| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá mú lai bằng thức ăn công nghiệp

Thứ Năm 17/12/2020 , 10:41 (GMT+7)

Cá mú lai (Trân Châu) là con lai giữa cá mú Nghệ đực (Epinephelus lanceolatus) và cá mú Cọp cái (Epinephelus fuscoguttatus).

Đây là loại cá biển có giá trị kinh tế cao được Trung Quốc, Indonesia... sản xuất giống thành công. Tại Việt Nam bước đầu nghiên cứu và sản xuất thành công con giống cá mú lai này. Đây là đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế được người nuôi thương phẩm và thị trường tiêu thụ đón nhận. 

Ông Phạm Văn Hai ở ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những hộ đã nhiều năm nuôi cá mú đen trong ao đất, sử dụng con giống đánh bắt tự nhiên theo phương pháp truyền thống, dùng cá tạp làm thức ăn trong suốt chu kỳ nuôi.

"Với quy trình này, môi trường ao nuôi thường hay bị ô nhiễm do lượng thức ăn dư thừa phân hủy. Nguồn thức ăn không chủ động, giá cá tạp tăng cao mỗi khi vào vụ nuôi chính, thậm chí về mùa mưa bão lượng cá tạp hầu như không có. Mặt khác con giống cá mú đen đánh bắt từ thiên nhiên không chủ động, không rõ nguồn góc, kích thước không đồng đều, cá nuôi với thời gian dài từ 12-24 tháng", ông Hai cho biết.

Sau khi được Trạm Khuyến nông Long Điền - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mời tham gia lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi cá mú lai sử dụng thức ăn công nghiệp, phổ biến các tiêu chí chọn điểm làm mô hình trình diễn như điều kiện vùng nuôi, diện tích mặt nước ao phù hợp, cũng như nguồn kinh phí đầu tư đối ứng.

Nhận thấy hệ thống ao nuôi của gia đình đủ tiêu chuẩn để lựa chọn, ông đã mạnh dạn tham gia và đăng ký xin xây dựng mô hình với nguồn vốn đối ứng 50% chi phí mua con giống và 70% chi phí mua thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, phần còn lại được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ.

Ông Phạm Văn Hai kiểm tra cá nuôi.

Ông Phạm Văn Hai kiểm tra cá nuôi.

“Mô hình được triển khai với quy mô diện tích mặt nước 2.000m2, cá giống thả nuôi là con giống cá mú lai được mua tại những cơ sở sản xuất có uy tín, kích thước 8-10cm, phản ứng nhanh với tác động bên ngoài, màu sắc tươi sáng…Mật độ thả nuôi 1con/m2, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Sau hơn 4 tháng thả nuôi cá phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, kích thước đồng đều, trọng lượng trung bình khoảng 3con/kg”, ông Hai cho biết thêm.

Anh Trần Quang Phong có nhiều năm nuôi các đối tượng thủy sản như tôm kẹt, cua, cá chim vây vàng, cá mú đen… khi được tham quan mô hình nuôi cá mú lai sử dụng thức ăn công nghiệp so sánh: Nếu cùng thời gian nuôi thì con cá mú lai phát triển nhanh hơn, kích thước cũng đều hơn, môi trường ao nuôi trong sạch hơn.

Theo đánh giá của anh Võ Xuân Hậu, cán bộ chỉ đạo mô hình, cá mú là đốí tượng có giá trị kinh tế, cá thương phẩm bán trên thị trường cao hơn so với các đối tượng thủy sản khác. So với cá mú đen thì nuôi cá mú lai người nuôi có thể chủ động trong việc chọn con giống, cá có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, thời gian nuôi ngắn hơn 1-2 tháng. Sau khoảng 10 tháng nuôi cá có thể đạt kích cỡ thương phẩm 1kg/con. Tỷ lệ sống có thể đạt từ 60-80%. So với sử dụng cá tạp để nuôi, dùng thức ăn công nghiệp hạn chế được mầm bệnh lây nhiễm, số lượng thức ăn luôn được kiểm soát và điều chỉnh phù hợp cũng như đảm bảo ổn định về mặt dinh dưỡng.

Với những kết quả bước đầu có thể cho thấy mô hình nuôi cá mú lai là đối tượng mới nhưng thích nghi và phát triển rất tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của vùng nuôi An Ngãi, phù hợp với tiềm năng và sự phát triển của địa phương, tăng năng suất, ổn định, bền vững lâu dài...

Xem thêm
Bình Thuận hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS tàu cá

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn nhằm giúp ngư dân bớt khó khăn, gỡ ‘thẻ vàng’.

Ngày hội quảng bá cá tra Đồng Tháp

ĐỒNG THÁP Ngày hội cá tra Đồng Tháp năm 2024 nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu cá tra Đồng Tháp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.