| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lươn làm giàu: [Bài 1] Mỗi m2 nuôi lươn bỏ túi bạc triệu

Thứ Sáu 12/11/2021 , 14:48 (GMT+7)

Phú Thành A là một trong những xã đi đầu về nuôi lươn ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Con lươn đã giúp nhiều hộ ở đây không chỉ thoát nghèo mà còn giàu lên.

Mặc dù so với vài năm trước, giá lươn thành phẩm đã giảm, còn từ 140-170 ngàn đồng/kg, nhưng người nuôi vẫn lãi khá, lợi nhuận vẫn gấp 5-7 lần trồng lúa. Vì thế, hiện trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có hàng trăm hộ nuôi lươn, bình quân mỗi hộ từ 10 đến 30 bồn, tập trung nhiều tại các xã Phú Thành A, Phú Thành B, An Long, thị trấn Tràm Chim…

Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Phú Thành A, chúng tôi tìm đến ấp Phú Điền, nơi có những người nuôi lươn đầu tiên ở xã Phú Thành A, họ vừa thành lập một Hội quán nuôi lươn với 32 thành viên, do ông Võ Văn Lớn, 55 tuổi, làm chủ nhiệm. Trụ sở Hội quán là căn nhà khá to của ông Chủ nhiệm.

Ông Phan Văn Luống, 60 tuổi, ở ấp Phú Điền, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, Phó chủ nhiệm Hội quán nuôi lươn Phú Thành A cho biết: “Tôi nuôi lươn từ năm 2010. Trước đó tôi nuôi cá lóc thịt, nhưng không lời bao nhiêu. Lần đó, tôi vét ao cá lóc, mà thu được cả gần tạ lươn, lái họ đến mua hết, giá cao hơn cá lóc mấy lần. Lúc đó tôi mới suy nghĩ, thay vì nuôi cá lóc, sao mình không nuôi lươn? Rồi tôi đi tìm hiểu mới biết, người ta đã nuôi lươn rồi, nuôi trong bể lót bạt, bồn xi măng lót bùn. Sau khi tìm hiểu, tôi bắt tay làm thử một bể lót bạt, rồi gom mua mấy con lươn người ta đặt dớn được, về thả nuôi. Năm đầu tiên nuôi ít, chưa có lời. Nhưng tự nhiên thấy ham, nên năm sau tôi làm tiếp 1 bể nữa, mỗi bồn 10m2. Năm thứ 2 bắt đầu có lời. Lúc đó, giá lươn lên tới 220 - 250 ngàn đồng/kg, thấy ham lắm”, ông Luống kể.

Ông Võ Văn Lớn, Chủ nhiệm Hội quán Phú Thành bên những bồn nuôi lươn kiểu cũ. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Võ Văn Lớn, Chủ nhiệm Hội quán Phú Thành bên những bồn nuôi lươn kiểu cũ. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Luống cho biết, nuôi lươn rất dễ, tỷ lệ hao hụt thấp, ít bệnh, chăm sóc đơn giản, chỉ cần để ý chút là nuôi được. Thức ăn ưa thích nhất của lươn là ốc, ngoài ra còn các loại cá tạp, cua, ốc bươu vàng xay nhuyễn, nấu chín, thỉnh thoảng trộn thêm men tiêu hoá. Ngoài ra, cho thêm thức ăn dạng viên chế biến sẵn. Một số chú ý về kỹ thuật nuôi lươn, đó là diện tích bồn tối ưu nhất để lươn phát triển tốt và dễ chăm sóc, vệ sinh, thu hoạch là không lớn hơn 10m2. Do tập tính của lươn thường ăn 1 lần vào lúc chiều mát, nên cần chú ý cho ăn đúng thời điểm, nếu không lươn sẽ không ăn hoặc ăn không hết. Nếu thấy lươn ăn còn dư thức ăn, thì cần thay nước, hoặc giảm lượng thức ăn lại, tránh để tồn thức ăn trong nước, làm ô nhiễm gây bệnh cho lươn.

Ông Võ Văn Lớn, Chủ nhiệm Hội quán nuôi lươn Phú Thành cho biết, 1 con lươn giống mua 8 ngàn, chi phí thức ăn tương đương với giá con giống, tức mỗi con ăn hết khoảng hơn 8 ngàn. Như vậy, chi phí ban đầu cho 1 bồn lươn 500 con từ lúc nuôi đến khi xuất bán gồm 4 triệu tiền giống và khoảng 5 triệu tiền thức ăn. Thời gian nuôi từ 8 tháng đến 1 năm, tuỳ khả năng tài chính của người nuôi mà xuất bán sớm hay muộn. Nếu nuôi đạt, thì bình quân mỗi bồn như vậy, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Như vậy, với 35 bồn lươn, mỗi năm ông Võ Văn Lớn thu về khoảng 300 triệu đồng. Nếu tính trên diện tích thì đây quả là con số khủng.

Trên cùng 1 diện tích, trong khi nuôi nuôi lươn bùn thả 500 con giống, thì kiểu nuôi sạch trong bồn lót gạch bông, mật độ thả lên tới 1200 con, lươn nhanh lớn hơn. Ảnh: Minh Sáng.

Trên cùng 1 diện tích, trong khi nuôi nuôi lươn bùn thả 500 con giống, thì kiểu nuôi sạch trong bồn lót gạch bông, mật độ thả lên tới 1200 con, lươn nhanh lớn hơn. Ảnh: Minh Sáng.

Nghe tôi hỏi về tin đồn người nuôi lươn trộn thuốc ngừa thai vào thức ăn cho lươn để lớn nhanh, ông Võ Văn Lớn, chủ nhiệm Hội quán lươn Phú Thành A cười, cho biết: “Không phải đâu. Đó là thuốc xổ ký sinh trùng, của mấy công ty chuyên về thuỷ sản họ sản xuất. Đây là thuốc xổ dành cho các loại thủy sản, bao bì ghi chung chung vậy, có thể dùng cho cá, ếch, lươn…Do lươn có trứng thường ăn ít, chậm lớn nên người ta trộn thuốc cho xổ trứng, chứ đâu phải thuốc ngừa thai”.

Nói về sự ra đời của Hội quán nuôi lươn Phú Thành, ông Chủ nhiệm Võ Văn Lớn cho biết: Hội quán có 32 hội viên, do ông và ông Luống khởi xướng. Hội quán lập ra nhằm để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn và hỗ trợ tìm đầu ra ổn định, chọn con giống đạt chất lượng; chia sẻ kỹ thuật xử lý nước, sử dụng thuốc và các chế phẩm sinh học trong nuôi lươn, nuôi trồng thủy sản, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân từ khâu con giống đến đầu ra sản phẩm.

Ông Võ Văn Lớn (trái) và ông Phan Văn Luống, là những người đầu tiên thoát nghèo, giàu lên nhờ nuôi lươn ở Phú Thành A, Tam Nông. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Võ Văn Lớn (trái) và ông Phan Văn Luống, là những người đầu tiên thoát nghèo, giàu lên nhờ nuôi lươn ở Phú Thành A, Tam Nông. Ảnh: Minh Sáng.

“32 hội viên Hội quán có đến 410 bồn lươn. Đây là con số khá lớn, sản lượng hàng năm lên đến hàng chục tấn lươn thành phẩm. Vào Hội quán, bà con được tham gia các hội thảo liên kết công ty, doanh nghiệp cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm bằng sự ký kết hợp đồng với mình, mình sẽ có giá cao hơn, ổn định hơn, giảm thiểu rủi ro, hạn chế bị ép giá. Mặc dù mới thành lập, nhưng quyền lợi ban đầu các thành viên nhận được là toàn bộ lươn thành phẩm của các thành viên cùng được hỗ trợ tiêu thụ với giá tương đương nhau. Ngoài ra, các thành viên còn hỗ trợ nhau về con giống, vốn vay”, ông Lớn nói.

“Phú Thành Hội quán là nơi gắn kết các thành viên, đoàn kết thắt chặt tình làng nghĩa xóm, cùng nhau hợp tác làm ăn có hiệu quả và bàn bạc nâng cao giá trị con lươn trên thị trường; chia sẻ những kỹ năng, kiến thức, kỹ thuật nuôi lươn hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu trong buổi lễ ra mắt Hội quán nuôi lươn Phú Thành tháng 1/2020.

Còn tiếp...

Xem thêm
Doanh nghiệp nên quan tâm phòng hộ giá qua thị trường cà phê phái sinh

Chuyên gia của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đưa ra công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trước những biến động của giá cà phê hiện nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

HanoPhavico xứng danh người đồng hành tin cậy của các hộ chăn nuôi

HanoPhavico không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thay đổi tư duy chăn nuôi theo hướng khoa học, hiệu quả, bền vững.