| Hotline: 0983.970.780

Nuôi heo mọi lai hiệu quả hơn heo ngoại

Thứ Sáu 10/11/2023 , 22:17 (GMT+7)

VĨNH LONG Heo mọi lai cho hiệu quả kinh tế khá hơn so với heo trắng thông thường bởi chi phí đầu tư thấp, giá bán cao và ít rủi ro.

Heo mọi giống được nhập từ các trang trại uy tín tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Minh Đảm.

Heo mọi giống được nhập từ các trang trại uy tín tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Minh Đảm.

Trong khi nhiều người nuôi heo trắng truyền thống (có nguồn gốc nhập ngoại Landrace, Yorkshire ) gặp khó khăn vì giá heo hơi giảm sâu, một số hộ dân nuôi heo mọi lai ở xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có lãi khá.

Theo chia sẻ của bà con, mô hình nuôi heo tộc lai có ưu điểm chu kỳ chăn nuôi ngắn, giảm rủi ro, quay vòng vốn nhanh, giá bán cao và lãi khá hơn so với heo trắng.

Qua giới thiệu của UBND xã An Bình, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Minh Hùng, Tổ trưởng Tổ nuôi heo đặc biệt này.

Ông Hùng chia sẻ, Tổ nuôi heo mọi lai xã An Bình có 16 hộ thành viên, mỗi hộ nuôi dao động bình quân ở mức 30 - 40 con.

Thị trường heo mọi lai chủ yếu là heo quay, đám tiệc nên trọng lượng heo không cần lớn, từ đó chu kỳ nuôi khá ngắn. Từ lúc heo mới sinh đến xuất chuồng chỉ 90 này lúc này heo đạt trọng lượng 30 - 40kg, với chu kì 14 tháng, bà con nuôi được 4 lứa heo.

Về nguồn con giống, chủ yếu bà con tự nuôi gây đàn. Đặc điểm chung của heo mọi lai là con lai giữa heo mọi (mẹ) và heo trắng hoặc heo rừng (bố). Thân hình heo mọi lai khá nhỏ gọn, có lưng quằn bụng tròn tương tự heo mọi. Heo ít bệnh, thịt ngon nên được thị trường khá chuộng.

Theo kinh nghiệm, bà con chọn heo mẹ đẹp, tiêm ngừa đầy đủ các bệnh để làm heo giống. Khi heo trưởng thành khoảng 7 - 8 tháng có thể phối tinh của heo rừng hoặc heo trắng tùy vào ý thích, kinh nghiệm của từng hộ nuôi.

Heo mọi lai rừng cho hiệu quả kinh tế khá hơn so với heo trắng. Ảnh: Minh Đảm.

Heo mọi lai rừng cho hiệu quả kinh tế khá hơn so với heo trắng. Ảnh: Minh Đảm.

Heo mọi tính tình hiền lành, đẻ sai, nuôi con giỏi. Mỗi lứa, heo đẻ trên chục con, cá biệt có bầy đạt trên 20 con. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm mỗi bầy 12 con là heo con phát triển tốt.

Heo con mới sinh sau 19 - 20 ngày (trọng lượng trung bình 8kg/con) là cai sữa, bán heo giống hoặc nuôi lên thương phẩm (heo thịt). Bà con nuôi thêm 75 ngày heo đạt trọng lượng từ 30kg là có thể xuất chuồng.

Hiện nay, trong khi giá heo trắng khoảng 50.000 đồng/kg thì heo mọi có giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Có hai hình thức chăn nuôi, nếu cho heo ăn 40% là rau củ kết hợp 60% thức hỗn hợp có lãi khoảng 1 triệu đồng/con; còn cho heo ăn 100% thức ăn hỗn hợp thì có lãi từ 650.000 - 700.000 đồng/con.

Mô hình này được ông Hùng khởi xướng, thử nghiệm cách nay gần chục năm. Khi đó, thấy nuôi heo trắng vốn đầu tư lớn và thời gian nuôi kéo dài đến 5-6 tháng mới xuất chuồng. Điều kiện gia đình còn thiếu thốn nên khó đầu tư chăn nuôi.

Ông Hùng kể đã từng nuôi thử nghiệm 100 con heo rừng nhưng kinh nghiệm chăn nuôi chưa có, heo chưa thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương nên heo nuôi không đạt.

Sau này, ông Hùng học hỏi thêm kỹ thuật nuôi heo từ bạn bè và chuyển hướng sang nuôi heo mọi lai rừng.

Heo mọi lai rừng thích nghi tốt với khí hậu, nguồn nước, thức ăn địa phương nên mô hình chăn nuôi phát triển tốt. Từ mô hình này, bà con xung quanh học tập nhân rộng và có đời sống khá ổn định.

Người chăn nuôi heo mọi lai cho biết heo ít bệnh, thịt ngon được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Minh Đảm.

Người chăn nuôi heo mọi lai cho biết heo ít bệnh, thịt ngon được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Minh Đảm.

Thấy mô hình có thể giúp bà con nghèo ở địa phương vươn lên, UBND xã An Bình còn tạo điều kiện để bà con vay vốn chăn nuôi từ Quỹ hỗ trợ nông dân.

Và Tổ hợp tác nuôi heo mọi lai được ra đời, bà con có thêm điều kiện để học tập chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Hiện, Tổ hợp tác này có 10 hộ được vay vốn, mỗi hộ được vay trung bình 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi.

Bà Trần Thị Lệ, Tổ 15, ấp An Thạnh, xã An Bình cũng là thành viên của Tổ hợp tác nuôi heo ấp An Thạnh được hỗ trợ vốn. Bà Lệ gây dựng đàn heo lai trở lại sau thất bại của nuôi heo trắng từ mấy năm trước. Hiện bà đang nuôi đàn heo mọi lai heo trắng với 2 nái và 14 heo con. Hơn 3 tháng, bà lại có heo xuất bán một lần.

Theo bà Lệ, heo mọi lai heo trắng có trọng lượng cao hơn heo mọi lai heo rừng. Heo lai nuôi từ 50 - 60kg xuất chuồng là tốt nhất bởi heo lớn hơn sẽ có nhiều mỡ.

Bà Lệ cho biết, các thương lái thu mua giá ít nhất 70.000 đồng/kg, nhiều lúc trên 90.000 đồng/kg. “Nguồn giống heo mọi được chỗ chú Hùng mua dùm ở Bình Dương. Tui chọn heo đẹp để nái gầy đàn. Thấy heo con ít bệnh, nuôi mau lớn, bán được giá, có lời ngon”, bà Lệ nói.

Hiện nay, trong điều kiện chăn nuôi ngày càng khó khăn, người chăn nuôi đã tìm nhiều cách để thích ứng, trong đó có sự dịch chuyển chăn nuôi các vật nuôi ít tốn kém chi phí đầu tư, chu kì chăn nuôi ngắn, ít rủi ro.

Mô hình chăn nuôi heo mọi lai của bà con xã An Bình như là sự thích ứng với thay đổi của ngành chăn nuôi heo hiện nay.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.