| Hotline: 0983.970.780

Nước đầu tiên muốn cắt giảm mật độ vật nuôi vấp phải phản ứng gay gắt

Thứ Năm 16/12/2021 , 11:02 (GMT+7)

Hà Lan vừa công bố kế hoạch trị giá 25 tỷ euro nhằm cắt giảm triệt để lượng đàn vật nuôi gây ô nhiễm, nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của nông dân.

Anh Jaring Brunia, một nông dân nuôi bò sữa ở miền bắc Hà Lan, mong muốn có diện tích đất rộng hơn để chăn thả và xử lý phân. Ảnh: Judith Jockel 

Anh Jaring Brunia, một nông dân nuôi bò sữa ở miền bắc Hà Lan, mong muốn có diện tích đất rộng hơn để chăn thả và xử lý phân. Ảnh: Judith Jockel 

Chương trình giải quyết khủng hoảng ô nhiễm do lượng phân động vật quá tải của Chính phủ Hà Lan, trị giá 25 tỷ euro nhằm cắt giảm số lượng đàn vật nuôi trong nước.

Theo đó ngay khi bản kế hoạch đầu tiên trên thế giới thuộc loại này công bố hôm đầu tuần này (kèm theo một thỏa thuận hỗ trợ nông dân để giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp) ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ những người nông dân.

Họ đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn trên đường phố để phản đối quy định cứng rắn và coi đây là một cuộc thôn tính nông dân, nguy cơ gây thiệt hại lâu dài đối với an ninh lương thực trong nước nếu quá nhiều nông dân bị buộc phải bỏ nghề.

“Chúng tôi không muốn hệ thống này sụp đổ”, Marije Klever, nông dân chăn nuôi bò sữa ở Utrecht, thuộc Hiệp hội nông dân trẻ Hà Lan cho biết. Bà Marije tiết lộ nông dân sẽ phản đối bất kỳ biện pháp ép buộc nào.

“Tôi là chủ sở hữu đất, vì vậy một câu hỏi quan trọng là liệu chính phủ có được phép đẩy nông dân ra khỏi đồng ruộng hay không. Chính phủ không phải là tòa án công lý quốc tế (The Hague) để ra phán quyết với nông dân mà cần một thỏa thuận”.

Trong khi vẫn được cộng đồng quốc tế ca ngợi là “quốc gia nhỏ bé cung cấp thức ăn cho thế giới” và là nhà xuất khẩu thịt lớn nhất châu lục, Hà Lan hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng ô nhiễm do thải ra quá nhiều phân và nước tiểu động vật trang trại.

Nghị sĩ Tjeerd de Groot, thuộc đảng đảng Dân chủ của chính phủ liên minh ở Hà Lan, cho biết: “Chúng ta không thể là quốc gia nhỏ bé nuôi sống thế giới nếu chúng ta tự giết mình”.

Hiện quốc gia này có mật độ chăn nuôi cao nhất ở châu Âu, cao gấp bốn lần so với Vương quốc Anh hoặc Pháp - với tổng đàn vật nuôi hơn 100 triệu con gia súc, gà và lợn.

Các loài động vật thải ra phân lẫn với nước tiểu, giải phóng amoniac- một hợp chất nitơ. Nếu nó thẩm thấu xuống các hồ và suối thì hàm lượng nitơ quá mức có thể gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Tòa án hành chính Hà Lan vào năm 2019 từng phán quyết rằng, chính phủ đã vi phạm điều luật của EU khi bất lực với xử lý bài toán ô nhiễm lượng nitơ dư thừa ở các khu vực tự nhiên dễ bị tổn thương, do các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp gây ra.

Kế hoạch trị giá 25 tỷ euro kéo dài 13 năm vừa được công bố tuần này, bao gồm việc trả tiền cho các hộ chăn nuôi di dời hoặc chuyển đổi nghề nghiệp và giúp những người khác chuyển sang phương pháp canh tác quy mô hơn (trái ngược với thâm canh), với ít động vật hơn và diện tích chuồng trại lớn hơn. Mục tiêu cuối cùng dự kiến ​​sẽ giảm gần một phần ba số lượng lợn, bò và gà của cả nước.

“Chúng tôi không phải cung cấp thức ăn cho thế giới, nhưng chúng tôi có thể chỉ ra cách làm điều đó theo cách bền vững hơn”, nông dân chăn nuôi bò sữa hữu cơ Jaring Brunia ở Friesland, miền bắc Hà Lan cho biết.

Trong khi đó, các nhóm nông dân khác cho biết họ sẽ chỉ chấp nhận các biện pháp tự nguyện và muốn có thời gian để cắt giảm lượng ô nhiễm chất thải thông qua đổi mới công nghệ. “Xe hơi cũng rất ô nhiễm nhưng họ có cơ hội làm cho nó ít ô nhiễm hơn bằng đổi mới công nghệ. Đó là những gì chúng tôi muốn”, nghị sĩ Caroline van der Plas, người sáng lập đảng nông dân Hà Lan BoerBurgerBeweging (BBB) chia sẻ.

Hiện sự ủng hộ dành cho đảng BBB ở các cộng đồng nông thôn đã tăng vọt kể từ khi nó được thành lập cách đây hai năm, khi những người nông dân cho rằng họ cảm thấy bị các chính trị gia “bỏ rơi, đứng ngoài cuộc”.

“Đối với con trai tôi, nó đâu còn sinh kế nào nữa và không thể biết những gì sẽ còn bị cấm đoán trong 10 năm nữa? Chúng tôi được biết đến như những nông dân giỏi nhất thế giới vì sự sáng tạo, nhưng nếu chính quyền đẩy chúng tôi ra xa, chúng tôi sẽ bị triệt tiêu sức mạnh và sự đổi mới. Chúng tôi cần những động thái tích cực nào đó”, Erik Stegink, một nông dân chăn nuôi lợn ở Bathmen, phía đông đất nước than thở.

Hà Lan là quốc gia có mật độ chăn nuôi cao nhất ở châu Âu, gấp bốn lần Anh hoặc Pháp - với tổng đàn vật nuôi hơn 100 triệu con gia súc, gà và lợn. Ảnh: Independent

Hà Lan là quốc gia có mật độ chăn nuôi cao nhất ở châu Âu, gấp bốn lần Anh hoặc Pháp - với tổng đàn vật nuôi hơn 100 triệu con gia súc, gà và lợn. Ảnh: Independent

“Vấn đề sẽ không biến mất khi chúng tôi bỏ nghề mà nó lại chuyển đến một quốc gia khác”, nông dân chăn nuôi bò sữa Geertjan Kloosterboer nói thêm, đồng thời cho biết nông dân đã sẵn sàng biểu tình trên đường phố để phản đối các biện pháp này.

Một số nông dân bày tỏ lo ngại khi nói rằng không còn tương lai cho việc chăn nuôi công nghiệp ở quốc gia đông dân cư như Hà Lan. “Chúng tôi chăn nuôi ở những khu đất trống phía sau các thành phố và mọi thứ đều được theo dõi”, nông dân chăn nuôi bò sữa Heleen Lansink-Marissen ở Haaksbergen, miền đông Hà Lan cho biết.

“Chúng tôi cần một kế hoạch cho tương lai và cách kiếm tiền thông qua đa dạng sinh học, giảm phát thải và chấp nhận ít sữa hơn một chút”, bà Heleen nói thêm.

Ông De Groot, người trước đây từng đã kêu gọi giảm một nửa số lượng vật nuôi ở Hà Lan, cho biết: “Thông điệp bây giờ là vấn đề cần phải được khắc phục, cho dù thế nào đi nữa. Chúng ta phải chuyển dần khỏi mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm giá rẻ. Ngành công nghiệp này đang gây thiệt hại cho mô hình kinh doanh của nông dân và môi trường. Đã đến lúc phải phục hồi thiên nhiên, khí hậu và không khí, và ở một số khu vực có thể là sẽ không còn chỗ cho những người nông dân thâm canh nữa”.

Nhà vận động Brunia thì cho biết, nhiều nông dân muốn thay đổi nhưng đang bị “nhốt khóa” trong các hệ thống thâm canh với quá nhiều vật nuôi và các khoản nợ nần phải trả. Ông kêu gọi chính phủ cần chi tiền mạnh tay hơn nữa để giúp tất cả nông dân chuyển đổi, thay vì chỉ một số ít bỏ nghề.

Theo giới quan sát, Hà Lan không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng về chất thải chăn nuôi, sắp tới sẽ đến lượt Đan Mạch, Bỉ và Đức có thể sớm phải xem xét các hành động tương tự.

Derk Boswijk, một nghị sĩ đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và đồng thời là người phát ngôn của ngành nông nghiệp cho biết: “Chúng tôi đã rất giỏi trong việc cung cấp thức ăn cho thế giới và có thể tự hào. Nhưng thực tế là nó không hiệu quả, vì vậy chúng tôi phải thay đổi. Tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ học hỏi từ những gì chúng tôi đã làm sai ”.

(The Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.