| Hotline: 0983.970.780

Nuôi 3.000 gà siêu trứng D310, thanh niên 9x thu về 2,5 tỷ đồng/năm

Thứ Năm 23/03/2023 , 08:24 (GMT+7)

Với hơn 3.000 con gà siêu trứng nuôi theo quy trình khép kín, mỗi năm, trang trại của thanh niên 9X ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh thu lãi trên dưới 700 triệu đồng.

Empty

Trang trại nuôi gà siêu đẻ trứng của anh Nguyễn Hữu Hiếu mỗi năm đem về doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng. Ảnh: Tâm Phùng.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1994), ở thôn Trung Tâm, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh trong bộ quần jean, áo sơ mi đóng thùng khi vừa đi đám cưới về. Nhìn khuôn mặt trẻ măng như đang ngồi trên ghế nhà trường chẳng ai nghĩ đây là một ông chủ trại gà với doanh thu hàng năm lên tới hơn 2,5 tỷ đồng.

Khởi nghiệp nuôi gà siêu trứng từ năm 2018, với diện tích nuôi 7.000 m2, đến thời điểm này, trang trại của anh Nguyễn Hữu Hiếu đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng xây dựng chuồng trại khép kín, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tự động hơn 3.000 con gà đẻ giống D310 Dabaco.

“Sở dĩ tôi chọn nuôi giống gà D310 Dabaco thay vì giống Isa Brown như các trang trại khác là bởi gà D310 được biết đến với năng suất đẻ trứng số 1 tại Việt Nam và được sản xuất tại Tập đoàn Dabaco Việt Nam, “cha đẻ” của các giống gà có tiếng ở nước ta như: Mía số 1, Chọi số 1, Hồ Dabaco... Đặc biệt, tuy gà đẻ số lượng nhiều nhưng chất lượng trứng không hề thua kém trứng gà ta”. Anh Hiếu nhấn mạnh về lựa chọn đột phá của mình.

Anh Hiếu cho biết thêm, quá trình nuôi giống D310 Dabaco, gà có sức đề kháng rất cao, ít xảy ra dịch bệnh nên giúp người chăn nuôi giảm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận.

Empty

Thay vì nuôi giống Isa Brown như các trang trại khác, anh Hiếu chọn giống gà D310 Dabaco để nâng cao năng suất, chất lượng trứng. Ảnh: Tâm Phùng.

Theo anh Hiếu, đặc thù thời tiết ở Hà Tĩnh mùa hè rất oi bức, mùa đông rét “thấu da cắt thịt” nên bao quanh chuồng trại anh lắp đặt hệ thống quạt làm mát dày đặc, trần nhà lắp đèn chiếu sáng, cài đặt tự động theo giờ để vừa sưởi ấm vào mùa đông vừa kích thích gà đẻ trứng.

Trước khi bước vào giai đoạn đẻ trứng, gà được nuôi hậu bị khoảng 17 tuần tuổi. Từ tuần thứ 18, gà bắt đầu đẻ trứng và đạt tỷ lệ đẻ gần 100% từ tuần thứ 25. Sau 12 tháng khai thác trứng, lứa gà tiến hành loại thải để nuôi lứa mới nhằm cung cấp trứng chất lượng và hiệu quả nhất.

“Hơn một năm nay giá thức ăn luôn ở mức cao nhưng bù lại giá trứng trên thị trường tăng và tiêu thụ được hết nên doanh thu mỗi năm của trang trại đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 700 triệu”. anh Hiếu nói.

Theo nhẩm tính của ông chủ trẻ, với hơn 3.000 con gà đẻ, mỗi ngày trang trại thu từ 2.000 - 2.500 quả trứng, bán giá bình quân 3.000 đồng/quả, đưa về nguồn thu khoảng 7 triệu đồng/ngày, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Ngoài ra, còn có nguồn thu từ bán gà loại thải, với giá trung bình khoảng 85.000 đồng/kg và 2 tủ ấp trứng, công suất mỗi tủ 25.000 quả để bán trứng gà lộn và sản xuất con giống cho khách hàng.

Empty

Trứng gà trang trại sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ảnh: Tâm Phùng.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong nghề nuôi gà đẻ trứng, thanh niên 9X cho rằng, ngoài đầu tư hệ thống chuồng trại đồng bộ, kỹ thuật chăm sóc cực kỳ quan trọng.

Theo đó, việc kích thích hocmon đẻ trứng bằng hệ thống bóng đèn tự động, lựa chọn thức ăn phù hợp hay bổ sung canxi giúp trứng to, vỏ dày, đều màu…là những giải pháp không thể thiếu trong quá trình nuôi.

Ngoài ra, phải tạo không gian thư giãn cho gà, nhất là khi thu hoạch gà loại thải nhằm tránh gây stress cho đàn gà đang nuôi.

Ông Phan Trần Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn đánh giá, trang trại nuôi gà của anh Nguyễn Hữu Hiếu là mô hình kinh tế điểm của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Xã đang khuyến khích bà con trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng, nâng cao thu nhập.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng anh Hiếu trong việc định hướng, khoanh vùng sản xuất để đảm bảo mô hình được phát triển bền vững, an toàn.

Xem thêm
Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...