| Hotline: 0983.970.780

Cần cơ chế hỗ trợ việc sử dụng thiên địch bảo vệ cây trồng

Thứ Năm 28/09/2023 , 18:16 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng thiên địch bảo vệ cây trồng mang lại nhiều lợi ích và cơ quan chức năng cần có cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển.

Ngày 27/9, tại tỉnh Lâm Đồng, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức hội thảo về sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cùng đông đảo các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân.

Hội thảo về sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp được tổ chức 27/9 tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Hội thảo về sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp được tổ chức 27/9 tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, Việt Nam và Hà Lan đã xây dựng mối quan hệ lâu dài và đáng tin cậy. Năm 2023 là dịp kỷ niệm 50 năm hợp tác song phương giữa hai quốc gia, và năm 2024 sẽ là năm đánh dấu 10 năm quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.

“Tác nhân kiểm soát sinh học là chủ đề quan trọng mà chúng ta đều quan tâm, nó phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực mà Hà Lan sở hữu những chuyên gia và kiến thức hàng đầu trên thế giới”, ông Nguyễn Quý Dương chia sẻ.

Ông Nguyễn Quý Dương cũng mong muốn thông qua hội thảo, sẽ nhận được sự chia sẻ từ các chuyên gia từ Hà Lan cũng như những chia sẻ từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân để Cục BVTV đưa ra định hướng trong công tác sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp thời gian tới.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Hậu.

Theo bà Lianne Kersbergen, Phó trưởng Cơ quan Kiểm dịch thực vật Hà Lan, việc sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp là điều rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần giảm sử dụng thuốc BVTV hóa học trong trồng trọt, góp phần giảm rủi ro trong sản xuât và tăng giá trị sản phẩm.

Ở Hà Lan, việc sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp cho sản xuất ngoài trời đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Bà Lianne Kersbergen cũng bày tỏ, Hà Lan mong muốn được trao đổi, hợp tác với Việt Nam trong vấn đề sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp.

Theo Cục BVTV, hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại và công tác mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản đạt nhiều kết quả khả quan. Thuốc BVTV và phân bón được quản lý chặt chẽ từ đăng ký đến sử dụng. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đang tập trung triển khai các chương trình phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia Hà Lan. Ảnh: Minh Hậu. 

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia Hà Lan. Ảnh: Minh Hậu. 

Hiện nay, việc sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích. Trong đó bao gồm giảm sử dụng thuốc BVTV, hạn chế dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm và bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường. Góp phần duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, đặc biệt là nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp được đánh giá mang lại nhiều lợi ích, song việc ứng dụng vào thực tế sản xuất hiện nay chưa phổ biến và vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, các chuyên gia chỉ ra rằng, điều kiện sử dụng thiên địch phải cách ly với khu vực sử dụng thuốc BVTV. Hơn nữa, giá nông sản không ổn định dẫn đến lợi nhuận thấp và người sản xuất phải thay đổi theo thị trường. Đặc biệt, nhận thức của người dân về lợi ích khi sử dụng thiên địch chưa cao… 

Mô hình sử dụng thiên địch bảo vệ ớt chuông tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình sử dụng thiên địch bảo vệ ớt chuông tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Đại diện các đơn vị, các chuyên gia cho rằng, để tăng cường sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp ở Việt Nam, việc cần thiết trước mắt là tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích, hiệu quả của việc áp dụng tác nhân sinh học. Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách về đào tạo, tập huấn hướng dẫn sử dụng thiên địch trên các loại cây trồng.

Ngoài ra, đại diện các đơn vị, chuyên gia cũng thống nhất các quan điểm về việc cần xây dựng các mô hình ứng dụng thiên địch và cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ việc xuất, nhập khẩu thiên địch. Song song đó, thực hiện chính sách hỗ trợ về phát triển thị trường tiêu thụ nông sản sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.