Mưa lũ nghiêm trọng ở Trung Quốc cũng đã khiến nhiều người nghi ngờ về tính “vĩnh cửu” của đập Tam Hiệp khi công trình thủy điện khổng lồ này phải đối mặt với thử thách được cho là lớn nhất trong lịch sử. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng đặt ra những dấu hỏi về mục đích kiểm soát lũ của cấu trúc công trình này...
Hôm thứ Ba tuần này, trang tin tài chính Trung Quốc Caijing Lengyan đã đăng tải một đoạn video gây tranh cãi mô phỏng điều tồi tệ nhất xảy ra nếu đập Tam Hiệp sụp đổ. Theo đó, đoạn video cho thấy những thông số như dòng nước hung dữ có thể đạt vận tốc 100km/h cũng như dòng xoáy và ngọn sóng của nước lũ cao tới 100m.
Khởi đầu đoạn video là mô tả chiều cao của đập Tam Hiệp là 181 m so với mực nước biển, chiều dài thân đập là 2.355 m và mực nước hồ chứa lúc bình thường là 175 m với công suất 39,3 km3. Khi xảy ra sự cố vỡ đập, đoạn video cho thấy con đập bê tông khổng lồ đã bị sụp đổ nhanh chóng dưới áp lực của dòng nước lũ.
Sau khi đăng tải thu hút rất nhiều sự chú ý từ dư luận, trang tin đã phải đưa ra tuyên bố "dữ liệu trong video chỉ là ước tính mô phỏng và không phải để tham khảo thực tế".
Do khoảng cách từ đập Tam Hiệp (công suất 22.500MW) đến thành phố hạ lưu Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc chỉ có 50 km nên video dự đoán trong vòng 30 phút sau khi đập vỡ, thì con đập Gezhouba (công suất 2.715MW) cũng sẽ bị dòng nước lũ cao 20 m nghiền nát và nhấn chìm thành phố Nghi Xương ngập sâu dưới 10 m nước với tốc độ dòng chảy đạt 70 km/giờ.
Trong đoạn mô phỏng tiếp theo, sau khi dòng nước lũ đi qua thành phố Nghi Xương, nó tiếp tục di chuyển dọc theo sông Dương Tử và nhấn chìm các làng mạc với tốc độ tối thiểu 60 km/giờ. Chiều cao của lũ ở giai đoạn này là khoảng 15-20 m.
Khi nước lũ được phân tán khắp vùng đồng bằng, độ cao dòng nước sẽ giảm xuống còn khoảng 8 m và tốc độ còn 25 km/giờ. Tuy nhiên, dòng chảy ở sông Dương Tử vẫn sẽ duy trì vận tốc 35 km/giờ.
Dòng lũ sau đó sẽ đổ vào thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc và một phần sẽ thoát ra khỏi kênh chính và tiến thẳng đến Vũ Hán. Trong vòng năm giờ sau khi đập Tam Hiệp bị vỡ, nước lũ được dự đoán sẽ tấn công thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, cách hạ lưu 350 km.
Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, 45,2 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ gây lụt lội nghiêm trọng tại 27 tỉnh thành dọc theo các sông Dương Tử, Hoài Hà và Hoàng Hà kể từ đầu tháng Sáu đến nay.