Việc nuôi mèo trong nhà không hề làm gia tăng nguy cơ bị ung thư não. Đó là kết quả của một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học người Anh ở trên 625.000 phụ nữ độ tuổi trên 60. Đây là một tin vui lớn với đối với những người yêu thích loài vật nuôi này.
Trên thực tế, mèo không phải là yếu tố trực tiếp gây ung thư não mà là do kí sinh trùng Toxoplasma gondii sống kí sinh trong ruột và có thể lây truyền sang người qua phân mèo. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, số người chết vì ung thư não trong các vùng dân cư mà số lượng người bị nhiễm Toxoplasma cao hơn các vùng khác.
Sống bên trong tế bào của vật chủ, kí sinh Toxoplasma có vòng đời phức tạp. Nó có thể truyền nhiễm sang rất nhiều các loài động vật khác nhưng nó chỉ có thể sinh sản trong ruột của mèo. Chính vì điều này mà mèo đột nhiên trở thành động vật bị liệt vào dạng nguy hiểm, có khả năng đẩy mạnh nguy cơ ung thư não ở người. Tồn tại dưới dạng bào tử cư trú trong phân, loài kí sinh này có thể lây truyền sang các loài động vật ăn cỏ, loài gặm nhấm và cả con người do tiếp xúc bệnh phẩm.
Với vòng đời như nêu trên, Toxoplasma có mặt ở khắp mọi nơi trong thế giới sống. Người ta ước tính gần 1/3 người nhiễm kí sinh Toxoplasma. Bình thường, Toxoplasma "ngủ" trong cơ thể của vật chủ và nó hoạt động khi vật chủ có vấn đề về sức khỏe hay sức đề kháng bị giảm sút và gây nên những bệnh về mắt và não bộ. Ở phụ nữ mang thai, loài kí sinh này có thể truyền sang thai nhi và gây nên những dị tật, thậm chí gây sảy thai.
Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu gần đây vẫn còn nghi ngờ về tác động của loài kí sinh này đối với con người, đặc biệt với khả năng lưu trú của nó trong hệ thần kinh đã gây nên các bệnh tâm thần như thần kinh phân liệt. Nhìn chung, Toxoplasma còn là đề tài cho nhiều công trình nghiên cứu trong những năm sắp tới.