại nhạc cụ không chỉ độc đáo, mà còn rất khó chế tác, và không dễ điều khiển để có những âm thanh mê hoặc lòng người. Vì thế, Nông Kerr’pu đang đứng trước nguy cơ thất truyền vì còn rất ít người biết chế tác, sử dụng.

Nghệ nhân Điểu Hoi, người duy nhất còn biết chế tác nhạc cụ Nông Kerr’pu của người S'tiêng. Ảnh: Phúc Lập.

Nghệ nhân Điểu Hoi, người duy nhất còn biết chế tác nhạc cụ Nông Kerr’pu của người S'tiêng. Ảnh: Phúc Lập.

“Bộ Nông Kerr’pu của người S’tiêng gồm có 6 cái, mỗi cái lại có kích cỡ khác nhau, và thanh âm cũng khác nhau, tương thích với thanh âm của bộ cồng hay chiêng 6 cái. Để làm 1 bộ Nông Kerr’pu “đúng chuẩn”, phải có bộ sừng trâu 6 cái kích cỡ khác nhau. Đây là một điều mà không phải ai cũng làm được, bởi muốn có 6 cái sừng trâu, có khi phải mất vài năm, tùy thuộc điều kiện kinh tế.

Sau khi có đủ bộ sừng mới bắt đầu chế tác. Sừng trâu được hơ trên lửa nóng, sau đó dùng mũi dao côi (một loại dao nhỏ thường được giắt bên thắt lưng mỗi khi đi rừng - PV) cạ cho mỏng dần theo ý mình. Để thang âm Nông Kerr’pu trong veo như tiếng suối, thanh thoát như tiếng chim, trầm hùng như voi rống, người chế tác phải có kinh nghiệm thưởng âm, có đôi tai thính nhạy, đôi tay khéo léo gọt giũa cây kèn. Độ dày mỏng, dài ngắn của bộ kèn khác nhau, sẽ cho ra cung bậc, âm thanh khác nhau.

Đặc biệt, Nông Kerr’pu khác các loại nhạc cụ cũng được chế tác từ sừng trâu của đồng bào vùng Tây Nguyên ở chỗ nó được khoan lỗ ngay giữa thân. Ngoài ra, bên trong kèn còn có một thanh “lưỡi gà”, được làm từ một thanh cật tre già chuốt mỏng, gọi là Tơm kla, gắn vào thành kèn bằng sáp ong đất rừng. Thanh lưỡi gà có công dụng tạo độ rung của thang âm. Do thanh âm của kèn sừng trâu phụ thuộc vào thanh âm của cồng, chiêng, nên ngoài kỹ thuật, thì người chế tác kèn phải am tường về cồng chiêng. Do vậy, mỗi bộ kèn sừng trâu chỉ tương thích với một bộ cồng hoặc một bộ chiêng. Ngay cả đàn đinh Put có 6 dây, kèn bầu 6 ống cũng đều dựa trên nền tảng thang âm 6 chiếc cồng hoặc 6 chiếc chiêng”, nghệ nhân Điểu Hoi thuyết trình về quá trình chế tác Nông Kerr’pu.

Trong Lễ Mừng lúa mới của đồng bào S'tiêng, ngoài chiêng còn có Nông Kerr’pu, nhưng không còn mấy người có thể biểu diễn phối hợp giữa chiêng và Nông Kerr’pu được. Ảnh: Phúc Lập.

Trong Lễ Mừng lúa mới của đồng bào S'tiêng, ngoài chiêng còn có Nông Kerr’pu, nhưng không còn mấy người có thể biểu diễn phối hợp giữa chiêng và Nông Kerr’pu được. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù chế tác và biểu diễn Nông Kerr’pu rất giỏi, nhưng nghệ nhân Điểu Hoi không thể kết hợp vừa thổi Nông Kerr’pu vừa đánh chiêng. “Mấy mươi năm trước, đất nước chiến tranh, làm gì có điều kiện mà biểu diễn, lễ hội. Khi thống nhất, khó khăn chồng chất, mọi người lao vào lo cơm áo gạo tiền, còn thời gian đâu. Bây giờ hết đói khổ rồi, phải khôi phục lại những giá trị tinh thần cha ông để lại, nếu không thì rất có lỗi với tiền nhân, với hậu thế”, nghệ nhân Điểu Hoi nói.

Nỗi lo thất truyền

Rời nhà Điểu Hoi, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Điểu Kiêu ở sóc Bù Gia Phú, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Năm nay đã bước sang tuổi 87, ông Điểu Kiêu là người duy nhất biết biểu diễn Nông Kerr’pu phối hợp với chiêng. Ông đang nỗ lực truyền dạy lại tất cả những gì tích cóp cả đời về Nông Kerr’pu cho lớp trẻ.

Nghệ nhân Điểu Kiêu (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn đội nhạc tuyền thống xã Phú Nghĩa diễn tấu chiêng phối hợp Nông Kerr’pu. Ảnh: Phúc Lập.

Nghệ nhân Điểu Kiêu (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn đội nhạc tuyền thống xã Phú Nghĩa diễn tấu chiêng phối hợp Nông Kerr’pu. Ảnh: Phúc Lập.

Nghệ nhân Điểu Kiêu cho biết, một điểm đặc biệt của Nông Kerr’pu, là khi biểu diễn, bộ 6 cây kèn phải “hợp âm” với dàn cồng chiêng 6 cái. Vì thế, để chế tác được Nông Kerr’pu đã khó, sử dụng nó còn khó hơn. Nhất là dàn nhạc phải bao gồm 6 người, mỗi người phải sử dụng thành thạo cả Nông Kerr’pu (ngậm trên miệng) và chiêng (2 tay) là rất khó. Chưa kể, vừa biểu diễn tay, miệng, vừa phải thành thạo các điệu múa theo nhạc.

“Nông Kerr’pu là loại nhạc khí độc đáo riêng có của người S’tiêng, phương pháp diễn tấu khác lạ. Sự độc đáo của Nông Kerr’pu là khi biểu diễn với chiêng, một người phải cùng lúc sử dụng cả hai nhạc cụ này. Khi biểu diễn người đánh sẽ đeo chiêng vào vai trái, dùng tay phải đánh vào mặt chiêng còn Nông Kerr’pu được đeo trên đầu, miệng ngậm vào lỗ hơi để thổi và cứ tay đánh bài chiêng nào thì miệng lại thổi bài chiêng đó, nhịp điệu và tiết tấu phải rất nhịp nhàng với nhau. Khi biểu diễn, có thể ngồi, xếp hàng ngang hoặc đi vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Thường thì người S'tiêng chỉ diễn chiêng, ít khi phối hợp với các nhạc cụ khác, nhưng khi biểu diễn chiêng chung với Nông Kerr’pu thì thực sự là một sự kết hợp diễn tấu không có sự độc đáo nào bằng! Đây là nét khác biệt trong nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng giữa người S’tiêng với các tộc người khác vùng Tây Nguyên”, nghệ nhân Điểu Kiêu nói.

“Bên ngọn lửa rừng, trăng mờ có rõ. Tố rượu cần anh uống đợi đêm đi qua. Trên nương kia, lúa chín vàng bát ngát. Trên cây cao, chim hót mừng lúa mới. Dưới sông xanh, cá vui đùa gọi mùa. Trời trong xanh, lúa càng thêm xanh. Bản làng ta đang mừng vui lúa mới”, nghệ nhân Điểu Kiêu ngâm nga, rồi “ví von”, khi ngậm kèn lên miệng, những âm thanh cất lên, cảm giác như đang vẽ một bức tranh thiên nhiên sống động của núi rừng bằng âm thanh.

Theo nghệ nhân Điểu Hoi, để làm được 1 bộ Nông Kerr’pu 'đúng chuẩn', người chế tác phải có kinh nghiệm thưởng âm, có đôi tai thính nhạy, đôi tay khéo léo. Ảnh: Phúc Lập.

Theo nghệ nhân Điểu Hoi, để làm được 1 bộ Nông Kerr’pu “đúng chuẩn”, người chế tác phải có kinh nghiệm thưởng âm, có đôi tai thính nhạy, đôi tay khéo léo. Ảnh: Phúc Lập.

“Việc tập luyện có khó không chú?”, tôi hỏi. “Khó lắm, vì phải kết hợp cả hai loại nhạc với nhau cùng lúc, miệng thì ngậm và thổi Nông Kerr’pu còn tay lại phải đánh chiêng và làm phải đúng nhịp nên hơi khó. Ngày xưa, người S’tiêng biết Nông Kerr’pu nhiều lắm. Nhưng mấy chục năm nay không ai thổi nên ngày càng hiếm người biết thổi. Việc chế tác cũng khó vô cùng. Để làm được bộ kèn chuẩn, phải cần ít nhất 3 người am hiểu thanh âm của chiêng với tiếng Nông Kerr’pu phối hợp cùng nhau. Hiện giờ tôi đang tập trung tập luyện cho mọi người, nhất là các cháu thanh thiếu niên, ai muốn học tôi sẽ cố gắng hết sức để chỉ. Hiện nay, đội cồng chiêng đã tập luyện thành thạo 2 bài chiêng kết hợp Nông Kerr’pu rồi”, nghệ nhân Điểu Kiêu nói.

“Tất cả các dân tộc sống ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ đều có kèn sừng trâu, người Ba Na gọi là Kei Diêp, người M’nông gọi là Nong Kdôl, người Ê Đê gọi là Ke Kr’păh... Tất cả đều biểu diễn độc lập. Nhưng riêng người S’tiêng thì có điểm khác lạ, đó là khi biểu diễn Nông Kerr’pu, họ kết hợp cả một dàn nhạc 6 người, và 1 người phải cùng lúc biểu diễn 2 nhạc cụ. Người S’tiêng dùng đôi tay của mình để chặn, ngắt tiếng cồng chiêng mà không dùng dùi như các tộc người Tây Nguyên đã là một nét riêng độc đáo. Nếu kết hợp cồng chiêng với kèn sừng trâu, hay đàn bầu, đàn đinh jut để diễn tấu thì không có sự độc đáo nào bằng”, nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc người Ba Na - nhạc sỹ Kpa Y Lăng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.