| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát con giống, hạn chế mầm bệnh trên cá nước lạnh

Thứ Tư 15/11/2023 , 09:41 (GMT+7)

Việc đưa con giống cá nước lạnh khỏe mạnh vào nuôi sẽ hạn chế được tình trạng cá nhiễm bệnh, tránh được thiệt hại về kinh tế cho người nuôi.

Cá tầm giống khỏe mạnh giúp hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh. Ảnh: H.Đ.

Cá tầm giống khỏe mạnh giúp hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh. Ảnh: H.Đ.

Ông Trần Chung Hưng, ở Ô Quý Hồ (Sa Pa, Lào Cai) là một trong những người nuôi cá nước lạnh đầu tiên ở Sa Pa. Ông đã có những kinh nghiệm để mở rộng quy mô nuôi tới cả trăm bể cá hồi, cá tầm. Trong đó, việc đảm bảo nguồn nước sạch và đưa con giống khỏe vào nuôi đã tránh được tình trạng nhiễm bệnh tràn lan trên cá nước lạnh. 

Tại những trại cá của ông đều được đầu tư bài bản ngay từ khi đi vào hoạt động. Các bể được xây bằng bê tông, cốt thép, đảm bảo chắc chắn, sử dụng lâu dài cũng như để tránh các rủi ro từ ảnh hưởng của thiên tai. Các trại nuôi cá đều được trang bị máy móc hỗ trợ chăn nuôi nhằm đảm bảo chất lượng thịt cá cũng như hạn chế tối đa dịch bệnh.

Từ năm 2017, ông Hưng đã quyết định đầu tư nuôi cá nước lạnh tại khu vực thác Bạc thuộc phường Ô Qúy Hồ (Sa Pa, Lào Cai). Khởi đầu với 4 bể cá nhỏ và 1.500 con giống tuy nhiên dịch bệnh và thiếu kỹ thuật đã gây thiệt hại đáng kể. 

Thời điểm này, việc nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa cũng như các nơi khác chưa được phổ biến. Chủ yếu bà con nông dân tự mày mò, nghiên cứu để nuôi. Các kỹ thuật nuôi cá trắm, cá mè khác xa với nuôi cá nước lạnh nên không áp dụng được.

Ông Trần Chung Hưng kiểm tra lứa cá tầm chuẩn bị xuất bán. Ảnh: H.Đ.

Ông Trần Chung Hưng kiểm tra lứa cá tầm chuẩn bị xuất bán. Ảnh: H.Đ.

Lúc bấy giờ, thực đơn của những nhà hàng còn thiếu vắng các món về cá hồi, cá tầm do ít người sử dụng món ăn này. Nhưng ông Hưng vẫn mạnh dạn mở quán ăn nhỏ, chế biến cá tầm, cá hồi bán cho thực khách khi đến vãn cảnh đèo Ô Quý Hồ. Cách làm này bước đầu góp phần tạo thương hiệu cho con cá nước lạnh ở Sa Pa. 

Cho đến nay, ông Hưng đã có hơn 100 bể nuôi cá tầm, cá hồi nằm rải rác ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) và huyện Tam Đường (Lai Châu).

Mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 700 nghìn con giống cá tầm và cá hồi, thu về khoảng 10 tỷ đồng. Đều đặn, mỗi bể nuôi khoảng 5.000 con cá thương phẩm, khi cá đạt 1,5-2kg thì xuất bán. Từ đầu năm đến nay, ông Hưng đã bán được 45 tấn cá hồi và cá tầm, với giá trung bình từ 200 nghìn đồng/kg, thu về hơn 9 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 5 tỷ đồng. Tới đây sẽ ông tiếp tục mở rộng nuôi ở một số địa phương khác có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp.

“Cá nước lạnh hiện đang phát triển rất mạnh, nhu cầu của thị trường lớn do đó chúng tôi áp dụng công nghệ vào chăn nuôi như sử dụng máy cho ăn tự động, hệ thống bơm sục khí tuần hoàn để con cá khỏe mạnh, có sức đề kháng cao, không bị nhiễm dịch bệnh. Qua đó, mang lại hiệu quả cao hơn cho người nuôi.

Tuy nhiên, chúng tôi hiện đang nhập giống cá con và nhập cá bố mẹ từ châu Âu để tiến tới chủ động dần về con giống, tránh rủi ro con giống không rõ nguồn gốc, tránh được dịch bệnh.

Một số bệnh trên cá nước lạnh như bệnh thối mang, đốm gan, hoặc trắng gan… rất khó phát hiện khi cá còn nhỏ. Mặt khác, không phải cứ có bệnh là chữa được ngay. Vì vậy, giải quyết bài toán này bằng cách kiểm soát con giống, ấp nở bằng đàn cá của mình sẽ căn cơ hơn. Dự kiến từ nay đến Tết, chúng tôi sẽ có những lứa cá đầu tiên”, ông Hưng nói.

Cá ao nuôi sử dụng hệ thống bơm nước tuần hoàn và sục khí tại huyện Tam Đường (Lai Châu) của ông Trần Chung Hưng. Ảnh: H.Đ.

Cá ao nuôi sử dụng hệ thống bơm nước tuần hoàn và sục khí tại huyện Tam Đường (Lai Châu) của ông Trần Chung Hưng. Ảnh: H.Đ.

Hiện, ông Hưng phối hợp Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I, các công ty thuốc thủy sản thường xuyên xét nghiệm về nước, lấy mẫu bệnh về cá để có giải pháp phù hợp từng thời điểm. Khi có cách xử lý bài bản sẽ hạn chế tối đa tình trạng cá chết.

Cũng theo ông Hưng, mức độ thiệt hại do cá nước lạnh nhiễm bệnh tùy thuộc kinh nghiệm của mỗi hộ nuôi nhưng đánh giá chung tổng thể hao hụt dưới 10% thì vẫn trong mức rủi ro cho phép. 

Ông hiện áp dụng nuôi cá nước lạnh với chu trình khép kín, tuần hoàn nên giảm được lượng nước tồn đọng trong bể cá; giảm chi phí nhân công vệ sinh bể cá, phòng tránh được hầu hết bệnh hay xảy ra trên cá nước lạnh do môi trường gây ra.

“Bắt buộc phải áp dụng công nghệ vì giúp giảm sức lao động. Đặc biệt, khi trời mưa gió người nuôi không phải ra suối mà vẫn có thể đóng nguồn nước, kích hoạt hệ thống bơm tuần hoàn, đảm bảo an toàn cho người nuôi cũng cho đàn cá”, ông Hưng cho biết. 

Ông Trần Chung Hưng ở tổ dân phố số 2, phường Ô Quý Hồ (Sa Pa, Lào Cai) là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu cả nước nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”. Mô hình nuôi cá nước lạnh của ông mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất