| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong ở miền tây xứ Nghệ

Thứ Sáu 06/02/2015 , 06:11 (GMT+7)

Dự án nuôi ong mật tại bản Na Khướng, xã Na Loi là một mô hình mới, được Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn phối hợp với Ban Quản lý dự án Phát triển nông thôn miền Tây Nghệ An (VIE/028) đầu tư thực hiện.

Bước đầu mô hình đã mang lại lợi nhuận cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân nơi đây.

Ấn tượng đầu tiên khi có mặt tại nhà của anh Lương Văn Nam ở bản Na Khướng là hàng chục thùng nuôi ong đặt khắp vườn.

Đưa chúng tôi tham quan quanh vườn, anh Nam chia sẻ: "Nuôi ong không vất vả lắm nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật là ong sinh trưởng, phát triển tốt, cho mật đều, nếu chăm sóc tốt, 1 tháng 1 đàn ong sẽ cho mật 2 lần, mỗi lần từ 2 - 3 chai".

Cũng theo anh Nam, năm 2012, anh cùng 15 hộ trong bản được dự án VIE/028 hỗ trợ mỗi hộ 2 đàn ong mật và được tập huấn kỹ thuật nuôi. Ban đầu, khi nhận ong giống anh lo lắm vì chưa làm bao giờ, mới chỉ nghe tập huấn, kinh nghiệm chưa có nên sợ thất bại, hơn nữa lại được Hội Nông dân xã và bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi ong của bản nên anh càng lo hơn.

Do hiểu biết về kỹ thuật nuôi ong còn ít nên trong 2 đàn, có 1 đàn bị bốc bay mất. Để không phụ lòng bà con và cán bộ Hội Nông dân xã đã tin tưởng, anh vừa làm vừa nghiên cứu qua sách báo, trên tivi, qua mạng Internet và cất công đến tận các nơi có kinh nghiệm nuôi ong ở trong tỉnh như các huyện Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, thị xã Thái Hoà để học hỏi kinh nghiệm.

Từ đó thành công bắt đầu mỉm cười với gia đình anh. Với 1 thùng ong còn lại, đến nay anh đã nhân lên được 30 đàn và thu hoạch được 100 chai, chất lượng mật rất tốt vì ong hút các loại hoa rừng.

Anh thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy, giá bán tại chỗ cho các giáo viên, cán bộ đồn biên phòng và nhân dân trong vùng từ 150 - 200 ngàn đồng mỗi chai.

Nếu đem so sánh tính ra cũng tương đương gần 2 tấn lúa có chất lượng cao, số lúa đó ở địa phương phải canh tác trên diện tích 10 sào mà chỉ SX được 1 vụ trong năm. Với số tiền thu được từ ong cũng đủ chi phí trang trải cho 2 cháu nhà anh đang học tại trường nội trú…

Có thể xem nuôi ong lấy mật là một nghề “một vốn bốn lời”. Trong khi đó vốn đầu tư cho việc nuôi ong không nhiều. Nuôi ong rất thuận lợi, bởi theo anh Nam, con ong rất dễ nuôi, hộ nghèo cũng có thể nuôi được vì không phải đầu tư thức ăn, không phải mất nhiều thời gian, diện tích rừng ở địa phương lớn, trên rừng có nhiều loài cây phong phú có hoa trái quanh năm, tạo ra nguồn phấn hoa ổn định.

Chia tay anh Nam trong buổi chiều tà khi những đàn ong đã về tổ, anh cho biết đã cung cấp 10 đàn ong giống cho 5 hộ trong bản và tập huấn kỹ thuật miễn phí cho họ.
Trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục nhân đàn, bắt thêm ong rừng về nuôi, học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm nuôi ong để mang lại nguồn lợi kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình và sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho bà con với mong muốn ngày càng có nhiều người nuôi ong thành công như mình…

Đặc biệt trong những năm gần đây, người dân trồng ngô với diện tích lớn, nên rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong mật. Từ khi nuôi ong các loại cây trồng, cây ăn quả trong vùng được thụ phấn nên tỷ lệ đậu trái rất cao, ít sâu bệnh hơn…

Anh Nam chia sẻ: "Trong quá trình nuôi phải nắm bắt rõ đặc tính đi lại, ăn uống, quy luật trưởng thành cũng như các loại bệnh có thể xảy ra đối với đàn ong như thối ấu trùng, ỉa chảy, bệnh ký sinh trùng, hội chứng ngộ độc...

Hàng tuần phải 2 - 3 lần thăm tổ để phát hiện và xua đuổi các loại kiến, gián, ong vò vẽ vào làm tổ trong đó và phá hoại đàn ong.

Không dùng các chất hóa học để phun đuổi mà phải dùng tay để bắt, không phun thuốc diệt muỗi gần nơi để tổ ong vì làm như thế ong sẽ chết hoặc bỏ tổ đi mất. Khó nhất là cách tạo chúa để tách đàn vì tỷ lệ thành công chỉ từ 25 - 30%…, từ đó mới có thể duy trì và tăng nhanh số lượng đàn ong được".

Ông Lương Văn Mằn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Loi cho biết: "Mô hình của anh Nam là điển hành, phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác của nông dân. Đây cũng là địa bàn thuận lợi cho việc nuôi ong, người dân đã cơ bản được trang bị đầy đủ về kỹ thuật, nên họ rất vui mừng phấn khởi, nhất là khi thấy được hiệu quả kinh tế họ càng có thêm động lực để phát triển nghề nuôi ong.

Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động bà con nhân dân học tập mô hình của anh Nam để nhân ra diện rộng tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập…".

Ông Lô Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết: "Được sự hỗ trợ của dự án VIE/028, đến nay Hội Nông dân huyện đã phối hợp tập huấn, cung cấp con giống ong cho 60 hộ ở 4 bản gồm bản Piêng Phô, xã Phà Đánh; bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý; bản Cù, xã Chiêu Lưu và bản Na Khướng, xã Na Loi.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thấy người dân rất phấn khởi, có ý thực học hỏi, chăm sóc ong chu đáo, đúng quy trình kỹ thuật, ong phát triển tốt và đã cho thu hoạch, qua hội thảo được Ban quản lý dự án đánh giá rất cao".

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.