| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thiên địch diệt côn trùng gây hại

Thứ Tư 01/11/2023 , 07:45 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Thay vì sử thuốc bảo vệ thực vật, nhiều nông dân ở Lâm Đồng đã thả nuôi thiên địch trong vườn giúp tiêu diệt hiệu quả sinh vật gây hại.

Nuôi thiên địch, lợi đủ đường

Trong diện tích 1,5ha nhà kính công nghệ cao tại thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), gia đình ông Lê Công Thôn chia thành các phân khu để trồng các loại ớt chuông, ớt sừng, cà chua các loại. Điều đặc biệt, nông dân này thả các loài nhện, bọ xít bắt mồi trên khu vực canh tác ớt chuông (3.500m2) để tiêu diệt các loài côn trùng gây hại như bọ trĩ, rầy, rệp… Chủ vườn cho biết, việc thả các loài thiên địch đã được gia đình áp dụng từ nhiều tháng trước và đến nay, vườn cây được bảo vệ rất hiệu quả.

Gia đình ông Lê Công Thôn thả nuôi thiên địch trên diện tích 3.500m2 vườn ớt chuông. Ảnh: Minh Hậu.

Gia đình ông Lê Công Thôn thả nuôi thiên địch trên diện tích 3.500m2 vườn ớt chuông. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Thôn cho hay, trên ớt chuông thường xuất hiện các loài côn trùng gây hại khó phòng trừ, đặc biệt là bọ trĩ, nhện đỏ. Thông thường, sau khi xuống giống ớt khoảng 1 tháng, chủ vườn phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ. “Trước đây, có lứa ớt bị bọ trĩ gây hại nghiêm trọng nên gia đình phải phun đi, phun lại nhiều lần. Việc này không những gây tốn kém mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người trực tiếp sản xuất tại trang trại”, ông Thôn nói.

Vừa thả nhện bắt mồi lên cây, ông Thôn vừa chia sẻ, loài côn trùng này rất nhỏ nên không quan sát kỹ sẽ khó nhìn thấy. Sau khi thả lên lá, nhện sẽ tự động toả ra khắp cành, lá của cây để tìm thức ăn, sinh sống và làm tổ sinh sản. Loài nhện thiên địch này sẽ ăn con non và trứng của bọ trĩ. Đối với bọ trĩ trưởng thành và ấu trùng bọ trĩ trong giá thể (xơ dừa trồng ớt), ông Thôn tiến hành thả bọ xít bắt mồi và nhện (Ambly – Hypo) để chúng tìm và tiêu diệt.

Cũng như ông Thôn, gia đình anh Phạm Xuân Lộc (ngụ xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng) tiến hành thả các loài thiên địch trên diện tích 0,8ha vườn ớt chuông. Năm 2021, nhận thấy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khoẻ người lao động nên anh Lộc đã tìm đến phương pháp quản lý dịch hại bằng đấu tranh sinh học. Anh Lộc đã liên kết với một doanh nghiệp tại địa phương và đưa khoảng 5 - 6 loài thiên địch do Bio – Pro của Công ty TNHH Dalat Hasfarm cung cấp để ứng dụng vào sản xuất.

Mô hình nuôi thiên địch tại vườn ớt chuông của gia đình ông Nông Văn Sinh (xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình nuôi thiên địch tại vườn ớt chuông của gia đình ông Nông Văn Sinh (xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

“Ban đầu, tôi sử dụng thiên địch trên diện tích 3.500m2 vườn. Sau đó, thấy thiên địch phát triển mạnh, diệt trừ được hầu hết các loại côn trùng gây hại ớt chuông nên tôi nhân rộng và áp dụng cho toàn khu vườn 0,8ha. Hiện nay, các loài thiên địch tôi đang áp dụng bao gồm nhện bắt mồi (Ambly - Hypo), bọ xít bắt mồi (Orius), nhện Phyto, bọ xít hoa gai nhọn (Ecobug) dùng để tiêu diệt các loại sâu gây hại; ong mắt đỏ (Gramma) dùng diệt trừ sâu tơ, sâu xanh, sâu ăn tạp. Các loài thiên địch này phát triển, bảo vệ rất tốt cho cây trồng”, anh Phạm Xuân Lộc cho biết.

Để tổ chức phòng trừ sinh vật gây hại bằng thiên địch, người làm vườn phải tuân thủ nhiều quy định. Ông Lê Công Thôn cho biết: “Thiên địch có lợi cũng là côn trùng nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng làm thiên địch bị chết. Do vậy, đã dùng thiên địch thì tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phun cho cây trồng.

Môi trường vườn được đảm bảo thì thiên địch phát triển rất nhanh, bảo vệ được cây trồng, giúp nhà vườn giảm chi phí sản xuất. Ngược lại, môi trường kém sẽ làm thiên địch bị chết, việc phòng trừ sinh vật gây hại vì thế sẽ kém hiệu quả, tốn chi phí thả lứa thiên địch mới”.

Sản phẩm an toàn, giảm nhiều chi phí 

Tháng 7 vừa qua, để bảo vệ cho vườn ớt chuông, gia đình ông Nông Văn Sinh (61 tuổi, ngụ xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng) đã thả các loài nhện, bọ xít thiên địch lên vườn. “Từ khi đó đến giờ, tôi chưa phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật và cây vẫn phát triển tốt. Bọ trĩ, sâu đã được khống chế. Nếu không dùng thiên địch thì lứa cây 3 tháng này phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 3 - 4 lần”. Ông Sinh  đang lên kế hoạch thả thiên địch trên toàn bộ diện tích 3ha vườn ớt chuông.

Theo ông Sinh, hiện nay, cùng với việc phát triển thiên địch, gia đình cũng tiến hành lắp đặt hệ thống bẫy bằng keo dính để bắt các loài côn trùng gây hại khác. Hệ thống bẫy này được thiết lập dọc theo các luống ớt và cũng mang lại hiệu quả cao.

Việc nuôi thiên địch giúp vườn ớt chuông được bảo vệ trước các sinh vật gây hại như các loài sâu, bọ trĩ, rệp, nhện đỏ... Ảnh: Minh Hậu. 

Việc nuôi thiên địch giúp vườn ớt chuông được bảo vệ trước các sinh vật gây hại như các loài sâu, bọ trĩ, rệp, nhện đỏ... Ảnh: Minh Hậu. 

Nói về lợi ích của việc ứng dụng thiên địch vào sản xuất, ông Lê Công Thôn chia sẻ: “Trong sản xuất, sợ nhất là cây sắp cho thu hoạch mà sâu bệnh bùng phát, nếu không có biện pháp diệt trừ thì xem như đổ bỏ. Bởi ở giai đoạn cây trồng sắp thu hoạch, không thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật vì sẽ không đảm bảo quy trình cách ly. Đối với vườn cây sử dụng thiên địch, khi cây trên vườn sắp cho thu hoạch, các loại sâu, bọ gây hại trên cây vẫn được thiên địch tìm diệt và gia đình vẫn có thể thu hoạch trái chín để cung ứng cho đối tác theo hợp đồng”.

Anh Phạm Xuân Lộc cũng cho rằng, việc sử dụng thiên địch vào sản xuất không những bảo vệ tốt cho cây trồng mà còn góp phần tăng chất lượng, giá trị cho sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm, rất thuận lợi đế sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

“Hiện nay, các sản phẩm của gia đình được doanh nghiệp liên kết ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thông thường”, anh Phạm Xuân Lộc cho biết. Cũng theo anh Lộc, quy trình ứng dụng thiên địch đã giúp gia đình anh tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất. Cụ thể, mỗi lứa ớt kéo dài 8 tháng nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương thức cũ, gia đình anh Lộc phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng/1.000m2. Hiện nay, nhờ có kinh nghiệm sử dụng thiên địch nên 1.000m2 ớt duy trì trong 8 tháng, anh Lộc chỉ mất 10 - 15 triệu đồng thả thiên địch.

Sử dụng thiên địch giúp nông dân trồng ớt chuông ở Lâm Đồng tăng được chất lượng, mẫu mã, giá trị cho sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ, môi trường. Ảnh: Minh Hậu.

Sử dụng thiên địch giúp nông dân trồng ớt chuông ở Lâm Đồng tăng được chất lượng, mẫu mã, giá trị cho sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ, môi trường. Ảnh: Minh Hậu.

Anh Lê Viết Quang, nhân viên giám sát kinh doanh của Bio – Pro (thuộc Công ty TNHH Dalat Hasfarm) cho biết, đơn vị đang liên kết và thực hiện các chương trình hỗ trợ nông dân trồng ớt chuông ở Lâm Đồng phát triển mô hình ứng dụng thiên địch để quản lý sinh vật gây hại. Đối với các nhà vườn có nhu cầu, Bio – Pro sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá khu vực sản xuất và tư vấn, xây dựng mô hình. Các hộ dân liên kết với Công ty ứng dụng thiên địch vào sản xuất, nếu bị sinh vật gây hại trong sản xuất mà chưa có cách xử lý, đơn vị sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích, hỗ trợ và đưa ra giải pháp.

“Hiện chúng tôi có chính sách hỗ trợ một phần vốn cho các hộ nông dân. Cùng với đó, cử nhân viên theo dõi mô hình, đồng hành cùng nông dân để đánh giá tình hình sinh vật gây hại để đưa ra kế hoạch tốt nhất”, anh Lê Viết Quang cho biết. Cũng theo anh Quang, các khu vườn thả thiên địch cần đủ các điều kiện như nhà kính phải có độ cao và thoáng, bên ngoài nhà kính phải được dọn cỏ sạch sẽ.

Hiện nay, Công ty TNHH Dalat Hasfarm đang phát triển 10 loại thiên địch để nông dân áp dụng vào sản xuất. Theo anh Lê Viết Quang, các loài thiên địch của đơn vị hiện nay chủ yếu áp dụng trong mô hình sản xuất ớt chuông công nghệ cao. Việc sử dụng thiên địch giúp nhà vườn tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất. Đặc biệt, góp phần cải thiện môi trường, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất, tăng chất lượng, giá trị cho sản phẩm.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.