Theo ghi nhận mới nhất, mực nước tại đập Tam Hiệp và hồ chứa cùng tên trên sông Dương Tử ở miền Nam Trung Quốc đang nhích gần đến mức tối đa sau các trận mưa xối xả làm tăng lưu lượng lên mức cao kỷ lục.
Trước đó, hôm 20/8 với lưu lượng 75.000 mét khối trên mỗi giây đổ về đập Tam Hiệp, đã làm mực nước tại hồ chứa đạt mức 165,6 mét (543 feet) tính đến sáng thứ Sáu (21/8), cao hơn hơn 2 mét (6,6 feet) chỉ sau một đêm và cao hơn xấp xỉ 20 mét (65,6 feet) so với mức cảnh báo chính thức.
Trong khi đó, độ sâu thiết kế tối đa của hồ chứa Tam Hiệp là 175 mét (574 feet). Điều đó đã buộc các nhà chức trách Trung Quốc phải gia tăng lưu lượng xả lên mức kỷ lục là 48.800 mét khối mỗi giây vào hôm qua nhằm cố gắng hạ thấp mực nước, cũng như đề phòng khả năng xảy ra tràn đập hoặc các nguy nguy cơ khác.
Desiree Tullos, giáo sư tại Đại học bang Oregon (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu dự án đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới, cho biết: “Họ sẽ phải làm mọi cách có thể để ngăn nước lũ tràn đập bởi đây là trường hợp xấu nhất vì nó gây ra thiệt hại to lớn và có thể dẫn đến vỡ đập".
Theo giới chức Trung Quốc, lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang) đã cao hơn gấp đôi so với mức trung bình trong mùa mưa năm nay. Tính đến cuối tuần trước, 63 triệu người dân Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, gây thiệt hại kinh tế gần 180 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD).
Dự án đập Tam Hiệp được hoàn thành vào năm 2012, được thiết kế không chỉ để tạo ra điện mà còn để điều tiết và giảm nguy cơ lũ lụt ở các địa phương nằm trong lưu vực sông Dương Tử, nguyên nhân của nhiều trận lũ lụt kinh hoàng trong suốt lịch sử của Trung Quốc.
Theo số liệu của chính phủ, các đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc đã giữ lại hơn 100 tỷ mét khối nước lũ trong năm nay và là tấm khiên chắn lũ giúp cho 18,5 triệu cư dân không phải đi sơ tán. Các quan chức cho biết chỉ riêng dự án đập Tam Hiệp đã cắt giảm tới 34% lượng nước lũ ở hạ lưu.
Tuy nhiên những người phản đối siêu dự án cho rằng khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp vẫn còn hạn chế và nó thậm chí còn có thể khiến cho vấn đề môi trường trong khu vực trở nên tồi tệ hơn trong dài hạn.