Dịch chuyển không gian nuôi biển
Nhiều năm qua, nuôi thủy sản ven biển nước ta đã và đang phát triển nhanh, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và góp phần tăng sản lượng xuất khẩu cho quốc gia. Các hệ thống nuôi ven biển chủ yếu là quy mô nhỏ, hộ gia đình, vật liệu lồng bè thô sơ. Các đối tượng nuôi cũng khá đa dạng như cá biển, tôm hùm, các loại nhuyễn thể và rong.
Sự phát triển quá nhanh của nuôi thủy sản ven bờ đã dẫn đến nhiều hệ lụy như gây ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh, không gian ven biển trở nên chật hẹp và đôi khi xung đột với các ngành kinh tế khác như du lịch và bất động sản. Trước bối cảnh đó, việc mở rộng không gian cho nuôi biển, dịch chuyển các trang trại ra xa bờ là một trong những giải pháp được chú ý.
Nuôi biển xa bờ thông thường được xác định là từ 6 hải lý trở ra tính từ đường bờ biển. Ở vùng biển xa bờ, sẽ ít chịu ảnh hưởng của phù sa cửa sông, hệ sinh thái sinh vật phù du phong phú, đa dạng, không gian rộng lớn, độ sâu, dòng chảy, độ trong, nhiệt độ và độ mặn ổn định. Tuy nhiên ở đó, các trang trại cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng của sóng và gió mạnh hơn so với vùng ven bờ.
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km, kéo dài từ Quảng Ninh đến Cà Mau, Kiên Giang, cùng với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ trên biển, nhiều vũng, vịnh, đầm, phá, phù hợp cho phát triển nuôi biển công nghiệp mà không phải quốc gia nào cũng có được. Vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam rộng trên 1 triệu km2, chiếm tới khoảng 30% diện tích biển Đông. Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Nha Trang, có 3 khu vực thuận lợi cho phát triển nuôi biển xa bờ là Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang, dựa trên các tiêu chí về môi trường, độ sâu, dòng chảy, độ mặn và đặc biệt là có các hòn đảo che chắn được gió và bão.
Ngành công nghiệp mới mẻ, nhiều thách thức
Ở nước ta, nuôi biển xa bờ chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đây là ngành công nghiệp mới mẻ không chỉ đối với Việt Nam mà cả trên thế giới. Vì vậy, nuôi biển xa bờ cần được nghiên cứu thêm và đòi hỏi kế hoạch cẩn thận, chính sách toàn diện để đảm bảo hiệu quả, an toàn và bền vững. Các hệ sinh thái biển xa bờ khác biệt đáng kể so với gần bờ.
Khi hoạt động nuôi biển xa bờ phát triển mạnh, các hệ sinh thái và sinh vật biển ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng. Về dài hạn, những tác động của nuôi biển đến môi trường, sinh thái và không gian biển khó có thể được đánh giá đầy đủ cũng như những rủi ro tiềm ẩn khó dự báo do chúng ta chưa có đủ cơ sở dữ liệu và chưa có các mô hình thí điểm khoa học.
Vùng biển nước ta hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, gió, áp thấp nhiệt đới với tần suất cao. Vùng biển phía Bắc chịu tác động của mùa đông lạnh kéo dài, gây bất lợi cho sản xuất. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn. Số cơn bão lớn và cực đoan trên biển Đông có dấu hiệu ngày càng tăng. Thời gian nuôi dài, với cá biển bình quân 12 - 15 tháng/vụ, tôm hùm 18 - 20 tháng/vụ, vốn đầu tư lớn, rủi ro trong sản xuất cao, chính sách về bảo hiểm nuôi biển chưa hoàn thiện dẫn đến các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nuôi biển còn hạn chế.
Việc phát triển nuôi biển xa bờ đòi hỏi cách tiếp cận hoàn toàn mới và có hệ thống. Những tiền đề cơ bản bao gồm cơ sở hạ tầng đồng bộ, kho vận, nguồn nhân lực, con giống, thức ăn, dịch vụ và vật liệu, khuôn khổ pháp lý của quốc gia và quốc tế, các vấn đề kinh tế xã hội và chính trị, các tiêu chí về hải dương học, sinh học, môi trường và công nghệ.
Chúng ta khó có thể xây dựng bộ tiêu chí hoàn chỉnh vì hầu hết các yếu tố đều tương tác và không cố định mà phụ thuộc lẫn nhau, ví dụ độ sâu mực nước biển có liên quan đến vận tốc các dòng hải lưu. Ngoài ra, việc lựa chọn vị trí nuôi thích hợp phải đáp ứng các tiêu chuẩn hay phụ thuộc vào công nghệ và tùy theo loài nuôi.
Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến các rủi ro sinh thái như sự thay đổi về di cư, sự phong phú và phân bố của loài. Vì vậy, những thay đổi này cũng cần được đưa vào các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển xa bờ.
Về công nghệ, kiểu lồng nuôi, lưới, phao và dây neo phải có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, sóng gió lớn và dòng chảy mạnh. Vật liệu lồng nuôi phải ổn định, đáng tin cậy, có khả năng ngăn chặn sự phát triển của rong, chống ăn mòn và bám bẩn.
Trong môi trường xa đất liền, người nuôi không phải lúc nào cũng có mặt ở lồng bè, đặc biệt khi có bão hay áp thấp nhiệt đới. Do đó phần lớn những công việc thường ngày của người nuôi sẽ phải được thay thế bằng máy móc, thực hiện tự động và điều khiển từ xa, ví dụ công nghệ cho ăn tự động, phương tiện rửa tự động để làm sạch lưới hoặc các biện pháp quản lý, chăm sóc, thu hoạch thông qua hệ thống điều khiển thông minh.
Sản xuất con giống các đối tượng cá biển ở nước ta còn nhiều hạn chế. Các trại giống thường hoạt động ở quy mô nhỏ. Cở sở vật chất và công nghệ còn lạc hậu, chất lượng con giống không ổn định, nhiều đàn giống có nguy cơ cận huyết. Số lượng giống sản xuất thiếu tập trung cũng ảnh hưởng tới phát triển nuôi thương phẩm ở quy mô công nghiệp. Lao động nuôi biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong quản lý và vận hành các trang trại nuôi xa bờ.
Ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường đáy
Chất thải từ các trang trại nuôi biển như thức ăn thừa, phân cá và chất thải sinh hoạt sẽ phân tán nhanh trong môi trường nước hoặc sẽ chìm nhanh như thức ăn viên. Điều này sẽ làm giàu hữu cơ của trầm tích đáy ở các khu vực lân cận trang trại. Phản ứng của sinh vật đáy đối với việc làm giàu hữu cơ là không thể đánh giá được.
Ở vùng biển xa bờ, ít có động vật đáy chịu được ô nhiễm nên khả năng đồng hóa chất hữu cơ của sinh vật đáy có thể bị hạn chế. Thay vào đó, quá trình phân hủy các chất thải sẽ do các vi sinh vật, dẫn đến tăng nhu cầu oxy và tích tụ sunfua trong trầm tích. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học sinh vật đáy.
Nuôi biển xa bờ được dự đoán sẽ phát triển mạnh trong vài thập kỷ tới khi mà không gian ven bờ bộc lộ những hạn chế và gây ô nhiễm môi trường hoặc được ưu tiên cho phát triển các ngành kinh tế quan trọng khác. Các công cụ quản lý hiện tại có phù hợp để áp dụng cho ngành công nghiệp ngoài khơi hay cần được cập nhật và được củng cố bằng một số mô hình thí điểm.
Nguồn nhân lực nuôi thủy sản hiện nay có đáp ứng khi nuôi công nghiệp ngoài biển khơi hay cần đào tạo lại? Các tiêu chuẩn, quy chuẩn để hình thành các trang trại nuôi biển xa bờ có đáp ứng được khuôn khổ pháp lý quốc gia và quốc tế..., đây là những vấn đề cần được thảo luận và xem xét.