| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò sữa đi sau nhưng phát triển chắc chắn

Thứ Tư 06/12/2023 , 15:13 (GMT+7)

Mỗi năm, Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre tăng thêm khoảng 10% thành viên, từng bước chậm rãi nhưng chắc chắn, lợi nhuận trên hết.

Lợi ích người chăn nuôi là trên hết

Ba Tri, nghề nuôi bò rất phát triển. Người chăn nuôi luôn tiên phong áp dụng những tiến bộ mới trong sản xuất, trong đó có nghề nuôi bò sữa, khá thành công. Nghề này đi sau nhưng từng bước rất chắc chắn.

Tháng 6/20219, bà con chăn nuôi đã liên kết với nhau hình thành nên Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre. Hiện trụ sở của Hợp tác xã đặt tại ấp An Thạnh, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, mỗi năm số thành viên tăng lên khoảng 10%, đến nay đã có 100 hộ.

Hiện nay, đàn bò sữa của Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre khoảng 1.500 con. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, đàn bò sữa của Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre khoảng 1.500 con. Ảnh: Minh Đảm.

Hợp tác xã có chức năng nhiệm vụ chính là cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi thú y cho các thành viên đồng thời phối hợp tổ chức các buổi hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, các lớp dạy nghề chuyên sâu kỹ thuật thú y chăn nuôi bò sữa nhằm giúp nông hộ xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật và tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa.

Bên cạnh đó, hợp tác xã đã cung cấp các sản phẩm chăn nuôi giá thấp hơn thị trường ít nhất 3% cho bà con trên địa bàn. Ngoài ra, thực hiện tốt vai trò tư vấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho hộ nuôi bò sữa và bò thịt. Hiện đang cung cấp khoảng 85 mặt hàng thuốc thú y, thức ăn bò sữa, sản phẩm dinh dưỡng và các thiết bị chăn nuôi bò sữa, tỷ lệ thành viên sử dụng dịch vụ trên 90%.

Hợp tác xã liên kết với Công ty sữa Vinamilk hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa của thành viên. Sản lượng bình quân gần 10 tấn/ngày với tổng số đàn bò đã khai thác sữa và chuẩn bị khai thác sữa khoảng 1.500 con.

Không chỉ là chỗ dựa cho người nuôi bò sữa trong huyện Ba Tri, hợp tác xã này còn đang mở rộng địa bàn hoạt động sang huyện Thạnh Phú và các vùng phụ cận. Đàn bò sữa đã được nhân rộng sang xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú với tổng đàn 117 con, đã có 9 hộ đã có bò khai thác sữa, đạt bình quân 300kg/ngày. Tổng lượng sữa đã bán cho Công ty Vinamilk năm 2022 của các thành viên đạt khoảng 3.000 tấn với giá bình quân là 13.800 đồng/kg. 

Ông Võ Văn Lai, ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri được Dự án Heifer hỗ trợ nuôi thử nghiệm 5 con bò sữa năm 2016. Sau đó, nhờ được tập huấn kỹ thuật, chăn nuôi hiệu quả nên dần dà đàn bò đã phát triển được 21 con. Đến nay, đã có 8 con cho sữa với sản lượng 110kg/ngày, doanh thu hơn 1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông bỏ túi được hơn 600.000 đồng/ngày.

“Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre thấy hoạt động hiệu quả, hỗ trợ nông dân hết mình. Ba Tri nuôi bò thịt là số 1, khi chuyển sang nuôi bò sữa bà con cũng có nền tảng nên được tập huấn là nắm bắt kỹ thuật tốt. Năm nay, nuôi bò vàng không có lời, nuôi bò sữa có thu nhập ra vô hàng ngày cũng đỡ”, nông dân Võ Văn Lai chia sẻ.

Ông Võ Văn Lai có 8 con bò đang cho sữa, lợi nhuận thu được khoảng 600.000 đồng/ngày. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Võ Văn Lai có 8 con bò đang cho sữa, lợi nhuận thu được khoảng 600.000 đồng/ngày. Ảnh: Minh Đảm.

Ứng dụng khoa học công nghệ

Theo bà Trần Thị Tuyết Anh, Giám đốc Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre, hiện nay, hợp tác xã quản lý dịch bệnh cho đàn bò sữa theo quy trình quản lý dịch bệnh của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh. Đàn bò sữa hàng năm đều được tiêm phòng đầy đủ bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục... Đội ngũ thú y luôn tích cực hỗ trợ các thành viên trong công tác gieo tinh nhân tạo, dịch vụ thú y với chi phí thấp hơn thị trường ít nhất 3%.

Hợp tác xã đã chủ động tìm nguồn thức ăn thay thế cho cỏ như bắp ủ chua, cám TMR giúp giải quyết tình trạng thiếu cỏ và đảm bảo dinh dưỡng cho đàn bò sữa trong mùa khô. Cùng với đó, Hợp tác xã cũng liên kết với các chuyên gia dinh dưỡng xây dựng khẩu phần ăn cho bò sữa trong điều kiện thiếu cỏ kéo dài, khuyến cáo thành viên trữ nước ngọt trong mùa khô.

Trong hoạt động hợp tác xã mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi bò sữa (theo quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của Vinamilk). Ngoài ra, đã thực hiện phần mềm kế toán Waca, hóa đơn điện tử và khai thuế điện tử từ năm 2020 đến nay. Hợp tác xã đang được hỗ trợ xây dựng website bò sữa Bến Tre, đánh giá thực hiện ứng dụng đạt 90%.

Năm 2022, Hợp tác xã được đề nghị tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh Bến Tre. Năm 2023, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen với thành tích là 1 trong 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc.

Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của thành viên (không phải tối đa hóa lợi nhuận của Hợp tác xã) năm 2021, doanh thu đạt 9,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 182 triệu đồng, phân phối lợi nhuận 120 triệu đồng. Năm 2022, doanh thu 10,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 220 triệu đồng, phân phối lợi nhuận 150 triệu đồng. Ước năm 2023, doanh thu 12,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 270 triệu đồng, phân phối lợi nhuận 180 triệu đồng.

Thông qua hoạt động của mình, Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre đã và đang góp phần cùng với địa phương xây dựng phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp làm giàu từ nghề nuôi bò sữa, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Đồng thời, các thành viên tham gia hợp tác xã đều gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.