| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn rủi ro, Hưng Yên 'xúi' dân nuôi bò, gà Đông Tảo

Thứ Tư 09/09/2020 , 07:10 (GMT+7)

Mặc dù giá lợn hơi đang cao, nhưng tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn ồ ạt. Thay vào đó, cần tăng tỷ trọng sản phẩm gia cầm và trâu, bò.

Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Hưng Yên định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm và trâu bò, giảm dần tỷ trọng thịt lợn. Ảnh: Minh Phúc.

Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Hưng Yên định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm và trâu bò, giảm dần tỷ trọng thịt lợn. Ảnh: Minh Phúc.

Không khuyến khích tăng nóng đàn lợn

Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết, đến nay đàn lợn của Hưng Yên đã đạt khoảng 480.000 con (tăng 25 - 27% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi).

Đây là tín hiệu mừng, tuy nhiên, ông Tưởng bày tỏ lo ngại “nếu tỉnh nào cũng tái đàn ồ ạt như Hưng Yên thì không khéo chỉ một thời gian nữa thôi, các ngành chức năng lại phải giải cứu đàn lợn do giá cả xuống thấp”.

Chính vì vậy, chủ trương của tỉnh Hưng Yên là không khuyến khích các hộ chăn nuôi tăng đàn lợn, chỉ cơ sở nào đủ điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi thì mới được tái đàn.

“Mong sao Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các tỉnh phát triển đàn lợn ở quy mô vừa phải, tránh tình trạng nâng tổng đàn lợn cả nước lên 30-32 triệu con thì lại đến lúc giải cứu”, ông Tưởng nhấn mạnh.

Theo định hướng của tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tổng đàn lợn đạt khoảng 580.000 – 590.000 con, chiếm khoảng 55 – 56% tổng sản lượng thịt các loại.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tỷ trọng chăn nuôi gia cầm, nhất là chăn nuôi gà Đông Tảo, Đông Tảo lai (hiện sản phẩm gia cầm đã chiếm khoảng 29- 30% tổng sản lượng thịt các loại) và đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt chất lượng cao (cố gắng nâng tỷ trọng khoảng 7- 8% đến năm 2025).

Ông Nguyễn Đình Tưởng cho biết, trong nội bộ từng ngành chăn nuôi cũng phải tái cơ cấu. "Ví dụ như chăn nuôi gia cầm chúng tôi đẩy mạnh chăn nuôi gà lông màu phấn đấu tiếp cận 95%, trong đó gà lai, gà Đông Tảo 40- 45%. Trong chăn nuôi bò, giống bò 3 máu chất lượng cao phấn đấu đến năm 2025 khoảng 40- 45%.

Còn trong chăn nuôi phải tiếp cận theo hướng nâng tỷ trọng chăn nuôi VietGAP trong tổng thể chăn nuôi lên khoảng 30% vào năm 2025", vẫn theo ông Tưởng.

Phát triển nuôi gà Đông Tảo

Xã Việt Hưng (huyện Văn Lâm) có 60 - 70 hộ nuôi gà số lượng lớn từ 200 đến hàng nghìn con. Nông dân ở đây chủ yếu nuôi gà thương phẩm với 2 giống là gà lai ba máu và gà Đông Tảo lai.

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, sau khi đạt 5-6 tháng tuổi, trọng lượng trung bình gà Đông Tảo lai khoảng 3kg. Giá xuất chuồng dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, trừ chi phí người nuôi lãi từ 30.000 – 40.000 đồng/kg.

Gà Đông Tảo lai được nuôi nhốt chuồng hoặc thả vườn, kết hợp cho ăn thức ăn công nghiệp và các loại thức ăn sẵn có như ngô, thóc, rau… vừa giảm chi phí đầu vào, vừa bảo đảm chất lượng thịt gà khi xuất bán.

Gà Đông Tảo là đặc sản của tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Minh Phúc.

Gà Đông Tảo là đặc sản của tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Ưng Văn Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hưng Yên, cho biết, từ năm 2018, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã tiến hành chọn lọc, mua 240 con gà Đông Tảo một tháng tuổi (200 mái, 40 trống) của các hộ chăn nuôi ở Hợp tác xã chăn nuôi Hợp Phát thuộc xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu.

Những con gà tiếp tục được đưa về Trung tâm để chọn lọc và nhân giống thuần chủng, lưu giữ giống gốc để đảm bảo nguồn gen quý gà Đông Tảo không bị mai một.

Theo Phòng Chăn nuôi của Sở NN-PTNT Hưng Yên, số lượng tổng đàn gia cầm bình quân 4 năm qua của tỉnh dao động xung quanh 9 triệu con, cao nhất là năm 2020 với 10 triệu con (trong đó đàn gà  trên 7,3 triệu con, vịt 2,7 triệu con).

Chăn nuôi gia cầm nông hộ quy mô dưới 300 con/hộ giảm mạnh và tăng nhanh chăn nuôi quy mô bình quân từ 700-1.000 con, nhất là ở những hộ bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã chuyển sang chăn nuôi gà. Sản lượng thịt hơi bình quân 31.200 tấn, cao nhất năm 2020 đạt 35.600 tấn, tốc độ tăng bình quân hàng năm 9,4%, sản lượng trứng đạt trên 334 triệu quả.

Ngoài gà Đông Tảo và Đông Tảo lai vốn là những vật nuôi đặc sản của tỉnh Hưng Yên, còn có các giống nhập từ tỉnh khác như gà Lương Phượng, Tam Hoàng, gà Rohde và các giống gà lai khác, các giống gà siêu trứng như gà Isa brown, gà Ai cập…

Đối với chăn nuôi vịt, tỉnh Hưng Yên khuyến khích phát triển các giống vịt siêu thịt như CVSuperM… siêu trứng như Kaki Cambell, vịt Chiết Giang...; khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học cùng với áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình nuôi gia cầm thịt, trứng đã được chuyển giao cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đình Tưởng cho biết, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm nhất là cúm gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, chăn nuôi gia cầm theo hướng VietGAHP, an toàn sinh học được mở rộng, bình quân hàng năm số cơ sở, số hộ chăn nuôi gia trại, trang trại an toàn sinh học lên 30%.

Hình thức chăn nuôi chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại tận dụng được nguồn lao động tại địa phương, các phụ phẩm trong nông nghiệp, hệ thống chuồng trại của một số trang trại được nâng cấp, khép kín đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Hộ nuôi lợn chuyển đổi sang gia cầm, khó hay dễ?

Có thời điểm, trại lợn có hệ thống làm mát của gia đình ông Nguyễn Như Khanh (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu) nuôi 500 lợn thịt. Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, dù đàn lợn không bị lây nhiễm virus ASF nhưng vì giá cả lao dốc nên ông Khanh quyết định chuyển đổi sang nuôi vịt.

“Ở trong môi trường trại lạnh đàn vịt sinh trưởng nhanh và rất khỏe mạnh, tuy nhiên chi phí chăn nuôi khá cao nên không có lãi”, ông Khanh chia sẻ.

Ông Hoàng Nguyễn Hoàng, Giám đốc HTX Chăn nuôi hữu cơ Hợp Phát (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ, HTX có 7 xã viên theo đuổi ngành chăn nuôi lợn từ rất lâu.

Thời điểm “bão” giá lợn, một số người phải chuyển sang nuôi gia cầm như gà, vịt nhưng vừa rồi giá gia cầm rẻ cộng với việc thiếu chuyên môn nên gia cầm đạt năng suất thấp, hiệu quả kinh tế bấp bênh. Bởi vậy, họ dự định tiếp tục theo đuổi con lợn.

Ông Phan Văn Hiếu, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khoái Châu, cho biết: “Cơ cấu chăn nuôi đang mất cân đối khi lợn vẫn chiếm tỷ trọng lớn, theo chỉ đạo của UBND huyện, thời gian tới sẽ khuyến khích bà con chăn nuôi gia cầm. Hiện nay, Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực, theo đó tỷ trọng thịt lợn trong tổng sản lượng thịt các loại chắc chắn sẽ giảm, bởi để đạt điều kiện chăn nuôi lợn không hề dễ dàng”.

100% đàn bò được Sind hóa

Nguồn cỏ tự nhiên dồi dào, nguồn thức ăn thô xanh phong phú, lại sẵn có các loại phụ phẩm nông nghiệp, Hưng Yên là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Năm 2020 tổng đàn bò toàn tỉnh ước đạt 41.441 con (đạt khoảng 83% kế hoạch), trong đó đàn bò sữa 2.600 con (tương đương 130% kế hoạch đề ra trong năm 2020). Do ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa, một số diện tích đất dành cho trồng cỏ bị thu hẹp, dẫn đến tốc độ phát triển đàn trâu, bò không đạt số lượng như kế hoạch đề ra.

Chăn nuôi bò thịt là một trong những thế mạnh của tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Minh Phúc.

Chăn nuôi bò thịt là một trong những thế mạnh của tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Minh Phúc.

Tuy nhiên, chất lượng con giống ngày càng được cải thiện theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; 100% đàn bò được sind hóa, trong đó đàn bò lai 3 máu chiếm 40% (kế hoạch đề ra 35-40%), tốc độ tăng bình quân tăng 7,0%/năm.

Tổng sản lượng thịt trâu, bò bình quân hàng năm khoảng 3.600 tấn, cao nhất năm 2020 là 4.000 tấn; sản lượng sữa bình quân 5.100 tấn sữa, cao nhất năm 2020 là 6.800 tấn sữa; đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi bò lên 2,3-2,8% trong cơ cấu chăn nuôi.

Trọng lượng bình quân xuất chuồng bò thịt khoảng 400-500kg/con (tăng 50-70kg so với bò lai sind); sản lượng sữa bình quân đạt 5.000 lít/chu kỳ. Tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò tiếp tục được kiểm soát tốt, nhất là bệnh lở mồm long móng.

Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi từng bước được chuyển đổi theo hướng nâng cao quy mô chăn nuôi; tỷ lệ hộ chăn nuôi 5-10 con chiếm 10-15%, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi bò hàng hóa tập trung quy mô 100-200 con như HTX chăn nuôi Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ và các huyện ven đê như Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Văn Giang...

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhờ giống cây trồng cải tiến

CropLife Việt Nam, Syngenta, BiOWISH đã phát triển nhiều công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm tăng cường sức khỏe cây trồng, tiết kiệm phân bón, hướng tới sản xuất xanh, bền vững.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.