Ông Tâm duy trì đàn nai cho thu nhập khá
Ông Tâm cho biết, tính đến nay ông đã có thâm niên trong nghề nuôi nai trên 20 năm. Hiện nhiều người không còn mê nghề nuôi nai, bởi những năm gần đây sản phẩm nhung nai tiêu thụ chậm. Một phần là do nhung nai là sản phẩm “xa xỉ” nên giá đắt đỏ. Bên cạnh đó, nghề nuôi yến đang phát triển khiến thêm các sản phẩm cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên nhờ ông gây dựng đàn từ trước hiện chỉ có thu chứ không đầu tư, sản phẩm nhung nai khai thác có chất lượng nên được thị trường ưa chuộng.
“Lúc khởi nghiệp tôi chỉ sở hữu 2 cặp giống, nhưng đến nay đàn nai được duy trì 20 con, trong đó 11 con đực và 9 con nái. Trung bình mỗi năm tôi khai thác từ 15 - 20kg nhung cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận. Với giá nhung hiện nay dao động từ 4,5 - 5 triệu đồng/kg, dịp Tết giá có thể tăng từ 5,5 - 6 triệu đồng/kg, vì quan niệm dân gian mua nhung là "mua lộc”, ông Tâm cho biết thêm.
Cũng theo ông Tâm, nghề nuôi nai rất dễ, thậm chí không tốn công chăm sóc nhiều như nuôi bò. Do đó, dù nuôi 20 con nai nhưng hằng ngày ông vẫn ra đồng sản xuất 2,5 sào rau màu và hoa Tết, cũng cho thu nhập khá.
Tôi tò mỏ hỏi thêm cách chăm sóc nai như thế nào mà dễ. Ông cho biết, nai không kén thức ăn. Các sản phẩm phụ thu nông nghiệp đều ăn được, tuy nhiên sở thích của nai là ăn các loại trái cây, đặc biệt là chuối. Nhờ ăn chuối không chỉ giúp nai khỏe mạnh, mà còn nuôi nhung tốt.
“Trước khi nuôi nai tôi từng nuôi bò, heo. Qua nhiều năm tôi nhận thấy nai dễ nuôi và chăm sóc, vì chúng ăn bất cứ thứ gì như lá cây, rau cỏ, trái cây nên chi phí đầu tư rất thấp. Nhưng để nai sinh trưởng và phát triển tốt tôi thường cho ăn theo sở thích của chúng. Nó thích ăn gì là tôi cho ăn cái đó. Nhờ vậy đàn nai nhà tôi nuôi khỏe mạnh cho nhung trung bình đạt từ 2 - 4kg/con/năm”, ông Tâm khẳng định.
Hiện ông Tâm có đàn nai 20 con
Ông Tâm lưu ý bà con có dự định nuôi nai cần tìm hiểu về kỹ thuật và kinh nghiệm những người đi trước cũng như về nguồn gốc giống và đặc tính của nai để dễ chăm sóc. Ngoài ra, trong việc khai thác nhung hay đến thời kỳ nai đẻ, người nuôi cũng cần phải biết quy trình để xử lý. Cụ thể, như khâu cắt nhung, phải kiểm tra kỹ chuồng trại, bố trí cát lót chuồng, dụng cụ cắt nhung, rơm lót đầu nai… để khi giật nai xuống cắt không làm bị thương dẫn đến chết.
"Đối với nai đực nên mua con giống lúc 6 tháng tuổi. Nai 2 năm tuổi có thể cho nhung, nếu chăm sóc tốt mỗi năm có thể cho nhung hai lần. Đối với nai cái, sau khi sinh từ 8 - 10 tháng tuổi sẽ phối đực, mang thai và đẻ 1 con 1 lần và nuôi 4 tháng tuổi có thể bán giống", ông Tâm chia sẻ.