| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà bản Đầm Hà, nhiều gia đình giàu có

Chủ Nhật 28/07/2024 , 15:20 (GMT+7)

Gà bản Đầm Hà là một trong những sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu cho nhiều gia đình.

Bà Đặng Thị Dung là một trong những hộ tiên phong nuôi gà bản Đầm Hà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bà Đặng Thị Dung là một trong những hộ tiên phong nuôi gà bản Đầm Hà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những năm trước, nhắc đến đặc sản Quảng Ninh, ai cũng nghĩ đến gà Tiên Yên mà ít ai biết gà bản Đầm Hà cũng là đặc sản ngon không kém của địa phương này.

Giống gà bản Đầm Hà được người dân trên địa bàn nuôi giữ giống từ nhiều đời, sản vật nổi tiếng của địa phương Quảng Ninh. Gà bản Đầm Hà được nuôi thả tự nhiên, thịt thơm ngon, thân hình tròn, gọn, cổ ngắn, chân vàng.

Cuối năm 2015, nhận thấy nhu cầu về con giống có chất lượng cao của người dân địa phương là rất lớn, anh Nguyễn Văn Tuyền (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua sắm trang thiết bị máy móc để sản xuất con giống gà bản.

Sau khi tự mày mò làm chủ công nghệ thụ tinh nhân tạo và bắt đầu ổn định việc cung cấp gà giống ra thị trường, anh Tuyền đã vận động 6 hộ trong thôn cùng tham gia thành lập HTX Tuyền Hiền, chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương.

Đến nay, HTX Tuyền Huyền có trang trại nuôi gà rộng gần 2ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 150.000 con gà giống và 30.000 con gà thương phẩm. 

Bà Đặng Thị Dung (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) là một trong những thành viên đầu tiên của HTX Tuyền Hiền tham gia nuôi giống gà bản Đầm Hà. Bà Dung cho biết, trước đây, gia đình trồng lúa, rau màu, thu nhập hàng năm chỉ đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày, không có của ăn của để. Năm 2017, bà đã mạnh dạn nhập giống gà bản Đầm Hà về chăn thả trên diện tích vườn đồi rộng hơn 1ha.

"Hiện tôi đang nuôi 1.400 con gà bản Đầm Hà, trong đó có 700 con chuẩn bị xuất bán. Để duy trì hàng hóa đều đặn, tôi nuôi gối vụ, mỗi năm cho ra thị trường từ 4.000 - 5.000 con. Với giá bán gà mái 120.000đ/kg, gà trống thiến 140.000đ/kg, mỗi năm gia đình tôi thu hàng trăm triệu đồng", bà Dung phấn khởi nói.

Gà bản Đầm Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà bản Đầm Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành.

Không chỉ có gia đình bà Đặng Thị Dung, các thành viên khác trong HTX Tuyền Hiền đều duy trì mô hình nuôi từ 1.000 - 2.000 con gà bản Đầm Hà mỗi lứa. Hàng năm, gà bản Đầm Hà mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, giúp người dân phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền cho biết, ngoài cung cấp con giống, liên kết sản xuất từ thức ăn đến thú y cho các hộ thành viên, HTX còn đứng ra bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, người dân có thể yên tâm sản xuất. 

Hiện nay, HTX Tuyền Hiền đang đồng hành với hơn 100 hộ dân trên địa bàn các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà, Ba Chẽ để liên kết, bao tiêu sản phẩm, đồng thời trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân trên địa bàn cùng nhau chăn nuôi giống gà. Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đầm Hà và các địa phương lân cận không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu.

Tháng 6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu cho sản phẩm gà bản Đầm Hà. Hiện, sản phẩm gà bản Đầm Hà được người tiêu dùng ở thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.