| Hotline: 0983.970.780

Nuôi giống nhuyễn thể, có hộ dân đạt thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm

Thứ Tư 08/11/2023 , 10:35 (GMT+7)

Ninh Bình Sau 3 năm phối hợp giữa Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình và Quảng Ninh, hiệu quả sản xuất của người dân các xã ven biển huyện Kim Sơn tăng khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình Trần Văn Bách (đeo kính) và Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh Ngô Tất Thắng (đứng giữa) thăm mô hình nuôi hàu giống tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình Trần Văn Bách (đeo kính) và Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh Ngô Tất Thắng (đứng giữa) thăm mô hình nuôi hàu giống tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.

Hướng đi tiềm năng

Sau đợt không khí lạnh nhẹ tăng cường vào đầu tháng, nắng lại trải dài khắp các cánh đồng nuôi ngao, nuôi hàu tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn. Hôm nay gia đình ông Hoàng Văn Nam vui mừng đón đoàn công tác của Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình và Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh tới thăm. "Hàu phát triển tốt lắm các anh ạ", ông Nam vừa hồ hởi nói, vừa kéo những dây hàu nặng trĩu từ dưới lên.

Theo lời ông Nam, trước đây bà con xã Kim Trung cũng trăn trở với nhiều hướng đi, cách làm để phát triển kinh tế nông nghiệp. Sau khi tìm hiểu, thấy mô hình nuôi hàu giống khả thi, cộng thêm sự giúp đỡ của Sở NN-PTNT tỉnh và chính quyền địa phương, ông Nam bàn bạc với vợ con, quyết tâm đầu tư nuôi hàu giống để làm giàu.

Trại nuôi hàu sinh sản của ông Nam được xây dựng trên diện tích khoảng 1ha, với các hạng mục chính như nhà ươm hàu, nhà nuôi tảo, phòng dưỡng tảo, bể lọc nước... cùng các trang thiết bị máy móc khác để xử lý môi trường nước.

Ngay trong vụ đầu tiên nuôi thương phẩm, gia đình ông Nam đã thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Phấn khởi, ông tiếp tục đầu tư và coi đây là sinh kế chính của gia đình.

Hộ nhà ông Nam không phải hiếm tại xã Kim Trung. Chủ tịch xã Vũ Trường Thu cho biết, tổng diện tích sản xuất, nuôi trồng thủy sản liên tục tăng trong những năm qua. Năm 2020, mới có 76 cơ sở tham gia sản xuất, với diện tích gần 50ha. Sang đến năm 2023, đã có 169 cơ sở, với diện tích lên tới 130ha, chiến gần một nửa tổng diện tích sản xuất thủy sản toàn xã.

"Năng suất con giống tại Kim Trung đạt khoảng 7,6 triệu con giống/ha, bà con hiện thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có hộ thu nhập đến 1 tỷ đồng/ha/năm", ông Thu chia sẻ.

Lãnh đạo ngành thủy sản Ninh Bình trao đổi với hộ nông dân. Ảnh: Huy Bình.

Lãnh đạo ngành thủy sản Ninh Bình trao đổi với hộ nông dân. Ảnh: Huy Bình.

25 tỉ con giống được chuyển giao

Thành quả này có được là nhờ sự phối hợp giữa Sở NN-PTNT Ninh Bình và Sở NN-PTNT Quảng Ninh trong suốt 3 năm qua.

Ông Vũ Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình cho biết, từ năm 2020 đến nay hai bên đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền về thực hiện các quy định của Luật Thủy sản; 7 hội nghị hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho hơn 500 lượt người tham dự trên địa bàn huyện Kim Sơn.

Tính đến tháng 11/2023, 47 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhuyễn thể trên địa bàn huyện Kim Sơn đã được cấp giấy chứng nhận.

"Vào tháng 2/2023, nhãn hiệu chứng nhận "Hàu giống Kim Sơn" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ giúp thương hiệu Hàu giống được quảng bá rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Đây là bước đệm quan trọng cho việc nâng tầm giá trị đối tượng tiềm năng chủ lực của vùng, tạo sức cạnh tranh và thúc đẩy sản xuất địa phương phát triển", ông Hoàng chia sẻ.

Song song với hoạt động tập huấn, Chi cục Thủy sản còn triển khai thực hiện 6 mô hình, dự án giống nhuyễn thể, tập trung hỗ trợ phát triển các đối tượng giống chất lượng và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Một số mô hình, dự án tiêu biểu như dự án Hỗ trợ sản xuất giống Hàu Thái Bình Dương thực hiện tại 2 xã Kim Trung, Kim Hải, huyện Kim Sơn; mô hình Hỗ trợ sản xuất giống sò huyết tại xã Kim Hải, huyện Kim Sơn…

Nhờ một loạt hoạt động, Ninh Bình phát triển mạnh về sản xuất, cung ứng các loại giống nhuyễn thể. Tại hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện bản ghi nhớ về phối hợp cung ứng, quản lý chất lượng giống nhuyễn thể giữa Ninh Bình và Quảng Ninh, ông Trần Văn Bách, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Binh đặc biệt nhấn mạnh vào số lượng chuyển giao.

Nhờ nghề nuôi giống nhuyễn thể, đời sống của người dân xã Kim Trung được cải thiện đáng kể. Ảnh: Huy Bình.

Nhờ nghề nuôi giống nhuyễn thể, đời sống của người dân xã Kim Trung được cải thiện đáng kể. Ảnh: Huy Bình.

Cụ thể, năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện kiểm dịch và cung ứng 6,2 tỉ con. Năm 2021, con số này tăng trưởng lên 9,5 tỉ. Năm 2022, Ninh Bình kiểm dịch và cung ứng 3,6 tỉ con. Còn trong 10 tháng đầu năm 2023, thực hiện kiểm dịch và cung ứng 4 tỉ con.

"Tính tổng cộng, ngành thủy sản Ninh Bình đã cung ứng gần 25 tỉ con giống trong khoảng 3 năm qua. Đây là một kết quả rất đáng tự hào", ông Bách nói.

Định hướng phối hợp thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình đề nghị các bên tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhuyễn thể tại tỉnh Ninh Bình tìm hiểu, làm việc, hợp tác phát triển sản xuất với các cơ sở nuôi nhuyễn thể thương phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thông qua các hội, hiệp hội nghề nghiệp.

Thay mặt ngành thủy sản Ninh Bình, ông Bách cam kết quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhuyễn thể, đồng thời sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống tư nhân củng cố và mở rộng quy mô; đảm bảo rõ đến cơ sở nhận hoặc đầu mối nhận tại tỉnh Quảng Ninh đối với các lô giống hàu được kiểm dịch và phân phối.

Ông đề nghị phía Quảng Ninh thực hiện hậu kiểm, đánh giá chất lượng lô giống hàu theo danh sách do tỉnh Ninh Bình cung cấp; đồng thời giữ liên lạc, trao đổi thường xuyên kết quả thực hiện để phía Ninh Bình có biện pháp quản lý kịp thời.

Ông Hà Văn Ninh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) hy vọng hai địa phương Quảng Ninh và Ninh Bình tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, giúp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhuyễn thể bền vững.

Do quy mô, sản xuất giống nhuyễn thể tại Ninh Bình ngày càng mở rộng, ông Ninh đề nghị hai địa phương nghiên cứu thành lập một trung tâm sản xuất giống bố mẹ chất lượng cao, giúp chuẩn hóa đầu vào và hạn chế các dịch bệnh có thể phát sinh.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.