| Hotline: 0983.970.780

Nuôi dê phất như diều

Thứ Tư 23/09/2015 , 07:14 (GMT+7)

Tại các huyện miền núi của tỉnh An Giang, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là vùng Bảy Núi.

Tùy điều kiện địa lý, đất đai, môi trường, có người nuôi trong chuồng, có người nuôi cột buộc, lại có người chăn thả hoặc nuôi chuồng kết hợp thả rông, hình thức nào cũng có ưu điểm riêng của nó.

Ông Bùi Văn Tuấn ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo (dưới chân núi Cấm), huyện Tịnh Biên, giáo viên về hưu đang nuôi một bầy dê trên 30 con, trong đó 5 con đang đẻ, nhiều dê thịt và dê hậu bị.

Ông cho biết dê nuôi hiện có nhiều giống như dê Hòa Lan, dê Bách Thảo... Dễ nuôi nhất là dê cỏ. Ông đang áp dụng mô hình nuôi chuồng kết hợp với thả rông.

Ông chỉ nhốt dê vào ban đêm và khi trời mưa bão, thời gian còn lại đều thả ra ngoài thiên nhiên cho chúng tự tìm thức ăn dọc theo các triền núi hoặc hai bên bờ lộ.

"Dê là con vật ăn tạp rất dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, thức ăn chủ yếu của chúng là cây cỏ tự nhiên có sẵn ở các triền núi như cây bụi, chuối, dâm bụt, lá mít, lá bắp, mía và các phụ phẩm nông nghiệp.

Vì vậy mà người nuôi tận dụng địa hình có cây lá, cỏ, rau dại để thả rông cho chúng tự tìm thức ăn. Đây là mô hình thích nghi nhất đối với con dê giúp nó lớn nhanh hơn dê nhốt", ông Tuấn nói.

Tuy dễ nuôi nhưng muốn cho dê chóng lớn, khỏe mạnh, đẻ nhiều, người nuôi cũng phải nắm vững kỹ thuật về chuồng trại nhốt vào ban đêm, tuyệt đối không được ẩm ướt.

Kế đến là thức ăn phải đầy đủ, đặc biệt đối với dê đẻ và thời gian cho con bú cần bổ sung thức ăn đầy đủ. Ngoài ra, người nuôi dê cũng phải chú ý tránh cho dê giao phối cận huyết nhằm bảo đảm năng suất và chất lượng con giống.

Cũng theo ông Tuấn, giá dê thịt hiện dao động ở mức 100.000 - 130.000đ/kg (tăng 20% so với năm 2014); dê giống có giá 1,5 triệu đồng/cặp; dê cái hậu bị có giá từ 3 - 5 triệu đồng/con.

Tại An Giang hiện có tới hàng trăm hộ nuôi dê theo kiểu bán chăn thả với quy mô từ 15 - 30 con, thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, nhất là các xã miền núi, đất cát khô cằn, thiếu điều kiện canh tác lúa rẫy, hoa màu.

Dê cái 1 năm có thể đẻ 2 lần, mỗi lần 2 hoặc 3 con. Sau 2 năm, con đực lớn nhất có thể cân nặng 30 kg. Nhờ vậy mà gia đình ông mỗi năm thu nhập trên 70 triệu đồng nhờ bán dê thịt và dê giống.

Đối với con bò, người nuôi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thức ăn và cách phòng bệnh. Còn con dê, người nuôi chỉ cần dắt chúng đi tìm thức ăn.

Nhờ vậy mà tại Tịnh Biên và Tri Tôn, trẻ em và phụ nữ cũng có thể chăn nuôi dê dễ dàng.

Chị Neang Lương ở xã Lương Phi nuôi một bầy dê khoảng 15 con ngày nào cũng lùa đến chân núi cho chúng nhẩn nha kiếm ăn, chiều dẫn về, bình quân mỗi tháng bán 2 con, thu nhập trên 3 triệu đồng.

Mô hình nuôi dê thương phẩm đang có chiều hướng gia tăng nhờ giá dê ở mức ổn định, thời gian quay vòng vốn nhanh, người nuôi ít tốn kém, rất phù hợp với những hộ nghèo, thiếu vốn.

Được biết gần đây, ở miền Tây đã có rất nhiều nhà hàng, quán ăn chuyên phục vụ các món đặc sản từ thịt dê. Nhiều dân nhậu cho rằng ăn thịt dê an toàn hơn thịt heo vì dê ăn toàn thực phẩm ngoài thiên nhiên, không chịu ảnh hưởng của thuốc tăng trọng như thịt heo.

Nhờ vậy mà thịt dê ngày càng lên đời và giá cả luôn ở mức ổn định. Đặc biệt, tại các quán nhậu còn có rượu “ngọc dương” bán với giá 50.000đ/xị.

Theo ước tính, người nuôi dê thương phẩm đạt hiệu quả cao gấp hai, ba lần nuôi heo và nuôi bò vì khỏi phải tốn tiền thức ăn, chỉ sau 5 tháng là có thể bán dê thịt.

Một gia đình chỉ nuôi vài con cái và khoảng hai chục con dê thịt mỗi năm ít nhất cũng thu về 40 - 50 triệu đồng.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.