| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thủy sản không cần đào ao

Thứ Hai 04/12/2023 , 15:43 (GMT+7)

Nhiều hộ dân ở Hưng Yên không cần đào ao vẫn nuôi thủy sản cho năng suất, chất lượng cao. Mô hình có tên gọi 'ao bán nổi' bằng việc đắp bờ trên ruộng trũng.

Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, bên mô hình 'sông trong ao' tại huyện Phù Cừ. Ảnh: K.Trung.

Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, bên mô hình "sông trong ao" tại huyện Phù Cừ. Ảnh: K.Trung.

Nuôi thủy sản bằng "ao bán nổi"

Tại huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên), nhiều hộ dân không cần đào ao vẫn nuôi thủy sản đạt năng suất, chất lượng cao. Mô hình có tên gọi “ao bán nổi” bằng việc đắp bờ trên ruộng trũng, tích hợp đa giá trị sử dụng. Ngoài ra, bà con còn sáng tạo mô hình “sông trong ao” giải quyết được những hạn chế của ao nuôi truyền thống.

Phù Cừ là một trong những huyện trọng điểm nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hưng Yên. 5 năm trở lại đây, huyện đã chuyển đổi 1.650ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đặc sản, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện là 750ha.

Những diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi nuôi trồng thủy sản hầu hết đều là các vùng ruộng trũng, khó khăn cho công tác tưới tiêu, thủy lợi. Phù Cừ đã sáng tạo ra mô hình “ao bán nổi” để biến khó khăn thành lợi thế, không cần đào ao nhưng vẫn đủ điều kiện nuôi trồng.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ Bùi Quang Nam giải thích: ao bán nổi là việc tận dụng các khu ruộng trũng, người dân chỉ cần đắp bờ bốn xung quanh khoảng 1m chiều cao, từ đó hình thành các khu ao có độ sâu hơn 1m, đủ điều kiện để nuôi thả thủy sản. Khi cần thiết, chỉ việc phá bờ, ao nuôi lại trở thành ruộng.

Mô hình 'ao bán nổi' của HTX Hưng Phát tại xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ. Ảnh: K.Trung.

Mô hình "ao bán nổi" của HTX Hưng Phát tại xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ. Ảnh: K.Trung.

Mô hình "ao bán nổi" đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị vật nuôi. Các cơ sở nuôi thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng được điều kiện nuôi thâm canh theo hướng VietGAP qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nuôi thủy sản trong "ao bán nổi" là phương pháp nuôi mới, không cần đào ao, chỉ cần tạo dựng bờ trên mặt ruộng. Với nhiều ưu điểm nổi trội so với ao truyền thống, mô hình nuôi thủy sản trong trong "ao bán nổi" đang được nhiều nông dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư.

Tỉnh Hưng Yên cũng khuyến khích nông dân chuyển đổi ruộng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang xây dựng "ao bán nổi" để nuôi thâm canh thủy sản, đồng thời giao các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch nuôi thủy sản bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thị trường.

 
Xã viên HTX Quang Hưng kéo lưới thu hoạch thủy sản trong mô hình nuôi 'sông trong ao'. Ảnh: K.Trung. 

Xã viên HTX Quang Hưng kéo lưới thu hoạch thủy sản trong mô hình nuôi "sông trong ao". Ảnh: K.Trung. 

Để khai thác hiệu quả, năm 2019, tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt Dự án phát triển nuôi thủy sản trong "ao bán nổi" giai đoạn 2019 - 2021, hỗ trợ chi phí đào, đắp hệ thống đường giao thông trong khu nuôi thủy sản, hệ thống điện, hệ thống cống cấp, thoát nước phục vụ cho nuôi thủy sản... tổng trị giá hỗ trợ không vượt quá 70 triệu đồng/ha. Thực hiện dự án, tỉnh đã hỗ trợ cho 12 tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản trong tỉnh với diện tích 42ha. Tỉnh yêu cầu, các mô hình được hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản.

Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát (xã Quang Hưng) do anh Nguyễn Văn Dũng làm Giám đốc là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai ao đắp nổi. HTX hiện có 24 thành viên với tổng diện tích nuôi thủy sản 50ha. Năm 2020, được sự hỗ trợ của tỉnh, HTX đã đầu tư xây dựng diện tích 4,5ha ao bán nổi. Đến nay, các thành viên trong HTX đã mở rộng diện tích lên 15ha chuyên nuôi thả các loại cá, tôm thương phẩm, sản lượng đạt từ 30 - 35 tấn cá/ha/năm. Toàn bộ ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng với đầy đủ hệ thống cống cấp, thoát nước, quạt cung cấp ôxy cho cá...

Nuôi cá "sông trong ao"

Ngoài "ao bán nổi", nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại Phù Cừ cũng đang triển khai mô hình "sông trong ao" để khắc phục những hạn chế của ao nuôi truyền thống. HTX Hưng Phát hiện đang có 8,5ha theo mô hình “sông trong ao”.

Hệ thống 'kênh' dẫn bằng bê-tông trong ao...

Hệ thống "kênh" dẫn bằng bê-tông trong ao...

... kết hợp với hệ thống máy bơm đẩy để nước lưu chuyển, giúp tăng oxy trong nước, tạo nên mô hình 'sông trong ao' rất hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: K.Trung.

... kết hợp với hệ thống máy bơm đẩy để nước lưu chuyển, giúp tăng oxy trong nước, tạo nên mô hình "sông trong ao" rất hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: K.Trung.

"Sông trong ao" được thiết kế theo hướng bờ ao được kiên cố hóa, hệ thống tạo oxy, cấp và thoát nước điều khiển tự động. Trong ao, anh Dũng xây dựng 3 hệ thống “kênh” dẫn nước bằng bê tông theo kiểu đối lưu, các hệ thống có độ cao chênh lệch tạo dòng chảy khép kín, từ đó nước tuần hoàn vòng tròn giúp tăng lượng oxy thông qua hệ thống máy bơm lắp đặt tại hai đầu.

Theo anh Dũng, với quy trình nuôi thả thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP áp dụng mô hình "sông trong ao", năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn so với nuôi truyền thống. Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán trên 100 tấn cá thương phẩm, 150 tấn cá giống, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng.

Anh Dũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất và đưa một số giống thủy sản mới có chất lượng cao vào nhân giống đồng thời xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến thủy sản theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.