| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ốc nhồi cũng có cơ hội làm giàu

Thứ Sáu 30/09/2022 , 10:35 (GMT+7)

THANH HÓA Với nhu cầu thị trường ngày càng tăng, nhiều hộ dân ở Hà Trung (Thanh Hóa) đã tận dụng ao, ruộng trũng để nuôi ốc nhồi, cho thu nhập 35 - 40 triệu đồng/sào (500m2).

Xưa rồi câu nói "dân cua ốc"

Câu cửa miệng “dân cua ốc” có ý bông đùa người ở thôn quê nghe cũng đôi chút chạnh lòng. Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ, ngoài những món ăn đặc sản rừng, biển cao lương mỹ vị, cua ốc cũng góp mặt trong các bữa tiệc đãi khách sang trọng ở nhà hàng và bữa ăn thịnh soạn trong gia đình. Con ốc lồi (có nơi gọi ốc nhồi, ốc bươu đen) ở vùng đất đồng chiêm trũng huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa hiện nay ngày càng "lên ngôi”, được coi là món ăn đặc sản, thị trường rất ưa chuộng.

Ốc thu hoạch tại trang trại tổng hợp Tống Văn Quân, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa

Ốc nhồi thu hoạch tại trang trại tổng hợp của Tống Văn Quân, xã Yên Dương, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Ảnh: Lê Cương.

Loài cua, ốc sinh tồn trên đồng ruộng, sông ngòi, ao hồ… hiện giảm sút tới mức báo động, nguy cơ bị tận diệt không phải vì con người đánh bắt mà nguồn nước, môi trường ô nhiễm bởi hóa chất, chất thải bẩn…

Mới đây, UBND huyện Hà Trung đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền các xã/thị trấn tập huấn cho 02 hộ sẵn có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản ở xã Yên Dương và 20 hộ khác nắm được kỹ thuật, cách nuôi trồng, chăm sóc…, thực hiện mô hình liên kết nuôi ốc nhồi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình có sự giám sát theo dõi chỉ đạo của cơ quan chuyên môn. Kết thúc, mô hình đã đem lại kết quả tốt, hiệu quả cao: Mỗi sào trừ chi phí thu nhập 30 - 40 triệu đồng. Sau đó, mô hình được nhân rộng đến 20 hộ trong xã đã được tập huấn.

Ông Tống Văn Quân 58 tuổi (xã Yên Dương, huyện Hà Trung) người thấp bé, da sạm nắng vì “đánh vật” với 3,5ha đất trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản trên chục năm nay. Ông cho biết: Ông sử dụng 5 sào (2.500m2) làm ao nuôi ốc nhồi thương phẩm, trừ chi phí cũng lời 100 - 150 triệu đồng/năm. Tùy vào tình hình mỗi năm, ốc thu hoạch bình quân 30 con/kg, bán giá 80 - 100 ngàn đồng/kg. Sau 2 năm, phát huy lợi thế nuôi ốc nhồi thương phẩm sinh lời, ông sử dụng tiếp 5 sào đất lúa liền kề với ao kết hợp vừa cấy lúa vừa nuôi ốc, cho thu nhập 150 triệu đồng trở lên.

Ông Tống Văn Quân, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa, chủ trang trại tổng hợp giới thiệu ốc nhồi thương phẩm thu hoạch bán ra thị trường

Ông Tống Văn Quân giới thiệu ốc nhồi thương phẩm sắp thu hoạch. Ảnh: Lê Cương.

Áp dụng kiến thức tập huấn và qua học hỏi kinh nghiệm thực tế, ông Tống Văn Quân chia sẻ: “Nguồn nước nuôi ốc phải sạch; vệ sinh môi trường ao phải đảm bảo; chế độ ăn phải phù hợp. Đó là 3 yếu tố quan trọng nhất phải kiểm soát được để tránh nguy cơ dịch bệnh. Nếu không làm tốt các khâu này, ốc có thể bị bệnh sưng vòi chết hàng loạt do môi trường bẩn, nước bị ô nhiễm”.

Về quy trình nuôi ốc nhồi, ông Quân cho biết: Mỗi năm nuôi 1 vụ, bắt đầu thả giống từ tháng 3 - 4 âm lịch, đến tháng 8 (âm lịch) cho thu hoạch ốc thương phẩm. Hiện nay, nguồn ốc giống được mua từ Bạc Liêu hoặc nơi có uy tín. Trứng ốc được đưa vào thùng xốp để ấp trong nhà với nhiệt độ 30 - 32oC là phù hợp, nóng hoặc lạnh quá sẽ bất lợi, rủi ro. Từ 20 - 25 ngày, trứng nở ra ốc con rồi đưa ra ương. Bình quân mỗi kg trứng nở được khoảng 1 vạn ốc con. Sau 1 tháng ương, ốc to dần bằng cỡ hạt nhãn trở lên thì đem thả ao nuôi, mật độ nuôi 100 con/m2 (khoảng 30 vạn con/5 sào), nếu thiếu trứng thì mua thêm ốc giống thả cho đủ.

Để giảm rủi ro, thiệt hại, việc chuẩn bị ao nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ. Trước khi thả giống, rút cạn nước, phơi ao từ 20 - 30 ngày; dọn sạch bờ và quanh ao, rải vôi bột diệt khuẩn; lắp lưới sắt bao quanh tường rào chống chuột, côn trùng xâm nhập phá hại; lắp mái che chống nắng, gió phải đảm bảo an toàn cho ao nuôi…

Ông Tống Văn Quân, chủ trang trại tổng hợp xã Yên Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa giới thiệu vật liệu thùng xốp sử dụng để ấp trứng ốc giống

Ông Quân giới thiệu vật liệu thùng xốp sử dụng để ấp trứng ốc giống. Ảnh: Lê Cương.

Khi thả giống, xả nước sạch vào ao nuôi, luôn duy trì mực nước ao 1 - 1,2m, thả bèo tây, bèo tấm, bèo cám, các loại lá cây lên mặt ao cho ốc bám, vừa chống nắng khi nhiệt độ cao. Cần bổ sung đủ nước sạch kịp thời để ốc sinh trưởng phát triển đến khi thu hoạch.

Thức ăn cho ốc vừa sạch, lại dễ kiếm, sẵn có như các loại rau, củ, quả trồng quanh trang trại được sơ chế nhỏ như rau sắn, rau đậu, bầu, bí, bèo tấm, mướp quả gọt vứt vỏ thái nhỏ để độ 10 - 20 ngày đem cho ốc ăn, mức ăn tùy theo cỡ ốc, tháng tuổi. Kiểm soát thức ăn trong ngày đảm bảo vừa đủ, nếu dư thừa phải dọn sạch, nếu không nước bị hôi thối sẽ làm cho ốc bị bệnh sưng vòi, chết hàng loạt.

Theo ông Quân, qua hai vụ nuôi, tỷ lệ ốc sống phát triển cho đến lúc thu hoạch đạt mức 50 - 75%, tuy nhiên người nuôi cần phải đảm bảo các yếu tố như môi trường, nhất là nguồn nước phải sạch, thời tiết thuận lợi, độ pH phù hợp...

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hà Trung cho biết, hiện một số xã có điều kiện lợi thế tự nhiên người nuôi ốc nhồi thương phẩm ngày càng tăng, điển hình như xã Hà Sơn có các ông Nguyễn Xuân Bắc 5 sào; ông Phạm Hồng Hiền, Nguyễn Xuân Hải 3 sào/hộ; ông Trần Văn Bình 4 sào... Các hộ ở xã Yến Sơn cũng nuôi ốc nhồi vây lưới trong ao. Tại các xã này, người nuôi cho biết thu nhập từ nuôi ốc nhồi bình quân đạt 35 - 40 triệu đồng/sào, trừ chi phí, lợi nhuận gấp 2 - 3 lần so với nhiều đối tượng thủy sản nuôi khác.

Gương điển hình làm kinh tế trang trại

Ngoài 5 sào ao đang nuôi ốc thịt, 5 sào đất trồng lúa liền kề ông Quân cũng nuôi ốc trong ruộng lúa. Khi ốc thả nuôi ao trong được vài tháng tuổi, ông san ra ao ngoài một lượng ốc nhất định, thức ăn cũng cho ăn giống như ao trong và ốc tự kiếm ăn trong ruộng lúa. 

Một trong 3 ao nuôi cá truyền thống trên 3,5ha trang trại tổng hợp Tống Văn Quân, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa

Một trong 3 ao nuôi cá truyền thống ở trang trại tổng hợp của ông Quân. Ảnh: Lê Cương.

Trước khi nuôi ốc, ông Quân còn duy trì phát triển đàn lợn, mỗi năm bán ra thị trường 100 - 200 con lợn thịt. Hiện trong chuồng ông có không dưới 100 con lợn thịt, bình quân 70 - 100 kg/con; đàn lợn nái hàng năm sinh sản cũng đủ giống để nuôi và bán ra thị trường.

Ngoài ra, ông còn nuôi cá truyền thống (trôi, mè, chép, trắm, diêu hồng…) trong 3 ao, sản lượng đạt 10 - 15 tấn/năm, thu về tầm 450 triệu đồng/năm và gà thả vườn... Quanh trang trại, đường đi lối lại ông Quân trồng kín đất nhiều loại cây ăn quả như bưởi, xoài, na, cau, ổi, táo, cây cảnh, cây xanh… tạo cảnh quan sinh thái dễ chịu, đẹp mắt.

Đã trên chục năm nay, ông Quân bỏ vốn đầu tư khai thác 3,5ha đất thầu phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Mặc dù đường đến trang trại (dài 2km) được ông thảm bê tông, kéo đường điện, tuy nhiên cách xa khu dân cư nên gặp khó khăn, điện cuối nguồn yếu, nước bơm không kịp phải dùng phương tiện sục khí oxy. Cũng có vụ nắng nóng gay gắt gây thiếu nước khiến cá chết hàng loạt… Ông mong muốn và đề nghị được địa phương quan tâm hỗ trợ dịch vụ về điện, tạo thuận lợi cho trang trại phát triển tốt hơn nữa.                                                                             

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.