Trang trại nuôi chồn hương Đức Thắng của anh Nguyễn Văn Đức tại thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) hiện đang nuôi hơn 500 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán giống.
Anh Đức cho biết năm 2019, tình cờ phát hiện mô hình nuôi chồn hương ở TP.HCM có triển vọng nên anh đã tìm hiểu. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, anh đã mạnh dạn mua 50 con giống về nuôi. So với các vật nuôi khác, chồn hương có giá trị kinh tế cao, nhất là nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng ngày càng lớn. Vì thế, đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi.
Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật nuôi nên đàn chồn hương của anh Đức ngày càng sinh sôi, phát triển. Năm 2022, anh bán ra thị trường hơn 600 cặp chồn baby. Năm 2023, anh dự kiến bán khoảng 1.500 con giống, ước lãi tiền tỷ.
Theo anh Đức, chồn hương rất dễ nuôi, ăn tạp, ít bệnh, không cần diện tích rộng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Đối với chuồng nuôi chồn, phải có hệ thống giữ ấm vào mùa đông, phun sương chống nóng vào mùa hè, đảm bảo nhiệt độ khu vực chuồng nuôi luôn ổn định.
Trại chồn hương của anh Đức nuôi trong lồng, mỗi lồng khoảng 1m2. Trung bình một ngày mỗi con chồn chỉ mất khoảng 3.000 - 4.000 đồng mua thức ăn. Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối, cá rô phi…Anh tận dụng diện tích vườn đồi để trồng chuối nhằm giảm chi phí trong chăn nuôi.
Anh Đức cho biết, mô hình chăn nuôi chồn hương hiệu quả rất tốt. Kỹ thuật nuôi chồn không khó. Quan trọng nhất là khâu ăn uống, vệ sinh chuồng trại. So với các mô hình chăn nuôi khác thì chồn hương cho thu nhập cao hơn. Thời gian qua, anh Đức đã cung cấp giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều nông dân khác nhân rộng mô hình này.
Sau khi tham quan mô hình nuôi chồn của anh Đức, anh Trần Hậu Tuệ tại thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 250 ô chuồng trên diện tích 300m2 để nuôi hơn 120 con chồn nái và chồn con. Anh cho biết, chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi, hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, đồng thời sát khuẩn chuồng từ 1 - 2 lần/tuần. Bên cạnh đó, chồn nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã, rất dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô.
Là loài có giá bán cao nhưng chi phí nuôi chồn hương lại rất thấp. Anh Tuệ cho biết, một con chồn mẹ có thời gian mang thai 54 - 60 ngày, mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 5 con. Chồn con nuôi khoảng 2 tháng có trọng lượng từ 0,6 - 1kg, bán với giá 1,8 - 2,2 triệu đồng/kg. Chồn giống nuôi 8 tháng có giá trung bình từ 10 triệu đồng/cặp.
Cách hộ anh Tuệ không xa, anh Mai Khắc Thạch cũng đã thành công nhờ mô hình nuôi chồn hương. Anh Thạch chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chăn nuôi lợn nhưng hiệu quả không cao. Sau khi tham quan các mô hình nuôi chồn hương, tôi đã mua vài cặp giống về nuôi. Nhờ kiên trì học hỏi, đến nay, tính cả đực lẫn cái, chuồng nuôi của tôi có hơn 150 con.
So với các mô hình chăn nuôi khác, tôi nhận thấy mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nếu biết cách chăm sóc, chồn hương có thể sinh sản 3 lứa mỗi năm. Nuôi chồn hương không chỉ ít tốn diện tích nuôi lại nhẹ công chăm sóc”.
Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì Chồn hương thuộc danh mục IIB – Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ.
Chính vì vậy khi nuôi chồn hương, cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương. Cũng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chồn hương để áp dụng các kỹ thuật phối giống, chăm sóc con. Đồng thời người chăn nuôi cần phải mua con giống ở các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh.