| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong rừng ngập mặn hiệu quả kinh tế vượt xa nuôi trồng thủy sản

Thứ Tư 19/07/2023 , 10:44 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật ở rừng ngập mặn mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ nông dân ở Kiến Thụy đã chuyển hẳn từ nghề nuôi trồng thủy sản.

Nhiều hộ dân ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy đã chuyển từ nuôi trồng thủy sản sang nuôi ong. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều hộ dân ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy đã chuyển từ nuôi trồng thủy sản sang nuôi ong. Ảnh: Đinh Mười.

Xuất phát từ thực tế có diện tích rừng ngập mặn tương đối lớn, với đa dạng các loại sú, bần, vẹt... điều kiện thuận lợi, thích hợp cho đàn ong sinh trưởng, phát triển, một số hộ dân tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đã chuyển đổi kinh tế từ khai thác thủy sản nhỏ lẻ ven bờ sang nuôi ong lấy mật.

Giống ong được các hộ lựa chọn nuôi chủ yếu là ong nội địa, có kích thước nhỏ, không phải di chuyển theo vùng hoa, ít dịch bệnh. Từ hiệu quả ban đầu, để mở rộng quy mô sản xuất, tổ hợp tác nuôi ong của người dân tại địa phương đã được thành lập năm 2010, quy tụ những người có chung nhu cầu và mục đích phát triển kinh tế từ nghề này.

Điển hình như tại hợp tác xã (HTX) Mật ong Tùng Hằng, sản phẩm mật ong hoa rừng ngập mặn nguyên chất của HTX được chứng nhận OCOP đạt 3 sao và đang có những bước phát triển ổn định, bền vững.

Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc HTX Mật ong Tùng Hằng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong với người dân. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc HTX Mật ong Tùng Hằng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong với người dân. Ảnh: Đinh Mười.

Tháng 5/2020, HTX Mật ong Tùng Hằng chính thức được thành lập theo Luật HTX 2012 đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi ong tại đây. Với chất lượng vượt trội nhờ vào nguồn hoa rừng ngập mặn tự nhiên, cũng trong năm 2020, sản phẩm mật ong của HTX được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Nhờ có đầy đủ tem mác, nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm mật ong của HTX ngày càng nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường so với trước đây.

Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc HTX Mật ong Tùng Hằng chia sẻ, HTX được thành lập trên cơ sở Tổ hợp tác nuôi ong với 12 thành viên, lúc đó mới chỉ có hơn 800 đàn. Đến nay, HTX có lượng ong khoảng 1.000 đàn, trung bình mỗi năm, mỗi đàn ong cho thu hoạch khoảng 12 lít mật, tổng lượng mật đạt hơn 10.000 lít/năm, cung cấp đi nhiều thị trường như các tỉnh phía Bắc và miền Trung, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường nhờ vào chất lượng sản phẩm.

Giống ong được các hộ lựa chọn nuôi chủ yếu là ong nội địa, có kích thước nhỏ, không phải di chuyển theo vùng hoa, ít dịch bệnh. Ảnh: Huy Bình.

Giống ong được các hộ lựa chọn nuôi chủ yếu là ong nội địa, có kích thước nhỏ, không phải di chuyển theo vùng hoa, ít dịch bệnh. Ảnh: Huy Bình.

Về cơ duyên đến với nuôi ong, ông Tùng nhớ lại, năm 1997, xã Đại Hợp là một trong những địa phương triển khai thực hiện dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Nhật Bản tài trợ với tổng diện khoảng hơn 650ha.

Năm 2000, cây rừng ngập mặn (chủ yếu gồm các loại như vẹt, sú, đước, bần, trang và hệ thống cây dây leo...) bắt đầu cho hoa. Từ đó, hộ nuôi ong ở các tỉnh, thành khác bắt đầu di chuyển đàn ong theo nhau về khu vực rừng ngập mặn của Đại Hợp để ong hút mật hoa.

Thời điểm này, nhiều hộ dân tại xã Đại Hợp chủ yếu theo nghề đánh bắt thủy hải sản ven sông liền theo học nghề từ các thợ nuôi ong. Dần dần nhận thấy nghề nuôi ong đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại thân thiện với môi trường nên một số hộ đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang nghề nuôi thả ong.

Khác với ong nuôi tại những nơi khác khi ong hút mật từ hoa vải, nhãn, hay hoa cà phê chỉ đủ lượng thức ăn cho ong khoảng 1 - 2 tháng, hết mùa hoa, thợ nuôi ong lại phải chuyển đàn. Trong khi 650ha rừng ngập mặn của xã Đại Hợp cho hoa gần như quanh năm (từ 10 đến tháng 12 tháng), là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong.

Vào thời điểm tháng 8 - 9, sản lượng hoa rừng ngập mặn ít đi thì các thành viên trong HTX lại di chuyển đàn ong sang địa phương bên cạnh là phường Bàng La (quận Đồ Sơn), nơi có hàng trăm ha táo Bàng La trổ hoa để ong hút mật.

Nuôi ong rừng ngập mặn cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Huy Bình.

Nuôi ong rừng ngập mặn cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Huy Bình.

“Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, có tem mác, nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có hộp đựng,... thì giá trị sản phẩm đã tăng lên, được nhiều người biết đến. Hiện nay, chúng tôi đang bán ra thị trường với giá 300.000 đồng/lít, giá này không phải thấp nhưng mật ong của HTX vắt đến đâu bán hết ngay đến đó. Thị trường tiêu thụ không chỉ ở Hải Phòng mà còn lan rộng tận Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An,...”, ông Tùng cho hay.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, HTX Mật ong Tùng Hằng được UBND TP Hải Phòng, Sở NN-PTNT quan tâm đầu tư cho hệ thống máy tách nước thủy phân mật ong. Nhờ có hệ thống máy móc hiện đại này mà mật ong của HTX sau khi thu hoạch sẽ được ép tách nước để đảm bảo hàm lượng nước trong mật dưới 23%, như vậy mật để lâu không bị chua, chất lượng mật tốt hơn.

Với hệ thống máy móc hiện đại, mật ong sẽ được ép tách nước để đảm bảo hàm lượng nước trong mật dưới 23%. Ảnh: Huy Bình.

Với hệ thống máy móc hiện đại, mật ong sẽ được ép tách nước để đảm bảo hàm lượng nước trong mật dưới 23%. Ảnh: Huy Bình.

So với các sản phẩm mật ong nuôi bán tự nhiên khác, mật ong nuôi từ rừng ngập mặn luôn đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trong nguồn thức ăn của ong, hàm lượng các chất khoáng cao hơn, vì thế mật ong đảm bảo chất lượng và giàu dinh dưỡng hơn. Do những đặc tính vượt trội như vậy, sản phẩm mật ong của HTX Tùng Hằng được coi là đặc sản của vùng rừng ngập mặn ven biển.

Thời gian tới, các đơn vị chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tư vấn kỹ thuật, tuyển chọn giống tốt, xây dựng mô hình trình diễn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mật ong rừng ngập mặn ra sản xuất đại trà, đồng thời hỗ trợ công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mật ong rừng ngập mặn ra thị trường.

“Tôi đã sớm biết đến và yêu loài ong mật từ năm 1987, khi đó đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Cứ dịp cuối tuần, tôi theo chân cán bộ đơn vị vào rừng để bắt ong mật về nuôi. Sau khi xuất ngũ, do địa phương không có rừng núi nên việc nuôi ong rất khó phát triển. Sau này, khi địa phương có rừng ngập mặn, tôi mới bắt đầu nuôi ong lấy mật. Khởi nghiệp chỉ với 2 đàn ong, đến nay riêng gia đình tôi đang nuôi 200 đàn, cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 lít mật, doanh thu 500 triệu đồng/năm”, ông Bùi Thanh Tùng chia sẻ.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.