| Hotline: 0983.970.780

Nuôi heo thảo dược, heo khỏe, môi trường trong lành

Thứ Tư 20/09/2023 , 09:04 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Người nuôi heo thảo dược phải biết tính năng các loài thảo dược, biết tự làm chế phẩm sinh học và kỹ thuật phối trộn để làm thức ăn cho heo. Dễ mà không dễ!

Từ nuôi heo VietGAP đến nuôi heo bằng thảo dược

Năm 2019, chị Lê Thị Liễu (49 tuổi) ở thôn Khoa Trường, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) bắt đầu công cuộc nuôi heo trên đệm lót sinh học. Heo giống chị Liễu tự sản xuất với quy trình khép kín nên không lo dịch bệnh. Heo thịt được thả nuôi trên sàn úm, ăn các loại men và dung dịch trùn quế để kích thích tiêu hóa và tạo hệ miễn dịch kháng thể.

TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH-CN Bình Định (thứ hai từ trái sang), cùng đoàn công tác thăm mô hình chăn nuôi heo an toàn bằng thảo dược và chế phẩm sinh học tại trang trại của chị Lê Thị Liễu ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH-CN Bình Định (thứ hai từ trái sang), cùng đoàn công tác thăm mô hình chăn nuôi heo an toàn bằng thảo dược và chế phẩm sinh học tại trang trại của chị Lê Thị Liễu ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Khi heo giống đạt 20kg/con, trước khi chuyển sang chuồng đệm lót sinh học để nuôi thịt thì heo giống được tiêm tất cả những loại vacxin phòng bệnh cần thiết. Đến khi heo đạt 40 - 50kg/con thì chuyển sang chuồng rộng hơn, có hồ nước, có khu vực vận động hẳn hoi để heo đi lại, tắm táp. Trang trại nuôi heo công nghiệp của chị Liễu đạt cả ngàn con.

Sau thành công với quy trình nuôi heo công nghiệp trên đệm lót sinh học, chị Liễu thử nghiệm nuôi heo bằng các loại thảo dược. Trong những dãy chuồng nuôi heo công nghiệp, bà dành ra 1 dãy riêng để nuôi heo thảo dược với 3 lứa/năm, mỗi lứa 100 con, lứa này cách lứa kia 2 tháng.

“Do heo nuôi bằng thảo dược phải cả năm mới xuất chuồng nên cứ cách 2 tháng tôi thả 1 lứa giống mới để có heo xuất chuồng theo kiểu cuốn chiếu. Khi xuất chuồng, heo đạt từ 100 - 120kg/con”, chị Liễu cho hay.

Trang trại nuôi heo của chị Liễu cách ly hoàn toàn với bên ngoài để đề phòng lây lan dịch bệnh. Lực lượng nhân viên kỹ thuật, công nhân, bác sĩ thú y có đến vài chục người thường xuyên túc trực trong khu chăn nuôi, cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Cả chị Liễu là chủ trang trại, nếu muốn vào khu chăn nuôi thì trước đó cũng phải cách ly 24 tiếng đồng hồ rồi mới vào. 

Cây thảo dược Hồng Ngọc được trồng trong trang trại của chị Lê Thị Liễu ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân). Ảnh: V.Đ.T.

Cây thảo dược Hồng Ngọc được trồng trong trang trại của chị Lê Thị Liễu ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân). Ảnh: V.Đ.T.

“Công nhân, bác sỹ thú y của trang trại chúng tôi có đến hàng chục người chia ca thay nhau trực khu chăn nuôi. Nhân viên kỹ thuật và công nhân 1 tháng chỉ được về nhà 2 - 3 ngày. Trong khu chăn nuôi thường xuyên có khoảng 20 người trực để chăm sóc, cho heo ăn. Hàng ngày, tôi theo dõi khu nuôi heo công nghiệp và khu nuôi heo thảo dược qua màn hình camera, khi nào có việc cần lắm tôi mới vào khu chăn nuôi”, chị Liễu cho hay.

Nghiên cứu kỹ về cây dược liệu

Chị Liễu nuôi heo thảo dược đã được 4 năm nay. Ban đầu, chị cho heo ăn kèm với thức ăn hàng chục loại thảo dược. Bây giờ, chị chắt lọc chỉ còn cho heo ăn 5 loại cây thảo dược có tác dụng tốt nhất. Không làm theo cảm tính, chị Liễu đã cất công nghiên cứu rất kỹ về cây dược liệu.

Theo chị Liễu, 5 loại thảo dược được lựa chọn để làm thức ăn bổ sung cho heo là đinh lăng, chè đại, hoàn ngọc, sâm đất và tía tô. Theo chị, đinh lăng có nhiều chất bổ dưỡng trong củ, thân, cả cành lá đinh lăng cũng được dùng làm thuốc chữa tê thấp, đau nhức. Đinh lăng còn có công dụng tăng cường thể lực, giảm stress, kháng viêm...

Chè đại là cây dược liệu được du nhập về Việt Nam từ Trung Mỹ và phía bắc Nam Mỹ, được trồng làm thức ăn cho gia súc. Đặc biệt, chè đại là món ăn khoái khẩu của heo, thỏ và vịt. Lá chè đại giàu protein, được dùng để chữa bệnh cho gia súc ở Colombia, có nơi nó được dùng để trị đầy hơi và giữ nhau thai cho bò.

Chị Lê Thị Liễu trong vườn cây thảo dược trồng để cho heo ăn. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Lê Thị Liễu trong vườn cây thảo dược trồng để cho heo ăn. Ảnh: V.Đ.T.

Cây Hoàn Ngọc cũng được chị Liễu chọn làm thức ăn cho heo. Trong cây Hoàn Ngọc có chứa nhiều thành phần hóa học có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, chống oxy hóa và bảo vệ gan. Ở Việt Nam, cây Hoàn Ngọc mọc khắp từ đồng bằng đến vùng núi.

Cây sâm đất chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe như pectin, flavonoid, phenolic acid, vitamin C, carotenoid, canxi, magie, kali… Ngoài ra, cây sâm đất còn chứa các axit amin thiết yếu và các chất kháng khuẩn, rất có lợi cho vật nuôi. Còn cây tía tô có khả năng chống viêm, chống dị ứng, chống oxy hóa, giảm cholesterol...

“Nuôi heo thảo dược là sử dụng các loại cây thuốc, dược liệu hoặc các sản phẩm chiết xuất từ thảo dược để bổ sung vào khẩu phần ăn của heo nhằm phòng bệnh, kích thích tiêu hóa, tăng trọng, cải thiện chất lượng thịt và giảm lượng kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi heo”, chị Liễu cho biết.

Nuôi heo thảo dược không chỉ mang lại lợi ích cho người chăn nuôi, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Sử dụng thảo dược trong chăn nuôi heo giúp giảm tỷ lệ chết, tăng tỷ lệ chuyển hóa thức ăn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Heo được cho ăn cây thảo dược tươi chưa qua sơ chế. Ảnh: V.Đ.T.

Heo được cho ăn cây thảo dược tươi chưa qua sơ chế. Ảnh: V.Đ.T.

Heo ăn thảo dược còn giúp giảm lượng kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi, từ đó giảm nguy cơ kháng thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, việc sử dụng thảo dược trong chăn nuôi heo còn giúp giảm lượng amoniac và ni tơ tổng hợp trong phân heo, từ đó giảm ô nhiễm không khí và môi trường nước

“Ngoài vườn cây thảo dược trồng trong khuôn viên trang trại với diện tích 1.000m2, hiện chúng tôi còn liên kết với nhiều hộ dân địa phương trồng 5 loại cây thảo dược nói trên để cung cấp cho trang trại làm thức ăn cho heo”, bà Lê Thị Liễu chia sẻ.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.