Cách đây hơn 2 năm, anh Trần Ngọc Hòa (ở phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), bắt đầu xây mô hình nuôi dúi tại nhà.
Nhiều người biết chuyện cho rằng mang con “chuột rừng” (bà con ở đây vẫn thường gọi dúi là con chuột rừng) về nuôi chỉ có hại. Anh Hòa không nói gì mà chỉ suy nghĩ làm sao cho hiệu quả để mọi người nhận ra thôi.
Anh Hòa kể, tuổi trẻ cũng biết suy tính làm ăn nên đã đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Dành dụm được chút vốn liếng, anh trở về và bắt tay vào khởi nghiệp.
Hàng ngày, anh Hòa đều giành thời gian để đọc báo, xem ti vi để tìm hướng đi trong đó. Thấy nhiều người trẻ đã gây dựng được mô hình nuôi dúi thương phẩm và dúi sinh sản thành công nên đã cố gắng học hỏi.
“Người ta làm được mình cũng làm được chứ. Học hỏi để có kinh nghiệm mà làm”, anh Hòa nói. Nghĩ sao thì quyết tâm làm, anh Hòa bỏ thời gian đến nhiều trang trại lớn ở các tỉnh phía Bắc để tham quan, học tập kinh nghiệm và tính toán để mua giống về nuôi.
Thử sức ban đầu, sau khi đầu tư làm chuồng trại trong vườn nhà, đầu năm 2022, anh đã mua 50 cặp dúi giống về nuôi.
Anh Hòa kể: “Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi nên dúi bị chết khá nhiều do mắc bệnh đường ruột và hô hấp. Không tìm ra cách chữa bệnh cho dúi nên đôi khi tôi hoang mang. Sau đó, tôi lại tìm đến những mô hình trang trại nuôi dúi để học hỏi thêm kinh nghiệm, nhất là cách điều trị các loại bệnh thường gặp ở dúi”.
Sau nhiều lần gặp khó khăn, dần dần, anh Hòa đã nắm vững được kinh nghiệm và đàn dúi cũng phát triển tốt hơn. Đến nay, tổng đàn dúi của anh lên đến 300 con, gồm cả dúi sinh sản và dúi thương phẩm. Mỗi ngày, anh chỉ bỏ ra khoảng 3 giờ đồng hồ để cho dúi ăn và chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Để tìm kiếm đầu ra, anh đã chào hàng tại các nhà hàng trên địa bàn, thông tin trên mạng xã hội.
“Thịt dúi được xem là món đặc sản của các nhà hàng trên địa bàn nên khâu đầu ra cũng khá thuận lợi. Hơn nữa, thịt dúi ngọt, giá trị dinh dưỡng cao nên việc tiêu thụ rất thuận lợi”, anh Hòa cho hay.
Theo anh Hòa, dúi thuộc loài động vật hoang dã nên kỹ thuật nuôi phải cẩn thận hơn các loài nuôi khác. Người nuôi phải nắm chắc tập tính, thói quen của dúi thì mới phát triển được.
Anh Hòa chia sẻ: “Dúi ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, ngủ ngày, ăn về đêm. Thức ăn ưa thích của dúi là các loại cây thuộc họ tre, mía, ngô, sắn, cỏ voi… Chuồng nuôi dúi phải duy trì nhiệt độ từ 25-28 độ C. Để tránh bị sốc nhiệt cho đàn dúi, tôi phải áp dụng các biện pháp để làm mát chuồng nuôi”.
Anh Hòa cũng cho hay, dúi từ khi còn nhỏ nuôi đến khi sinh sản cần khoảng thời gian một năm. Mỗi năm, dúi mẹ sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 4-6 con. Dúi giống sau 3 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt khoảng 0,5kg/con. Riêng nuôi dúi thương phẩm thì sau 8 tháng có thể xuất chuồng. Lúc đó, dúi sẽ đạt được trọng lượng từ 1,5-2kg/con.
Hiện, giá thị trường của dúi thương phẩm khoảng 600.000 - 700.000 đồng/kg, mỗi cặp giống khoảng 1 triệu đồng. Riêng dúi hậu bị (để làm giống), trọng lượng từ 1,5-2kg/con có giá khoảng 3 triệu/cặp. “Đến nay nguồn tiêu thụ trên địa bàn cũng rất rộng mở. Chi phí nuôi dúi cũng không nhiều nên lợi nhuận cũng khá được. Theo tính toán, mỗi năm thu nhập từ nuôi dúi thương phẩm và sinh sản cùng cho lãi khoảng 250 triệu đồng”, anh Hòa bộc bạch.
Anh Hòa cũng đã chuẩn bị vật liệu để mở rộng diện tích nuôi dúi lên gấp đôi. Trao đổi với chúng tôi, anh Hòa nói: “Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống, thuốc chữa bệnh cho những bạn trẻ có đam mê nuôi dúi để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Đồng thời, tổ chức liên kết các hộ nhóm để cung cấp giống cho các trại nuôi và cung cấp thịt thương phẩm cho các nhà hàng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh”.