| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt, nỗi buồn và bi kịch của ngàn vạn kiếp người trồng ngô ở Sơn La

Thứ Tư 14/09/2016 , 13:03 (GMT+7)

Từng đồi ngô vàng óng, miên man, tít tắp tận chân trời ẩn giấu sau đó là máu, là nước mắt, là nỗi buồn, là bi kịch của ngàn vạn kiếp người trồng ngô ở Sơn La.

Cay hơn ớt

Cơn bão số ba khiến cho hơn 10 km đường đất từ trung tâm xã Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn, Sơn La) về bản người Xinh Mun ở Nà Nhụng trở thành sự đày ải. Cây đổ, đá chèn, đất lấp. Nhiều chỗ lòng đường tựa lòng suối khiến tôi hoài nghi dừng lại để hỏi, nhiều chỗ đường chỉ đặt vừa vặn một hai bàn chân người, sơ sẩy tí là rơi xuống vực. Đi mải miết không dám nhìn lên cũng chẳng dám nhìn xuống, mặt trời xế bóng tôi mới tìm được vào nhà Trưởng bản Lò Văn Thu.

Đã quá bữa cơm chiều, hàng quán lại không có, anh ái ngại nhìn kẻ bộ hành lấm lem bùn đất và hỏi: “Ăn được cơm nếp không?”. Tôi gật đầu. Vợ Thu dỡ ít xôi đã đồ sẵn từ buổi sáng để trong giỏ, xăm xới ra vườn hái vội một quả bầu về nấu canh với cục xương trâu gác trên bếp. Con trâu vốn là tài sản hồi môn của chị khi về nhà chồng, đang thả trên rừng thì bị xảy chân, ngã núi, đất vùi.

Lúc người ta đào được thì nó đã thành một cái xác mềm nhũn, lạnh ngắt, xương sườn, xương ống nát vụn nên đành kéo về mổ. Phần bán chịu cho bà con với giá rẻ, phần gác bếp ăn dần. Tự dưng mất đứt hơn 20 triệu đồng khiến cho cả hai vợ chồng khi kể với tôi cứ thay nhau thở dài sườn sượt.

15-52-51_dsc_5607
Cây ngô trên đất Sơn La

 

Theo tổng điều tra dân số năm 2009, Xinh Mun là dân tộc có 23.278 người, nói tiếng Puộc, chủ yếu sinh sống ở Sơn La 21.288 người, Điện Biên 1.926 người, Đồng Nai 10 người, Nam Định 10 người và Hà Nội 10 người. Họ sinh sống bằng nghề gieo lúa nương và săn bắn thú, có tập quán nhuộm răng đen, ăn trầu, uống rượu cần, thích gia vị cay. Kể từ hồi trồng ngô lai cũng là lúc mà dân tộc này biết đến một thứ gia vị còn cay hơn cả ớt, đắng hơn cả rượu, đó là nợ.

Bản 146 hộ nhưng có đến 106 hộ nghèo. Một số không thuộc diện hộ nghèo không phải do đã giàu có gì mà bởi vì khi trưởng bản bắc “loa mồm” thông báo đến từng nhà phải đi họp xét hộ nghèo họ lại không để ý. Thế là nghiễm nhiên thuộc vào danh sách hộ khá giả. Ấy vậy mà chẳng thấy ai thèm thắc mắc về chuyện này.

 

Xót hơn muối

Trước đây dân Xinh Mun trồng lúa nương, cuộc sống tự sản tự tiêu tuy khổ cực nhưng không hề mắc nợ. Hơn mười năm trước có cây ngô lai về bản là có chủ đầu tư về theo. Trước tiên có ông Hà ở Cò Nòi, ông Tuấn Đen ở Hát Lót đến nay thêm ông Biên, ông Bộ, ông Hùng Thụ, ông Đông Nhung, ông Xí Bài...

Các chủ đầu tư thuyết phục dân bản không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng ngô. Họ sẵn sàng cấp phát từ giống, phân bón, gạo, muối, mì chính đến cái kim, sợi chỉ, bánh xà phòng. Tất cả đều sẵn có, chỉ việc ký vào sổ nợ là xong. Nhiều hộ không biết chữ cũng chẳng hay trong giấy viết những gì, cứ ký hoặc điểm chỉ đại.

15-52-51_dsc_5505
Cảnh nghèo khó của các hộ dân

 

Ứng vật tư ư? Giá ngô giống ở ngoài 70.000đ/kg nhưng chủ đầu tư cho nợ cuối vụ tính lên 130.000đ/kg, không trả nổi năm sau vọt lên 180-200.000đ/kg. Ngược lại, giá mua ngô thương phẩm ở ngoài 4.000đ/kg nhưng bán cho đại lý chỉ được 2.500-3.000đ/kg. Không bán cũng không xong vì đã trót nhận đầu tư rồi. Giá phân đạm bên ngoài chỉ 9.000đ/kg nhưng mua chịu cuối vụ phải trả thành 16.000đ/kg.

Từ tháng 3 đến tháng 6 người dân phải ăn gạo của chủ đầu tư, tháng 7 trở đi mới có lúa xuân gặt về. Gạo đầu tư cứng quèo, đồ lên để 1-2 tiếng là không nhai được, chỉ dùng vào mỗi việc nấu rượu. Gạo ấy ngoài chợ bán 10-11.000đ/kg nhưng vì mua chịu nên phải trả thành 20.000đ/kg.

Vay tiền ư? Đại lý sẵn sàng cung cấp với mức lãi phổ biến 3%/tháng tương đương 36%/năm. Ốm đau, cưới hỏi, ma chay cần vay nóng ư? Lại càng dễ dàng nhưng hãy chấp nhận lãi 50% bất kể là vài hôm sau trả hay vài tháng sau mới trả (không được quá 10 tháng).

Đến ngay nhà trưởng bản Thu vẫn còn một món nợ 20 triệu vay từ hôm 17/3 để mua phân, mua giống. Nếu bán ngô cho người khác lấy tiền trả, chủ đầu tư tính lãi 2,5%/tháng, nếu bán ngô cho chính chủ đầu tư thì sẽ được trừ tiền. Một vụ ngô kéo dài 5 tháng, món nợ 20 triệu Thu vay sẽ nở ra thành 25 triệu.

Gần như 100% dân bản ôm nợ, 30-40% phải gán đất trừ dần. Trừ mãi mà chẳng thấy ai thoát. 700 ha ngô của Nà Nhụng theo năm tháng cứ thế dần teo tóp như miếng mỡ ở trong chảo bị vắt đến tận kiệt cùng.

Anh Vì Văn Xồn vốn có khoảng 3 ha đất nay không còn tí nào vì gán nợ cho chủ đầu tư Xí Bài trong thời hạn 10 năm và còn ôm thêm khoản 40 triệu chưa trả được. 17 năm cặm cụi trồng ngô, càng làm lại càng nợ, đến cả cái xe máy anh cũng không có. Từ địa vị ông chủ nay Xồn trở thành người làm thuê trên chính đất của mình. Với giá ngô ngày càng xuống dốc như hiện nay không biết bao giờ anh mới trả được hết nợ?

15-52-51_dsc_5493
Anh Xồn thất thần bên nương ngô

 

Nhà ông Lò Văn Phương bố vợ trưởng bản Thu nằm lọt thỏm trên đỉnh một quả đồi xung quanh toàn ngô. Quả đồi mênh mông đó bình thường ông phải gieo 60-70 kg ngô giống mới phủ kín (khoảng 5 ha) nay đã thuộc về người khác.

Ông Phương không biết chữ lại càng chẳng biết đến các con số ghi trong sổ chốt nợ là đúng hay sai. Khi chuyển giao, chủ đầu tư đã mang sẵn một hộp phẩm đỏ để ông chỉ việc ấn ngón tay to đùng, thô kệch xuống tờ giấy đã biên sẵn, điểm chỉ. Hiện, tổng số nợ của ông lên tới 165 triệu.

Theo người con rể của ông đồng thời cũng là trưởng bản buổi làm thủ tục gán đất 39 hộ cho dân Nà Nhụng như sau: Chủ đầu tư phô tô sẵn giấy biên nhận nợ, xã xuống rà soát rồi gọi trưởng thôn cùng đại diện 5 đoàn thể đến chứng kiến cảnh ký giấy gán nợ. Từ đầu đến cuối chủ đầu tư không xuất hiện mà chỉ có con nợ. Đàn ông còn đỡ, đàn bà nhiều người vừa ra khỏi cửa mắt đã đỏ lên rồi.

Đó là những nhà bị gán nợ dưới sự chính kiến của cán bộ chính quyền còn nhiều nhà bị gán nợ chui. Gia đình chị Lò Thị Pản bắt đầu trồng ngô với chủ đầu tư Đinh Duy Sĩ từ năm 2002, được cung cấp phân, giống, gạo… Lúc đầu số nợ chỉ nhỏ như hạt ngô giống, sau mỗi mùa nó lại phình to lên để hiện nay lớn bằng cả đồi ngô, trị giá 145 triệu.

15-52-51_dsc_5513
Những tờ giấy gán nợ

 

Vét sạch các thứ trong gia đình đem bán chị Pản chỉ trả được 21 triệu, vẫn còn nợ 128 triệu. Người chồng bỏ nhà ra đi để lại núi nợ cho đứa con trai là Lò Văn Thiên năm ấy cũng vừa mới lập gia đình gánh vác. Hai vợ chồng Thiên suốt ngày cắm mặt, còng lưng trên đồi từ mờ sáng đến tối mịt người đi sau không nhìn rõ lưng người đi trước.

Trời không phụ công người, vụ mùa năm ấy bắp ngô to như bắp chuối rừng. Vợ chồng Thiên bán cả nương ngô được đúng 52 triệu nhưng không hề được đếm mà tất cả đều chảy vào túi ông chủ. Chủ đầu tư bảo với Thiên rằng bố mày đã gán đất cho tao, giờ mẹ con mày phải viết giấy giao lại đất từ năm 2012-2022 nếu không tao sẽ lấy người dưới trung ương lên để giải quyết.
15-52-51_dsc_5527
Những tờ giấy gán nợ
 

Lời dọa ấy khiến cho mẹ con Thiên khiếp vía đành phải nghe theo, ký vào tờ giấy bàn giao mảnh đất gieo được 60 kg ngô giống (khoảng hơn 3 ha). Nhà anh hôm đó còn bị biến thành một bãi tập trung cho khoảng 20-30 con nợ đến ký tên hay điểm chỉ. Cái két sắt trong nhà thay vì chứa tiền như thiết kế nay được hoán đổi công năng dùng để chứa đống giấy ghi nợ.

Xem thêm
Ban Bí thư yêu cầu thực hiện mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' IUU trong năm 2024

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng.

Sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL đạt hơn 10,8 triệu tấn

Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, tổng sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL ước đạt hơn 10,8 triệu tấn, năng suất đạt trên 7,24 tấn/ha.

Robot diệt cỏ, giảm ốc bươu vàng, giảm khí metan nhưng không giảm năng suất lúa

Aigamorobo được Công ty New Green của Nhật Bản giới thiệu có khả năng diệt cỏ, đẩy lùi ốc bươu vàng không cần thuốc hóa học, không sử dụng pin, thân thiện với môi trường.

Đắk Lắk cận kề hạn hán khốc liệt: Phải giữ được diện tích cây công nghiệp

Lãnh đạo Cục Thủy lợi đề nghị Đắk Lắk 'tuyệt đối không để thiếu nước sinh hoạt và giữ bằng được diện tích cây công nghiệp bị ảnh hưởng, không để khô héo, cây chết'.